2016/05/29

Châm biếm vụ cá chết, báo Nông Thôn ngày nay lĩnh quả đắng

Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông vừa có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức 140 triệu đồng và đình bản 3 tháng với ấn phẩm Thế giới Tiếp Thị của báo Nông thôn Ngày Nay về việc đăng tải  hai bài viết "Mãi mãi là người đến sau" (Tuấn Khanh) và "Lời than thở của các loài cá" theo quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 8 Nghị định số 159/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.



Theo chế tài này, nguyên nhân bị cho là xử phạt vì “Đăng, phát thông tin gây phương hại đến lợi ích quốc gia hoặc gây mất đoàn kết dân tộc.” với khung hình phạt 70-100 triệu đồng. Khi bị phạt ở mức này còn chịu hình phạt bổ sung ở Khoản 7, Điều 8 là tịch thu tang vật và tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 đến 03 tháng
Nội dung hai bài báo đã bị gỡ bỏ, nhưng vẫn còn được lan truyền trên mạng, cho thấy, bài báo với vai “cá” và “nhân dân” để đổ tội cho chính quyền và gián tiếp suy diễn về chế độ chính trị, lãnh đạo Đảng, Nhà nước là nguyên nhân gây ra thảm họa cá chết vừa qua và đặt “cá”, “nhân dân” vào “khủng hoàng” này. Xin trích:

Bài “Nhân dân mãi là người đến sau”, nội dung: "Nhân dân mãi mãi là người đến sau. Và đến chỉ để nhận biết sự thiệt hại hay tai ương đang rót xuống đầu mình, xuống gia đình mình. Họ cũng chỉ biết sau cùng, rằng những nhân vật cấp cao như Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền thì vượt lên trên, thoát khỏi mọi thứ với nhà cao cửa rộng xênh xang.

Như những con cá chết oan ức trên bờ biển, chỉ biết sau cùng rằng đại dương không còn là nhà, mà chỉ còn đầy độc dược, những người dân Việt Nam cũng chỉ biết được phần đen đủi nhất được gieo về phía mình, dù chung quanh đầy lâu đài và dự án vĩ đại, như đang phát triển cho ai khác.

Nếu như có một thiên đường để đến, có lẽ người dân Việt nhỏ bé như móng tay chúng ta, mãi cũng chỉ là người đến sau. Và đường đi đến đó, chẳng thong dong gì, mà có thể thông qua những ống dẫn chất thải như của Formosa."
Còn bài “Lời than thở của các loài cá” mô tả về tình trạng môi trường sống “bi quan” của cá kèm câu kết “”Đàn cá còn lại cứ bơi, bơi, ngày càng lo lắng: Cứ như vầy hoài, chắc dân tộc cá chúng ta trở thành cá Lú” cho thấy rõ dụng ý của tác giả

Như vậy, đưa ra kết luật và khung hình phạt đối với ấn phẩm “Thế giới Tiếp thị” này rất đúng người đúng tội, lướt qua các diễn đàn báo chí, hầu hết không thấy giới phóng viên phản ứng hay bênh vực gì báo trên. Mức hình phạt rất kịp thời và thuyết phục. Dự đoán, trong thời gian đình bản, tòa báo trên sẽ được “kiện toàn”, tức lột xác từ nhân sự và bộ máy vận hành.

Trong bối cảnh chưa dễ để đưa ra kết luận về nguyên nhân xảy ra hiện tượng cá chết, mặc dù cả Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đoàn chuyên gia quốc tế đã vào cuộc. Vụ việc đang ở mức đọ nghiêm trọng khi người dân bị đám phản động nội – ngoại kích động biểu tình trái phép chống lại chính quyền, ngư dân lao đao vì sản phẩm không được tiêu thụ, cả hệ thống chính trị đang xắn tay khắc phục hậu quả, Bộ 4T đã cảnh báo thận trọng khi đăng tải vấn đề “nhạy cảm” này…thì hành động trên của ấn phẩm Sài Gòn Tiếp thị rõ ràng là rất nghiêm trọng, thậm chí việc đăng liên tiếp 2 bài cùng chủ đề, tức tình tiết tăng nặng, thể hiện “động cơ”, “chủ đích” của Ban biên tập tòa soạn chứ không còn là “tai nạn nghề nghiệp” nữa.

Không chỉ riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới như nước Úc – một nơi có quy trình xử lý hiện tượng rất chuyên nghiệp thì tỷ lệ xác định nguyên nhân dẫn đến hiện tượng các cá chết hàng loạt ở mức rất khiêm tốn. Thay vì chung tay khắc phục thảm họa với chính quyền, cứu ngư dân và các ngành nghề liên quan đến biển của hàng triệu triệu người dân, hành động của những “lều báo” này, rõ ràng là “xem trời bằng vung”.

Bàn về thảm họa cá chết lần này, dư luận đều cho nguyên nhân “cộng hưởng” từ giới truyền thông, báo chí nước nhà. Những sản phẩm kiểu “cá chết 2 phút trong nước biển Vũng Áng” của VTC, “thợ lặn Formuasa mất tích”, “người dân bị nhập viện sau ăn cá”, … và vô vàn các bài báo khai thác vụ việc để câu view đã đẩy dư luận đi quá đà, khiến vụ việc trở thành “thảm họa” đối với đất nước.

Chưa bao giờ vấn đề “kiểm soát báo chí” lại nóng hổi như hiện nay, nghề báo bị mất uy tín, thậm chí khiến người dân quay lưng, khiếp sợ “chất lượng” sản phẩm và cảnh báo về nguy cơ báo chí, truyền hình trở thành “công cụ khủng bố” nguy hiểm nhất hiện nay. Mong rằng Bộ 4T nhanh chóng vào cuộc, mạnh tay lấy lại “lương tri” và uy tín cho giới “quyền lực thứ 4” này. 
GĐTQT

No comments: