2021/08/30

Nhận diện thách thức an ninh biển với Đông Nam Á


Theo các học giả khu vực, có bốn thách thức với Đông Nam Á về an ninh biển: (i) Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn chính tại Biển Đông; (ii) Đông Nam Á còn nhiều hạn chế trong năng lực biển; (iii) Đông Nam Á không có chung nhận thức về vấn đề Biển Đông; và (iv) các nước Đông Nam Á chịu sức ép từ cạnh tranh nước lớn.
Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2021, một số tọa đàm về an ninh biển tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được tổ chức, trong đó có webinar “Biển Đông: Thách thức, cơ hội và triển vọng hợp tác” (của Viện Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Malaysia (ISIS) và Đại sứ quán Mỹ tại Malaysia) và webinar “An ninh biển tại Đông Nam Á: Vấn đề, viễn cảnh và thách thức với hợp tác” (của Diễn đàn Thái Bình Dương).
Các tọa đàm quy tụ nhiều diễn giả nổi tiếng trong khu vực như Collin Koh, (Trường S. Rajaratnam, Singapore), Blake Herzinger (Diễn đàn Thái Bình Dương), Satu Limaye (Trung tâm Đông – Tây), Ivy Kwek Ai Wei (Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Malaysia) và Shahriman Lockman (ISIS Malaysia). Nội dung nổi bật của các tọa đàm như sau:
Những thách thức về an ninh biển
Các diễn giả nêu ra một số thách thức với Đông Nam Á về an ninh biển.
Thứ nhất, các diễn giả cho rằng Trung Quốc là nhân tố gây bất ổn chính tại Biển Đông. Satu nhấn mạnh, nghĩa vụ duy trì hoà bình Biển Đông là của tất cả các nước nhưng trách nhiệm về các hành động gây bất ổn trên hết thuộc về Trung Quốc vì: (i) yêu sách Đường lưỡi bò mang tính gây hấn và không có cơ sở pháp lý; (ii) Luật hải cảnh Trung Quốc 2021 gây ra nhiều quan ngại; (iii) Trung Quốc có nhiều “hành xử hung hăng”. Chia sẻ quan điểm này, Ivy Kwek nhận định vấn đề Biển Đông tuy không mới nhưng ngày càng gặp nhiều thách thức phức tạp hơn khi Trung Quốc tăng cường thể hiện sức mạnh.
Bổ sung ý kiến trên, nhiều ý kiến đánh giá các nước ngoài Trung Quốc cũng góp phần gia tăng căng thẳng. Herzinger cho rằng Trung Quốc là nước cải tạo, quân sự hóa các thực tế trên biển và đánh bắt cá trái phép với quy mô lớn nhất nhưng những nước khác cũng tiến hành các hoạt động này. Tuy nhiên, Satu phản bác các lập luận này và cho rằng các nước yêu sách ngoài Trung Quốc được bảo vệ quyền và lợi ích trong vùng EEZ hợp pháp của mình, đều nỗ lực không làm tình hình phức tạp hơn và đều tránh gây hấn không cần thiết với Trung Quốc.
Thứ hai, Đông Nam Á còn nhiều hạn chế trong năng lực biển. Herzinger chỉ ra đặc điểm của các thách thức an ninh biển khu vực là: (i) tính liên kết cao của biển khiến các vấn đề quốc gia dễ trở thành vấn đề xuyên quốc gia, ví dụ như buôn lậu, buôn người hay cướp biển…; và (ii) các vấn đề an ninh phi truyền thống thực chất là các vấn đề truyền thống với khu vực, ví dụ như biến đổi khí hậu hay tội phạm môi trường…
Thêm vào đó, trong bối cảnh COVID-19, các nước chịu nhiều áp lực về nguồn lực hơn do phải dồn tài nguyên cho công tác kiểm soát dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Ưu tiên này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì hiện diện cũng như huấn luyện và hiện đại hóa các lực lượng trên biển của Đông Nam Á. Collin Koh dự đoán, do ảnh hưởng của đại dịch, việc mua bán khí tài của Đông Nam Á sẽ giảm trong thời gian tới.
Ngoài ra, Koh nhấn mạnh khác biệt về năng lực biển giữa các nước Đông Nam Á: các nước ven biển có nhiều tàu cỡ nhỏ để thực hiện các hoạt động gần bờ nhưng thường xuyên thiếu các tàu tuần dương cỡ lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuyên biệt và ở phạm vi rộng.
Tuy nhiên, Koh cũng cảnh báo rằng truyền thông thường có cái nhìn sai lệch về năng lực của Đông Nam Á, mô tả các nước này là nhỏ bé, yếu đuối và dễ bị áp đảo. Koh cho rằng các nước Đông Nam Á thường tránh “ngoại giao loa phóng thanh” (megaphone diplomacy) nên những gì các nước làm trên thực địa thường không được phản ánh đầy đủ trên truyền thông. Nhiều nước Đông Nam Á vẫn sẵn sàng chống lại thách thức từ Trung Quốc nếu cần thiết.
Thứ ba, Đông Nam Á không có chung nhận thức về vấn đề Biển Đông. Koh cho rằng tranh chấp Biển Đông chỉ là một trong nhiều vấn đề và do đó, ASEAN chưa thống nhất về tầm quan trọng của Biển Đông. Herzinger bổ sung, Đông Nam Á không có chung đánh giá về mối đe dọa từ Trung Quốc. Do vậy, Satu nhận định ASEAN ngày càng mất đi vai trò trong quản lý tranh chấp Biển Đông và bày tỏ nghi ngại về tiến trình COC. Ivy chia sẻ quan ngại này và cho rằng ASEAN dựa vào các cơ chế tiểu đa phương để giải quyết một số vấn đề cụ thể. Theo Shahriman, COC sẽ khó đạt được kết quả thực chất nếu không tổ chức được các cuộc họp trực tiếp. Mặc dù có nhiều khác biệt, theo Koh, một điểm chung là các nước tranh chấp đều nhận thức được giá trị về chính trị nội bộ khi thúc đẩy yêu sách Biển Đông. Nhiều lãnh đạo khu vực dùng mục tiêu bảo vệ biển đảo để duy trì tính chính danh của mình và chính quyền đối với người dân.
Cuối cùng, các nước Đông Nam Á chịu sức ép từ cạnh tranh nước lớn. Ivy cho rằng sức ép một phần đến từ việc khu vực ngày càng được cộng đồng quốc tế quan tâm, đặc biệt là Mỹ. Herzinger chỉ ra rằng Mỹ có xu hướng coi tất cả các mối đe dọa về an ninh biển tại khu vực đều liên quan đến Trung Quốc trong khi thực tế không phải như vậy. Dù Mỹ tuyên bố không muốn các nước Đông Nam Á phải chọn bên nhưng việc mô tả tình hình như trên sẽ càng đẩy Đông Nam Á vào thế khó xử. Mỹ cũng khó có thể thu hút được ủng hộ từ các nước Đông Nam Á do các nước này không thể tránh khỏi mối quan hệ với Trung Quốc.
