Bình luận của cụ Trần Đăng Tuấn - cựu Phó TGĐ của VTV
Tôi
rất ngạc nhiên khi đọc về vụ việc "Chổi quét lá rau". Tôi không hiểu
sao lại có những lỗi như thế. Dù đã có hỏi các bạn ở đơn vị cũ về nội vụ
nhưng tôi chưa xem phóng sự gốc được (link trên youtube có vẻ không
còn), nên không thể xét đoán chuyện này là dạng lỗi gì, do động cơ hay
do nghiệp vụ. Dù nguyên do gì thì hậu quả đã rất lớn.
Tạm
để chuyện đó sang bên. Với các bạn trẻ khác, sắp làm hoặc mới làm
truyền hình, đơn thuần từ góc độ nghề nghiệp, xin chia sẻ vài điều sau
(xin đừng bực nếu với bạn nó quá abc):
1- Bạn hãy hình dung bạn muốn làm một chương trình với mục đích hướng dẫn và cảnh báo người đi mua thịt lợn quay.
Cách
1: Đích thân bạn hoặc bạn nhờ một ai đó làm thịt quay. Lần thứ nhất
quay thịt bình thường, màu sắc thịt quay xong không đỏ đẹp lắm. Sau đó
bạn nói đây là cách làm thứ hai, cách không tốt: Bạn hoặc "diễn viên"
lấy phẩm màu quết lên thịt trước và trong khi quay nướng thịt. Kết quả
màu sắc món ăn rất bắt mắt. Rồi bạn phân tích phẩm màu đó là chất gì, có
hại ra sao. Bạn kết luận: Khi chọn thịt quay để mua, hãy lưu ý không
nên bị hấp dẫn bởi sự "bắt mắt" mà không kiểm tra kỹ, sẽ không có lợi
cho sức khoẻ.
Cách
2: Bạn ra chợ ghi hình các hàng thịt quay đang hoạt động. Bạn nói rằng
có những hàng thịt quay dùng phẩm màu để hàng bán chạy. Rồi bạn quay
được cảnh người ta đang phết phẩm màu (quay bằng cách gì - camera giấu
kín hay công khai - là vấn đề khác và chúng ta có dịp bàn sau). Sau đó
bạn cảnh báo người mua hàng về chuyện này.
Cách
3: Bạn nói là có chuyện bôi phẩm để quay nướng thịt. Nhưng bạn không
thể quay được cảnh đó thật. Bạn chỉ quay được cảnh các quầy bán thịt
quay đang bán hàng bình thường. Để diễn đạt được chủ đề "cảnh báo" của
mình, bạn nghĩ mãi và rồi bạn thuyết phục một người đứng sau quầy bôi
phẩm cho bạn quay (Lý do gì người ta làm theo như bạn nói, tôi chưa đi
sâu ở đây, Vì có thể người ta chưa hiểu bạn định làm gì, mà họ nói chung
rất "nể" bạn hay đúng hơn là cái máy quay của bạn).
Nếu
bạn làm theo cách 1, bạn đã làm một clip mang tính KHOA GIÁO. Nếu bạn
làm theo cách 2, bạn đã làm một phóng sự ĐIỀU TRA. Nếu làm tốt đều ổn.
Nếu bạn làm theo cách 3 - là sẽ có một thứ sản phẩm kiểu "Chổi quét rau".
Vấn
đề là: Tâm thế khán giả xem một clip khoa giáo là đang xem một tình
huống đóng diễn để hướng dẫn, cung cấp kiến thức. Tâm thế xem một phóng
sự điều tra là tâm thế chứng kiến một sự việc có thật. Dùng vỏ phóng sự
điều tra mà ruột lại dùng cách làm của clip khoa giáo thì dù động cơ bạn
có tốt, bạn đã vi phạm mọi nguyên tắc của báo chí. Còn nếu động cơ bạn
xấu thì khỏi nói - quá tệ, thậm chí đã không còn là vấn đề nghiệp vụ
nữa, mà là vấn đề hình sự.
2-
Bạn có thể hỏi: Nhưng trong nhiều phim tài liệu, phóng sự điều
tra...cũng vẫn có dùng thủ pháp đóng diễn và vẫn được chấp nhận?
Vâng, đúng thế. Nhiều phim tài liệu có những đoạn đóng diễn để phản ánh về những sự việc đã diễn ra, những nhân vật lịch sử...
Và phóng sự điều tra về một vụ án (ví dụ thế) có thể có cảnh đóng diễn để kể lại hành vi gây án...
Đó là thủ pháp "Tái tạo hiện thực". Biện pháp này thực hiện trên nền tảng:
- Tác giả phim khi đó bằng nhiều cách truyền cho khán giả thông điệp RÕ RÀNG rằng phân khúc hình ảnh này là sự đóng diễn.
Thông
điệp toát lên từ bản thân cách kể chuyện, từ lời dẫn, từ các thủ pháp
đạo diễn, quay phim, dựng phim để người xem không lẫn lộn.
- Việc đóng diễn này không thể gây hại cho "diễn viên", cho dù đó là chuyên nghiệp hay không chuyên.
-
Các cảnh đóng diễn trung thực với sự thật đã xảy ra và đã được ghi nhận
bằng các hình thức tư liệu, cứ liệu khác. Việc đóng diễn chỉ là hình
ảnh hoá, âm thanh hoá một hiện thực đã không lưu lại được bằng tư liệu
hình ảnh, âm thanh ...
- Các tác giả làm phim tài liệu, phim phóng sự thường tiết chế tối đa, không lạm dụng thủ pháp này.
vv..vv
Cuối
cùng: Nếu do động cơ xấu thì không bàn. Nhưng nếu muốn làm chương trình
có ích, thì vẫn rất cần cẩn trọng để đừng rơi vào cái chết nghề nghiệp
do không rạch ròi trong phương pháp thể hiện.
No comments:
Post a Comment