Về phía Trung Quốc, một mặt, Koh cho rằng Trung Quốc tự tin với năng lực của mình, tự cho rằng mình đã đến ngưỡng mà ASEAN sẽ không thể có hành động đáng kể nào chống lại (cách mô tả sức mạnh Đông Nam Á trên truyền thông nói trên cũng củng cố quan điểm này).
Mặt khác, theo Herzinger, Trung Quốc cũng quá thận trọng với hợp tác của Đông Nam Á với Mỹ và cho rằng quan hệ này là cần phải được đối trọng. Điều này khiến Đông Nam Á gặp khó khăn khi hợp tác với các nước ngoài khối. Đồng tình với ý kiến này, Ivy cho rằng Trung Quốc ngày càng cảm thấy bất an khi bị coi là đối thủ chiến lược của Mỹ, dẫn đến tình trạng mất lòng tin ngày càng gia tăng. Các bên do đó dễ rơi vào vòng xoáy hành động và phản ứng, nguy cơ tính toán sai lầm và có những bước đi sai trên thực địa cũng tăng theo.
Về chính sách của Malaysia tại Biển Đông
Theo Thomas Daniel, Nghiên cứu viên cao cấp của Viện ISIS, Biển Đông là một trong các vấn đề chiến lược nhưng cũng dễ tổn thương nhất của Malaysia liên quan đến biển. Malaysia cũng nhìn nhận rằng vấn đề Biển Đông đang ngày càng bị quốc tế hoá do cạnh tranh nước lớn tại vùng biển này gia tăng. Về “lằn ranh đỏ” trên Biển Đông của Malayisa, Ivy cho rằng hiện Malaysia chưa thống nhất quan điểm nội bộ và chưa có cách tiếp cận toàn Chính phủ với vấn đề này. Satu cho rằng chính sách Biển Đông của Malaysia vẫn còn là câu đố chưa có lời giải đáp, không rõ nội hàm “lằn ranh đỏ” là gì. Shahriman cho rằng, khi xuất hiện cái gọi là “lằn ranh đỏ”, nhận thức của Malaysia trong vấn đề Biển Đông sẽ thay đổi hoàn toàn. Đó có thể là khi Trung Quốc tìm cách chặn các hoạt động về dầu khí của Malayisa trên thực địa bằng vũ lực.
Shahriman cũng cho biết cạnh tranh nước lớn cũng đẩy Malaysia vào thế khó. Shahriman hiểu nội bộ Mỹ đôi lúc rất thất vọng trước cách hành xử khá nhún nhường của Malaysia trên Biển Đông và hy vọng Malaysia có thể mạnh mẽ hơn trong việc chống trả với Trung Quốc. Mỹ đã hỗ trợ quân sự cho Malaysia khoảng 230 triệu đô-la trong vòng 5 năm. Trong khi đó, Malaysia vẫn luôn phải tính đến những lợi ích trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhất là khi Trung Quốc gần đây hỗ trợ Malaysia trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Về dầu khí, Satu nhận định đây không phải chỉ là một yếu tố trong tranh chấp: các nước yêu sách đề cao bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi hơn là tiếp cận nguồn dầu khí; Trung Quốc không cần dầu khí ở Biển Đông và sẽ ít phụ thuộc vào tài nguyên này trong tương lai, dầu khí chỉ là công cụ để khẳng định yêu sách quyền lịch sử. Tuy nhiên, Shahriman chia sẻ dầu khí luôn là ưu tiên của Malaysia.
Kiến nghị đối với các nước khu vực
Các học giả đưa ra một số đề xuất cho Đông Nam Á.
Thứ nhất, cách tiếp cận chính là tự lực tự cường. Các nước ven biển nên tiếp tục củng cố lực lượng chấp pháp, tiến hành tuần tra, coi chấp pháp biển là trách nhiệm cá nhân của nước mình, đồng thời hợp tác với các lực lượng bên ngoài ở các lĩnh vực khác gồm xây dựng năng lực và chia sẻ thông tin. Theo Ivy, Đông Nam Á nên nhấn mạnh thông điệp này để tránh tình trạng các nước lớn diễn giải hành động hay không hành động của các nước nhỏ là chọn bên.
Thứ hai, hợp tác giữa Đông Nam Á và Trung Quốc là điều cần thiết. Theo Herzinger, hải quân Trung Quốc sẽ luôn hiện diện ở khu vực bất kể tình hình chính trị và thực địa có diễn biến thế nào. Do đó, Trung Quốc và các nước khu vực cần có phương án liên lạc và điều phối hoạt động để tránh xảy ra xung đột cũng như hợp tác cùng Trung Quốc nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là với lực lượng hải cảnh. Ngoài ra, theo hai học giả, chính Trung Quốc cũng coi hợp tác với Đông Nam Á là điều tự nhiên bơi: (i) nếu Đông Nam Á hợp tác với Mỹ cả về kinh tế lẫn an ninh, không có lý do gì Đông Nam Á không làm điều tương tự với Trung Quốc, nhất là khi hai bên đã có sẵn nhiều kênh hợp tác về kinh tế; và (ii) Trung Quốc muốn thể hiện với thế giới rằng mình vừa kiểm soát, vừa phối hợp được với Đông Nam Á. Tuy nhiên, để hợp tác thuận lợi, hai bên phải vượt qua được trở ngại như khác biệt trong tổ chức và quy trình chỉ huy của các lực lượng cũng như khủng hoảng trên thực địa.
Riêng về COC, Herzinger cho rằng dù sẽ không được gì từ đàm phán vì Trung Quốc không tham gia theo hướng xây dựng, Đông Nam Á vẫn nên duy trì quá trình này để thể hiện rằng mình có nỗ lực hợp tác giải quyết vấn đề. Ivy nhận định, trong khi chờ đợi COC, ASEAN và Trung Quốc có thể song song xúc tiến hợp tác trong một số lĩnh vực phi truyền thống và ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường hay nghiên cứu khoa học trong khi COC hoàn tất. Tuy nhiên, Shahriman cho rằng hợp tác trong những vấn đề không nhạy cảm cũng rất khó khăn do tranh chấp và do đó, các luật sư sẽ chỉ rõ những khu vực nào các nước thể hợp tác trong từng lĩnh vực.
Thứ ba, Đông Nam Á cần mở rộng hợp tác biển với các nước trung cường. Koh gợi ý Úc và Nhật vì đây là hai nước có hiện diện lâu dài tại Đông Nam Á. Vai trò của Úc xoay quanh mảng đào tạo và chia sẻ thông tin và Koh mong rằng, trong tương lai, Úc sẽ đảm nhiệm thêm vai trò cung cấp tàu chấp pháp và tuần tra cho các nước Đông Nam Á, giống như đã làm với các đảo quốc Thái Bình Dương. Đối với Nhật, đây là nước đầu tư lâu năm cho các nước Đông Nam Á. Dù hợp tác với ai, Đông Nam Á cũng cần thiết lập phương án điều phối để tránh chồng lấn vai trò của các đối tác.
Herzinger liệt kê thêm Anh và Pháp – hai nước có lãnh thổ trong khu vực nhưng hiện diện tại Đông Nam Á vẫn còn giới hạn. Đặc biệt, Herzinger nhắc đến Nga vì: (i) Nga có lợi ích riêng trong khu vực, cục diện ở Đông Nam Á là thế ba bên Nga – Trung – Đông Nam Á; và (ii) trên thực tế, Nga không hợp tác với Trung Quốc tại Đông Nam Á nhưng vẫn cấp tàu ngầm Kilo cho Việt Nam. Tuy nhiên, Nga cố ý không chia sẻ với các nước Đông Nam Á thông tin về những gì xảy ra trong Vùng EEZ của mình – điều có lợi cho Trung Quốc.
Thứ tư, Đông Nam Á cần chống lại “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc. Herzinger cho rằng chiến thuật này được thiết kế để không quốc gia nào chống lại hoàn toàn được. Do đó, phương án tốt nhất là nâng cao nhận thức và minh bạch hóa những diễn biến ở Biển Đông. Các nước khu vực có thể làm điều này bằng cách thể hiện thái độ phản đối những hành động phi pháp của Trung Quốc thông qua các hành động như tham gia FONOP.
Trái lại, theo Koh, nếu lực lượng hàng hải các bên tuân theo những nguyên tắc nhất định, việc chống lại vi phạm của Trung Quốc sẽ không khó. Ngoài ra, Koh chú trọng yếu tố thực dụng, cho rằng các nước phải luôn thực thì quyền chấp pháp cho dù bên vi phạm là tàu cá hay tàu dân quân. Koh bổ sung rằng những nỗ lực chống lại chiến thuật vùng xám trên thực địa phải được hỗ trợ bởi các hoạt động ngoại giao (lên án và phản đối những hành vi vi phạm luật quốc tế) và các kênh giải quyết khủng hoảng.
Bên cạnh đó, các học giả cũng đưa ra kiến nghị cho các bên liên quan khác. Mỹ cần thay đổi cách hỗ trợ Đông Nam Á. Theo đó Mỹ cần: (i) giúp Đông Nam Á phục hồi kinh tế, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc nhằm gửi thông điệp rằng Trung Quốc không kiểm soát được Đông Nam Á, tập trung vào kinh tế thay vì tư tưởng; (ii) thiết kế các phương án hợp tác riêng cho từng nước vì các nước có cách tiếp cận an ninh biển và năng lực biển khác nhau; (iii) không thúc đẩy NATO thứ hai ở khu vực vì Đông Nam Á không muốn điều này; và (iv) đẩy mạnh hoạt động xây dựng năng lực, đặc biệt là năng lực nhận thức biển (MDA), cho các lực lượng chấp pháp cũng như các nhóm địa phương trong khu vực.
Về Malaysia, ngoài các kiến nghị trên, Ivy cho rằng Malaysia cần một chính sách Biển Đông sáng tạo hơn, cụ thể là Malaysia không nên lo sợ tăng cường quan hệ với Mỹ. Theo Satu, việc Mỹ không thay đổi căn bản chính sách tại Biển Đông và sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ pháp lý, ngoại giao và hỗ trợ năng lực cho các nước là nhân tố quan trọng mà các nước khu vực, bao gồm Malaysia, cần xem xét trong quan hệ song phương. Trên thực địa, hai bên có thể thực hiện tuần tra, tập trận song – đa phương. Tổng thể quan hệ Mỹ – Malaysia cũng cần được củng cố, dựa trên nền tảng đối tác chiến lược toàn diện đã được thiết lập.
Một vài suy ngẫm
Các học giả đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác với Trung Quốc. Do đó, nếu muốn được Đông Nam Á ủng hộ, Mỹ cần tránh mô tả hợp tác với Mỹ đồng nghĩa với việc chống lại Trung Quốc, nhấn mạnh hợp tác riêng với từng nước thay vì gộp chung các nước Đông Nam Á vào cùng một khuôn khổ đối trọng với Trung Quốc. Điều này cũng thể hiện mức độ trân trọng và hiểu biết của Mỹ về khu vực.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác giữa Đông Nam Á và các nước trung cường có thể gặp nhiều thuận lợi trong bối cảnh hiện nay khi các nước trung cường đang ngày một quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Chiến lược của các nước như Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc… tại khu vực đều nhấn mạnh ủng hộ với vai trò của ASEAN trong khu vực. Anh sau khi rời khỏi EU cũng đang theo đuổi mục tiêu trở thành Đối tác Đối thoại của ASEAN.
Bên cạnh đó, các học giả có nhấn một ý mới là vai trò của Nga tại khu vực Đông Nam Á. Từ trước tới giờ, Nga không chú trọng quá nhiều tới Biển Đông. Biển Đông vẫn xếp sau các khu vực ưu tiên truyền thống và Nga không đủ mạnh để dàn trải nguồn lực. Dù tuyên bố trung lập, thái độ của Nga rất khó đoán. Nga từng ngỏ ý ủng hộ Trung Quốc khi cho rằng Phán quyết Biển Đông 2016 không công bằng và tranh chấp Biển Đông không nên bị quốc tế hóa. Trong khi đó, Nga vẫn duy trì hoạt động của các công ty dầu khí tại Biển Đông với Việt Nam… Do vậy, khả năng các nước Đông Nam Á “lôi kéo” được Nga trong vấn đề an ninh biển vẫn còn cần xem xét.
Các biện pháp đối phó với “chiến thuật vùng xám” của Trung Quốc mà các học giả nêu ra đều thiên về phía Đông Nam Á và khó khả thi bởi các nước này lo ngại sự “trả đũa” từ phía Trung Quốc. Mỹ và các nước “trung cường” có không gian nhiều nhất để thực hiện các hoạt động tuyên truyền về diễn biến thực địa hay động thái tại vùng xám của Trung Quốc. Vụ tàu Trung Quốc tập kết tại Đá Ba Đầu tháng 3/2021 là minh chứng rõ cho thấy khả năng tuyên truyền của Mỹ và các nước trung cường.
Cuối cùng, về chính sách của Malaysia, “lằn ranh đỏ” trong chính sách Biển Đông của Malaysia có thể là về vấn đề dầu khí. Trong khi đó, các học giả chia sẻ quan điểm rằng dầu khí chỉ là khía cạnh nhỏ trong vấn đề Biển Đông (cốt lõi vẫn là các mục tiêu chính trị). Mâu thuẫn này có thể khiến Malaysia gặp khó khăn trong việc tập hợp sự ủng hộ đối với chính sách Biển Đông của Malaysia.
HĐ-TA-LL.

ANTI VACCINE VÀ CHUYỆN KÉN CÁ CHỌN CANH

Tại Việt Nam, một vài cụm từ được search trên Google nhiều nhất trong thời gian qua là: “Từ chối tiêm vaccine có bị phạt không?” và “Không chịu tiêm vero cell có bị phạt không”. Câu trả lời rất rõ ràng: Không. Và dĩ nhiên là không có nhiều người tìm kiếm cụm từ: “Có được từ chối nhiễm Covid-19 không” hay “Có được từ chối chết vì Covid-19” không. Và đáp án nếu có cho những ai muốn tìm kiếm cụm từ trên, cũng là: Không.



Arnold Schwarzenegger, từng là thống đốc thứ 38 của California từ năm 2003 đến năm 2011, một trong diễn viên nổi tiếng nhất Hollywood mọi thời đại phát biểu: “Bạn có quyền tự do trở thành một kẻ khốn nạn”. Kẻ hủy diệt nói thêm: “Có một loại virus ở đây. Nó giết người. Và cách duy nhất chúng ta có thể làm là tiêm vaccine, đeo khẩu trang, cách ly xã hội, rửa tay mọi lúc… Không, tự do là của bạn, tự do phải đi kèm với nghĩa vụ và trách nghiệm. Giống như một chiếc đèn giao thông, ai cũng có quyền tự do tham gia giao thông, nhưng phải dựa trên một sự khuôn mẫu và luật lệ. Những cột đèn giao thông được đặt để giúp người này không đâm vào người kia”.
Anti vaccine là gì? Đó là một trào lưu xuất phát từ châu Âu, lan sang Mỹ, Canada, Úc và một số quốc gia khác, trào lưu này có hàng chục triệu người sùng bái. Họ cho rằng vaccine chính là những thứ gây hại, không rõ ràng, họ có quyền từ chối tiêm vaccine, được tự do lựa chọn loại vaccine tiêm vào người và thậm chí một số hội nhóm còn muốn được tự quyết định thời điểm tiêm vaccine.
Cách đây ít ngày, khi VTV thông tin về việc Ba Lan viện trợ và nhượng lại lô vaccine AstraZeneca với khoảng 3,5 triệu liều cho Việt Nam, thì nhiều người Việt lao vào chê bai là vaccine này ở châu Âu không ai thèm tiêm nữa, đưa vaccine gần hết hạn về cho Việt Nam, sao không xin viện trợ và nhượng lại Pfizer hay Moderna…
Lạ kỳ thật, mỗi ngày có tới gần 10 ngàn ca nhiễm, khoảng trên 300 người chết mỗi ngày, có nơi đã phỏng tỏa gần 3 tháng, đội ngũ chống dịch đã hoạt động trên 100 ngày, các bệnh viện dã chiến được lập khắp mọi nơi không ngơi nghỉ… Vậy mà nhiều người vẫn còn giữ một tư tưởng “lựa chọn vacine” hay “tẩy chay vaccine”.
Vaccine Sinopharm thì bị chê là vaccine Tàu và giờ khi đưa được AstraZeneca từ nguồn viện trợ và mua lại từ các quốc gia khác thì lại bị chê là “vaccine thừa, vaccine cặn”.
Đầu tiên, về nguồn cung vaccine cho Việt Nam, nói thẳng ra là bị phụ thuộc vào nguồn cung từ thế giới vốn đang rất khan hiếm. Ngoài nguồn cung từ cơ chế Covax - vốn về nhỏ giọt và về theo đợt, chúng ta có thêm nguồn cung từ vaccine nội địa và vaccine qua ngoại giao. Vaccine nội địa thì có Nanocovax đang trong giai đoạn nghiên cứu cấp phép khẩn cấp. Còn vaccine ngoại giao, loại vaccine mà nhiều người độc mồm độc miệng nói là “cơm thừa, canh cặn”, là các loại vaccine có được thông qua đường lối ngoại giao, bằng cách viện trợ song phương, sang nhượng lại… Ví dụ như Trung Quốc viện trợ 500 ngàn liều Sinopharm tiêm cho các tỉnh biên giới phía Bắc, Nhật Bản viện trợ 3 triệu liều AstraZeneca, Ba Lan viện trợ 500 ngàn liều và nhượng lại 3 triệu liều với mức giá hữu nghị…
Nói hơi phũ một tý, là Chính phủ thông qua con đường ngoại giao rất tốt để đưa vaccine về. Mà đang lúc khó khăn, người ta cho cái gì thì nhận cái đó. Thật khó hiểu là nhiều người chi li tính toán, lại còn đòi vaccine “xịn”. Kiểu như các cụ ta hay nói: “Đã ăn mày rồi còn đòi xôi gấc”. Bất cứ một quốc gia nào cũng đều có tư tưởng quốc gia của họ là trước tiên, họ phải lo xong cho họ đã, họ hỗ trợ mình bao nhiêu và loại gì thì cũng đều quý giá.
Tiếp nữa, Việt Nam đã tiêm chủng khoảng 1,3 - 1,5 triệu liều vaccine Sinopharm, chiếm khoảng 10 - 13% số vaccine đã tiêm cả nước và đến nay chưa ghi nhận bất cứ một ca tử vong vào do loại vaccine này gây ra. Trong khi đã ghi nhận 5 ca tử vong đều đến từ vaccine phương Tây. Thực tế, có nhiều nguyên nhân gây ra tử vong, như công tác khám trước tiêm, bệnh nền chưa được phát hiện, biến chứng phản vệ… Nhưng rõ ràng, không phải cứ tiêm vaccine Sinopharm là “chết người” như một ai đó phát ngôn viral trên Tiktok.
Thực tế, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Sinopharm có ít tác dụng hơn Pfizer hay Moderna, AstraZeneca gây ra nhiều biến chứng sau tiêm và ít tác dụng hơn các loại vaccine khác. Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn con đường đi, một con đường không có bất cứ công cụ phòng bị nào, với một con đường có công cụ phòng bị hiệu quả khoảng 79%, thì con đường tốt nhất chắc chắn là con đường có công cụ phòng bị rồi. Tom Frieden, cựu giám đốc CDC Hoa Kỳ, viết lên trang cá nhân: “Có rất ít người được tiêm chủng gặp triệu chứng nặng hoặc chết vì Covid-19. Vaccine Covid không hoàn hảo, nhưng chúng có hiệu quả đáng kinh ngạc”. Người này cho biết thêm, bất cứ một loại vaccine nào được WHO cấp phép khẩn cấp đều đáng tin cậy, vì đội ngũ chuyên gia của WHO có đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, lương tâm, trình độ.
Tại Mỹ, đang có một làn sóng nghi ngờ rằng các vaccine mRNA được Chính phủ Mỹ...cài vào cơ thể người dân để thay đổi cấu trúc DNA và hệ quả là rất nhiều người tin tưởng vào thuyết âm mưu đó và không chịu tiêm vaccine. Cũng chính Tiến sĩ Tom Frieden phủ quyết hài hước rằng: “Vaccine mRNA chỉ cung cấp khả năng miễn dịch với Covid. Sau đó chúng biến mất như một tin nhắn Snapchat”, đoạn viết nhận được hơn 50 ngàn lượt yêu thích.
Bạn có quyền từ chối tiêm Sinopharm hay AstraZeneca và thậm chí sẽ rất khó có cơ quan pháp luật nào đó phán tội cho bạn nếu bạn “anti vaccine”. Nhưng bạn không được phép kêu gọi, lan truyền, xuyên tạc và ép người khác cũng làm như bạn. Không phải người nào tiêm Sinopharm cũng “quỳ gối trước Trung Quốc” hay vaccine AstraZeneca dù qua con đường nhượng nhưng chẳng sao cả, rất có ích cho công tác phòng dịch.
Covid không hề phân biệt, ai cũng có thể trở thành bệnh nhân, không ai có thể gào mồm là “tôi miễn nhiễm với Covid”. Vì vậy, xin hãy tiêm ngay khi còn có thể, với bất cứ loại vaccine nào đã được các cơ quan chuyên môn cấp phép! Nếu không tin họ - những bác sĩ, chuyên gia y tế, thì có lẽ bạn cũng không cần lời khuyên điều trị Covid từ họ, nếu như bạn mắc bệnh.
Xin mượn một câu nói của một bạn đã tiêm Sinopharm: "Mình có thể chọn tiêm hoặc không, nhưng không thể chọn dương hay âm tính với COVID-19".

Tifosi

Nguồn gốc Covid-19: Tình báo Mỹ ra kết luận, bất ngờ với phản ứng của Tổng thống Biden


 Ngày 27/8, Cộng đồng Tình báo Mỹ (IC) đã công bố bản tóm tắt báo cáo về cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19, trong đó khẳng định, IC đã đạt được “đồng thuận rộng rãi” rằng virus SARS-COV-2 không được phát triển như một vũ khí sinh học.

Thông báo của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia nêu rõ, IC đánh giá, virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện, lây nhiễm sang người ở quy mô nhỏ, muộn nhất vào tháng 11/2019 và bùng phát các ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12 cùng năm.
Cũng theo thông báo, IC nhận định, các quan chức Trung Quốc đã không biết về virus SARS-CoV-2 trước khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát tại Hồ Bắc vào cuối năm 2019.
Tuy nhiên, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn còn bất đồng về nguồn gốc của mầm bệnh, với 4 cơ quan và Hội đồng Tình báo quốc gia cho rằng, khả năng tiếp xúc tự nhiên với động vật là lời lý giải hợp lý nhất, trong khi một cơ quan ủng hộ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, ngoài ra 3 cơ quan khác không thể đưa ra kết luận.
Trong phản ứng mới nhất sau khi IC công bố tóm tắt báo cáo nói trên, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn cho rằng, Trung Quốc đã “che đậy thông tin quan trọng” về nguồn gốc của dịch bệnh Covid-19, khi ngay từ đầu giới chức nước này đã ngăn cản các nhà điều tra quốc tế và các thành viên cộng đồng y tế toàn cầu tiếp cận thông tin.
Nhà lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh để yêu cầu Bắc Kinh cung cấp thêm thông tin, cũng như hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Biden nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải có các số liệu đầy đủ và minh bạch về thảm họa toàn cầu này".
Hiện phía Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng sau các thông tin trên của tình báo Mỹ, cũng như phát biểu của Tổng thống Biden.

QT.

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng: Nghệ sĩ hãy bớt hờn giận, nhõng nhẽo và nên trưởng thành, chuyên nghiệp hơn

 

“Nếu nghệ sĩ giận không làm từ thiện nữa, xã hội sẽ nhận được nhiều lợi ích chứ không thiệt thòi gì cả”, Tiến sĩ Vũ Thế Dũng nói.

Thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ bị dính vào loạt lùm xùm xoay quanh chuyện quyên góp và xử lý tiền từ thiện, gây xôn xao công chúng, tạo nhiều ý kiến trái chiều.
Trước vấn đề này, tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Nguyên Phó hiệu trưởng Đại Học Bách Khoa TP.HCM đã chia sẻ quan điểm của mình.
Nếu đã làm với cái tâm trong sáng thì sẽ đối đáp lại với tất cả yêu cầu của cộng đồng. Nhưng các nghệ sĩ lại có nhiều hờn giận
Thời gian qua, công chúng thấy một số nghệ sĩ dính phải lùm xùm xoay quanh việc sử dụng tiền từ thiện quyên góp từ các mạnh thường quân.
Chẳng hạn như Hoài Linh với số tiền 14 tỷ giải ngân quá muộn, hay Đàm Vĩnh Hưng lấy 140 triệu ủng bộ bão lũ đi xây chùa. Hay như Trấn Thành, giao tiền từ thiện lại cho một bên thứ ba tự xử lý.
Một số nghệ sĩ nói rằng họ sẽ chấm dứt huy động tiền từ thiện của cộng đồng như Đàm Vĩnh Hưng.
Một số nghệ sĩ khác lại cho rằng họ không sinh ra để làm từ thiện, nếu làm từ thiện mà phải có chứng từ, sao kê thì họ không muốn làm nữa, như Trấn Thành.
Vậy, phải chăng các nghệ sĩ đang làm ơn mắc oán và nếu họ chấm dứt việc làm từ thiện thì xã hội sẽ thiệt thòi?
Trên thực tế, việc làm từ thiện là tốt và các nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực trong công tác làm từ thiện này.
Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm tốt đó là sự tùy tiện, muốn làm lúc nào thì làm, đi lúc nào thì đi, gửi tiền cho ai thì gửi, làm đúng mục đích cộng đồng hay không cũng không cần biết.
Ranh giới giữa cái thiện và cái ác rất mong manh. Tôi không hề nói những nghệ sĩ nổi tiếng đang làm từ thiện là không có cái tâm. Nhưng rõ ràng, có những kẻ ác ngoài kia sử dụng vỏ bọc từ thiện để làm điều ác, lợi dụng cộng đồng để làm điều xấu.
Như vậy, để tách bạch thiện và ác chỉ có cái tâm tốt, sự minh bạch, tận tâm, trưởng thành và chuyên nghiệp.
Nếu bạn cho đi với một cái tâm trong sáng, bạn sẽ không bao giờ hờn giận, tự cảm thấy mình làm ơn mắc oán hay tỏ ra khó chịu khi bị người khác đòi giải trình hay minh bạch mọi thứ.
Nếu đã làm với cái tâm trong sáng thì sẽ đối đáp lại với tất cả yêu cầu của cộng đồng. Nhưng các nghệ sĩ lại có nhiều hờn giận. Tôi nghĩ, miễn phí là tốt nhưng nhiều khi miễn phí lại là một chiêu trò để lừa đảo người khác.
Nghệ sĩ làm từ thiện không hề không công. Dù chủ đích hay không, họ cũng nhận lại được nhiều lợi ích
Vì các nghệ sĩ làm từ thiện trên danh nghĩa miễn phí nên dẫn tới rằng họ có nhiều đặc quyền.
Nhiều nghệ sĩ muốn làm từ thiện để tích phước cho mình. Thông qua con đường đóng góp của bá tánh, người ta thấy tên tuổi nghệ sĩ nổi lên như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, chứ không ai biết bá tánh là ai cả.
Thông qua hoạt động từ thiện, nghệ sĩ đẩy mạnh được thương hiệu, quan hệ để dễ hoạt động, làm ăn sau này. Lâu dần, điều này tạo thành cuộc đua từ thiện giữa các nghệ sĩ, xem ai huy động được số tiền nhiều hơn.
Từ đó, xuất hiện cả chuyện từ thiện như Trấn Thành, đứng tên mình nhận tiền từ thiện từ cộng đồng nhưng lại đưa cho người khác xử lý hộ.
Chưa kể, tiền là của cộng đồng nhưng đến khi trao ra chỉ thấy tên nghệ sĩ chứ không thấy hình bóng cộng đồng nào trong đó.
Rõ ràng, nghệ sĩ làm từ thiện không hề không công. Dù chủ đích hay không, họ cũng nhận lại được nhiều lợi ích. Vậy nên, nghệ sĩ hãy bớt hờn giận, nhõng nhẽo và nên trưởng thành, chuyên nghiệp hơn.
Nếu nghệ sĩ giận không làm từ thiện nữa…
Nghệ sĩ cũng đừng cho rằng mình đang làm ơn cho các mạnh thường quân đóng góp mà hãy tự thấy rằng, mình đang nhận ơn của họ để đi làm từ thiện, rồi đạt được những mục đích riêng của mình.
Nếu nghệ sĩ giận không làm từ thiện nữa, công chúng có cơ hội đánh giá lại niềm tin thiếu kiểm chứng của mình về một bộ phận nghệ sĩ nổi tiếng. Đây cũng là động lực thanh lọc tốt những kẻ giả trân. Không có mợ thì chợ vẫn đông, thúc đẩy được các hội nhóm từ thiện hoạt động chuyên nghiệp hơn.
Nghệ sĩ không làm từ thiện thì tiền của cộng đồng vẫn còn đó, không mất đi đâu. Chỉ có điều, nó sẽ được chuyển vào những nơi uy tín hơn, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn.
Những nghệ sĩ nào thực sự có tâm, khiêm tốn, biết làm sẽ được nâng cao năng lực quản lý, khả năng minh bạch của mình và tiếp tục được các mạnh thường quân lựa chọn, tin yêu.
Chúng ta rất tôn trọng nghệ sĩ làm từ thiện, đóng góp cho đời sống nhưng cũng cần hết sức rạch ròi, không ai nợ ai, không ai làm ơn cho ai. Cần phải hướng đến quá trình chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện.
SH.

Khi kẻ được ngồi ở nhà trịch thượng dạy TP.HCM phải chống dịch thế nào?

 Mới đây, hàng loạt các hộ gia đình ở trên địa bàn TP.HCM đã được HCDC với đội ngũ y bác sĩ tại Học viện Quân y hướng dẫn lấy mẫu gộp tại nhà. Đây là một biện pháp vô cùng quan trọng để giảm thiểu sự lây nhiễm chéo, đồng thời tiết kiệm nhân lực y tế cho thành phố. Đa phần người dân đều phấn khởi và hô hào hưởng ứng.

Việc lấy mẫu xét nghiệm tại nhà được diễn ra nhanh chóng là từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Đúng là trong thời điểm này, chỉ có nhanh chóng bóc tách được F0 ra khỏi cộng đồng thì mới mong nhanh chóng khống chế được dịch bệnh tại TP.HCM. Chính vì vậy, ngay sau đó 367 bệnh xá lưu động do các chiến sĩ từ Học viên Quân y làm chủ lực đã được thành lập, để đến từng phường xã, hộ gia đình, giúp việc xét nghiệm và điều trị F0 được thuận lợi, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

TP.HCM có dân số đông nhất cả nước với gần 10 triệu dân, diện tích cũng vô cùng lớn, vậy nên việc hoàn thành việc lấy mẫu trong vòng 2 tuần là rất khó khăn và vất vả. Khó nhưng không làm chùn bước được các chiến sĩ, chính vì vậy, đã xuất hiện biện pháp hướng dẫn và vận động người dân tự lấy mẫu ở nhà. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có thể thành công nếu có sự tự giác và biết cách sử dụng que test nhanh từ người dân. Như chính bác sĩ Đỗ Đăng Ngân, Học viện Quân y, nhắn nhủ người dân khi hướng dẫn test nhanh tại nhà rằng, “Việc làm này là để bảo vệ sức của mình, các bác cố gắng phát huy trách nhiệm. Nếu bỏ sót 1- 2 hộ thì tất cả những việc làm ở đây đều vô nghĩa”.

Kết quả của phương pháp đặt niềm tin vào chân lý “không ai dám mang tính mạng của mình ra đùa giỡn” thì một thời gian sau mới có thể biết. Tuy nhiên, như vậy cũng đã giúp người dân giảm bớt phần nào lo lắng khi phải sống trong môi trường không biết ai là F0. Nhờ đó mà sự biết ơn và tình cảm của người dân thành phố dành cho những lực lượng cởi bỏ áo lính khoác áo bác sĩ ngày càng tăng lên. Chúng ta có thể bắt gặp những điều đó một cách dễ dàng khi lướt qua mạng xã hội. Tuy nhiên, biết ơn là điều tốt, nhưng lấy nó làm cái cớ để bỉ bôi, phủ sạch công sức của lực lượng khác thì lại là một điều đáng lên án.

Như mới đây, tài khoản mạng xã hội “Nguyễn Huy Cường” đã mang việc so sánh test nhanh tại nhà để bỉ bôi, đổ lỗi và trách móc chính quyền TP. HCM rằng, “Nếu cách đây 3 tháng, giới hữu trách biết trước cung cách này, áp dụng cung cách này thì bao nhiêu FO, F1 không được hình thành, bao nhiêu tiền bạc, thời gian không phải tiêu tốn”. Trong thời buổi dịch bệnh, không muốn có bất cứ một sự so sánh nào về tâm huyết, công sức của người này, người kia bởi dù chỉ một cánh tay giơ lên trong lúc khó khăn đã là đáng quý. Và cũng không muốn nói thêm về việc chính quyền TP.HCM đã làm gì để giúp đỡ người dân, lực lượng y tế đã phải lăn xả, bất chấp tính mạng như thế nào. Bởi điều đó chỉ cần vài giây gõ google.

Chỉ muốn nhấn mạnh rằng, biện pháp nào cũng có hai mặt của nó. Không ai dám khẳng định cách của tôi chiến thắng 100%, vậy nên chúng ta buộc phải thử, phải chiến đấu. Ít nhất là họ đã chiến đấu bằng tất cả tính mạng và sức lực trong tâm dịch, tất cả vì tính mạng của người dân. Còn những kẻ vốn may mắn trong mùa dịch, vẫn được ngồi nhà múa bút thì lại tỏ ra trịch thượng. Ngồi chê bai, phán xét, chỉ trích. Nó không phải là góp ý, bởi chẳng có ai góp ý mà phủ sạch mọi công sức và nỗ lực của người khác tàn nhẫn như vậy. Nó chẳng qua là cách của những kẻ ác tâm muốn thể hiện mình, chứ không vì ghét hay yêu ai cả.

  • TA.

Bộ đội cầm súng là lẽ đương nhiên, nhưng không chỉ có vậy…

Mấy ngày nay, hình ảnh các chiến sỹ bộ đội mặc áo giáp, tay cầm súng tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM xuất hiện ở khắp mọi nẻo đường. Tuy nhiên, trong mắt Hoàng Dũng, Thuan Van Bui, Phuc Dinh Kim thì các anh bộ đội bỗng chốc trở thành người “đàn áp người dân nổi dậy, tạo không khí chiến tranh chứ không phải chống dịch”.



Ngay sau khi Thủ tướng yêu cầu quân đội phải tăng cường cho TP.HCM thì các lực lượng quân đội bắt đầu hoạt động mạnh mẽ, khí thế và đi sâu vào dân hơn nữa. Trước đây, mỗi chốt sẽ được bố trí 1-2 chiến sỹ cùng phối hợp với nhiều đơn vị, cơ quan tham gia chốt chặn nhưng nay quân số từng chốt được bổ sung nhiều hơn. Không quản thời tiết, các anh vẫn cầm súng chắc trên tay, kiểm tra nghiêm ngặt người dân ra đường. Sở dĩ có súng là vì đây gần như là vật bất ly thân của bộ đội, là tinh thần chiến đấu, là biểu tượng cho kỷ luật sắt, tác động trực tiếp vào thái độ, ý thức chấp hành nghiêm túc quy định phòng chống dịch của người dân. Nói chính xác, làm nhiệm vụ có cầm súng là để răn đe với những thành phần bất hảo chứ không có chuyện “đàn áp người dân nổi dậy hay tạo không khí chiến tranh”.

Vả lại, đừng bao giờ nghĩ bộ đội chỉ biết cầm súng, mặc áo giáp. Quân số cầm súng tham gia kiểm soát phòng chống dịch tại các chốt ở TP.HCM không lớn. Bộ đội thời Covid-19 còn là các bác sỹ, học viên quân y cầm dụng cụ test nhanh, ống kim tiêm, máy thở,… Kể từ khi dịch bùng phát, họ tham gia cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 ở nhiều bệnh viện dã chiến. Mới đây, lực lượng quân y đã xây dựng thêm 367 bệnh xá lưu động, đến từng phường xã, hộ gia đình để xét nghiệm, điều trị F0, động viên tinh thần, chia sẻ tâm lý với người dân. Hơn nữa, chính các anh bộ đội là những người làm “chuyến đò cuối cùng” đưa tro cốt người mắc Covid-19 trở về với người thân của họ. Tất cả hành động nói trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.





Khác với sự uy phong, mạnh mẽ thường ngày trong trang phục thực chiến, ngày nay các anh bộ đội còn cầm giỏ đi chợ hộ dân. Dưới cái nắng tháng 8, họ ngồi phân chia từng túi lương thực kỹ lưỡng.

Họ len lỏi vào tận các ngõ hẻm, ngóc ngách để trao tận tay người dân những túi đồ thực phẩm, thiết yếu. Công tác này được đẩy mạnh trong những ngày qua, tạo sự an tâm đối với toàn dân thành phố đang tuân thủ nghiêm quy định giãn cách. Những hình ảnh dễ thương, gần gũi với người dân như vậy mà bị nói là “đàn áp người dân”, nếu không phải là xuyên tạc thì còn là gì nữa?

Thời nào cũng vậy, nhìn thấy màu áo lính là nhớ ngay đến hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ chân chất. Không ít người đã bày tỏ sự lạc quan khi nhìn thấy hình ảnh bộ đội tăng cường cho TP.HCM và sẵn sàng nhiệm vụ. Khí thế, uy phong chống dịch hừng hực là những gì các anh đã và đang tạo ra trước mắt người dân. Tin rằng, dù còn nhiều nhọc nhằn, vất vả phía trước, nhưng với trái tim yêu nước thương dân, tình quân dân như cá với nước sẵn có, lực lượng quân đội sẽ cùng người dân TP.HCM giành thắng lợi ở trận đánh quyết định này.

Còn với những kẻ chưa bao giờ đồng hành cùng nhân dân đứng vào cuộc chiến chống giặc Covid-19 như Hoàng Dũng, Thuan Van Bui, Phuc Dinh Kim mà chỉ đứng ngoài vác loa xuyên tạc, đâm bị thóc chọc bị gạo thì không xứng để được người dân tin. Với những con người này, chúng ta cần có thái độ vạch trần lên án rõ ràng bởi hành vi của họ vô cùng nguy hại, không chỉ gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng quân đội mà còn gây cản trở nghiêm trọng công tác chống dịch của TP.HCM. Chính vì vậy, rất mong cơ quan chức năng sẽ sớm có biện pháp xử lý nghiêm với những kẻ mang tâm địa chống phá, coi trời bằng vung như vậy.

ĐT.

NÊN TĂNG CƯỜNG “VÙNG XANH” ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG CÁC SẢN PHẨM Y DƯỢC THỜI COVID 19

 Nam Việt

Chúng ta đã có “vùng xanh” trong các phường, khu dân cư để đảm bảo an toàn phòng dịch, thiết lập “vùng xanh” trên không gian mạng, thì giờ cũng nên cần đẩy mạnh “vùng xanh” trong quản lý, kiểm duyệt các sản phẩm y dược giữa thời kỳ phức tạp của Covid 19 này.


Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo TOÀN LỘC (vỏ hộp màu đỏ) và sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe viên uống Xuyên Tâm Liên CV19 có logo NHẤT LỘC (vỏ hộp màu xanh) đều ghi có công dụng: Kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, điều trị đau họng cảm cúm và nhiễm trùng đường hô hấp, phòng chống Covid-19.

Bên cạnh đó còn có sản phẩm “Địa long” được quảng cáo trên mạng có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid 19. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần Địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của Địa long.

Trước rất nhiều thông tin thiếu chính xác về các dược phẩm điều trị Covid 19, người dân nên tỉnh táo và nhận thức đúng đắn rằng:

Một là, không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid-19 hay kháng Covid-19.

Hai là, không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng "điều trị bệnh".

Ba là, thuốc Xuyên tâm liên cũng như bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc… Do đó, người dân không nên tự ý mua thuốc Xuyên tâm liên để sử dụng, đặc biệt với mục đích phòng ngừa Covid-19 vì có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người dùng.

Bốn là, người dân không tự ý mua, sử dụng dược liệu, các sản phẩm từ dược liệu theo lời quảng cáo trên mạng xã hội khi thông tin chưa được kiểm chứng và chưa được cấp phép của cơ quan có thẩm quyền, để tránh tiền mất tật mang. Người tiêu dùng phát hiện 2 sản phẩm ghi các công dụng và đặc điểm trên không mua, không sử dụng và báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất.

Năm là, khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ quan y tế để được hướng dẫn khám, điều trị kịp thời.

Cơ quan chứng năng phải ra tăng việc kiểm tra những cơ sở sản xuất các sản phẩm kể trên để kịp thời ngăn chặn những sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Hãy tỉnh táo và nhận thức đúng đắn: Giai đoạn hiện nay, chưa có "thần dược" nào để điều trị Covid-19, mà chỉ có thần dược “vắc xin và tuân thủ 5K” của Bộ Y tế để phòng ngừa Covid 19.