Giáo sư tôn giáo học Dương Ngọc Dũng chia sẻ với Zing.vn hành trình trở thành người giới thiệu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP HCM).
- Theo ông, tại sao chùa Ngọc Hoàng lại được chọn để trở thành điểm đến của Tổng thống Mỹ?
-
Tôi đánh giá sự chọn lựa đó là hoàn toàn đúng đắn. Điều thứ nhất, chùa
Ngọc Hoàng nhỏ, việc bảo vệ Tổng thống khá dễ dàng. Nếu chọn ngôi chùa
quá to như Vĩnh Nghiêm thì lực lượng đặc vụ không đủ để bao phủ toàn bộ
cả bên trong và bên ngoài. Ở chùa Ngọc Hoàng thì rất gọn, Tổng thống
đứng ở giữa, xung quanh là đặc vụ, hai bên là nhà báo quốc tế và Việt
Nam, trước mặt là bàn thờ, không ai có thể ẩn nấp ở những chỗ như vậy.
Tôi
và đặc vụ Mỹ đã làm việc suốt 3 tuần trước chuyến thăm của Tổng thống
Obama. Họ vào kiểm tra kỹ đến tận thùng rác. Thấy thùng cao, họ bỏ luôn
vì sợ có người nấp bên trong. Thùng phước sương, thùng công đức cũng
được mở ra xem. Họ làm việc rất kỹ. Việc đó cho thấy sự lựa chọn ngôi
chùa là đúng, vì ngôi chùa rất bé, bảo vệ dễ hơn.
Giáo sư Dương Ngọc Dũng giải thích cho Tổng thống Obama về ý nghĩa của việc thắp ba cây nhang. Ảnh: Hải An.
Điểm
thứ hai, xung quanh chùa chỉ có mấy hộ dân, việc nhờ người ta di dời
tạm thời buổi chiều, đóng cửa lại rất dễ. Đường Mai Thị Lựu cũng khá
nhỏ, nối Bùi Hữu Nghĩa và Điện Biên Phủ, lực lượng an ninh khoá hai đầu
rất đơn giản. Tôi cho rằng, đó là lựa chọn khôn ngoan của phía Mỹ.
Hơn
nữa, sư thầy Thích Minh Thông - trụ trì chùa Ngọc Hoàng cũng là một
Việt kiều, có thời gian sống ở Mỹ, tôi cũng học ở Mỹ về. Chừng đó lý do
để ráp lại thành một lựa chọn hoàn chỉnh.
- Ông đã phải chuẩn bị những gì trước giờ Tổng thống Obama ghé thăm chùa Ngọc Hoàng?
-
Trong suốt 3 tuần làm việc trước đó, họ đều nói với tôi là: “Giáo sư,
ông đừng nên hi vọng quá nhiều về việc này. Mọi thứ có thể thay đổi. Ông
không được nói với ai hết trừ vợ. Chúng tôi vẫn thường thay đổi vào giờ
chót”.
16h
Tổng thống Obama ghé chùa thì đến 10h30 họ mới thông báo chắc chắn tôi
là người được chọn làm hướng dẫn viên. Ngay lập tức, tôi phải chạy tới
họp ngay với an ninh và mật vụ, họp xong lại đến chùa để kiểm tra lần
cuối cùng. Họ làm việc nghiêm ngặt từng giờ từng phút. Đến 14h45, tôi
phải có mặt ở chùa Ngọc Hoàng để đón Tổng thống.
Thực
tế, họ đã bố trí phương án dự phòng. Trong trường hợp tôi không thể
thực hiện tốt hoặc có vấn đề về tâm lý, họ sẽ thay thế tôi bằng một
chuyên gia Phật học người Mỹ, hiện giảng dạy và làm việc tại Đài Loan.
Trợ
lý đặc biệt của ông Obama nói với tôi: "Dũng, ông là người duy nhất ở
đất nước này tiếp cận Tổng thống gần như vậy, trong thời gian lâu như
vậy trong khi ông không phải là quan chức gì hết".
- Vậy người hướng dẫn của Tổng thống Obama đã làm việc như thế nào trong khoảng 10 phút ông ấy ghé thăm chùa?
-
Theo kế hoạch của bên an ninh, tôi đứng đợi gần tượng hộ pháp ở sân
chùa. Họ lấy băng nhựa đánh dấu chỗ đó, dặn kỹ không được vươn người
nhìn ra hay có hành động nào tương tự. Tôi đứng đó, khi tiếng reo hò như
trong một trận bóng đá từ bên ngoài vọng vào, tôi biết Tổng thống đã
đến. Năm phút sau, tôi thấy Tổng thống Obama đã đứng bên cạnh.
Tôi
cũng căng thẳng, xúc động. Ấn tượng ban đầu là ông ấy quá cao lớn. Tôi
đứng sững sờ mấy giây. Tổng thống quá khác với hình ảnh tôi đã nhìn trên
phương tiện truyền thông.
GS Dương Ngọc Dũng và sư trụ trì Thích Minh Thông bên cạnh Tổng thống Obama tại chùa Ngọc Hoàng. Ảnh: Hải An.
Tổng
thống bắt tay nói: "Xin chào, vui được gặp ông". Tôi nói: "Chào mừng
Tổng thống đến Việt Nam và thăm chùa Ngọc Hoàng". Trợ lý của Tổng thống
cũng tới giới thiệu tôi là giáo sư tôn giáo học và sư trụ trì Thích Minh
Thông của chùa Ngọc Hoàng.
Khi
trợ lý nheo mắt ra hiệu, tôi bắt đầu giới thiệu: Đây là ngôi chùa theo
phái Hoa tông được xây vào cuối thế kỷ 19. Ông Obama hỏi một câu ngắn
gọn: “When?” (khi nào?). Tôi nói: Năm 1894. Khi tôi giới thiệu về lịch
sử ngôi chùa, Tổng thống Obama lắng nghe và bày tỏ ông thấy rất thú vị.
Khi
bước vào chính điện của chùa, ý của sư thầy Thích Minh Thông là Tổng
thống Obama có thể đi vào bằng cửa chính. Nhưng ông Obama nói rằng mọi
người đi như thế nào, ông sẽ đi đúng như vậy. Tổng thống đi từ cửa bên
trái, đi qua bàn thờ Phật Thích ca đến thẳng bàn thờ Ngọc Hoàng.
Trước
đó, đặc vụ nói nếu Tổng thống muốn thắp nhang thì có được không? Tôi
nói, Tổng thống là người theo đạo Tin lành, cho nên việc thắp nhang
không tốt sau này cho ông ấy. Nguyên tắc Tin lành không thờ ai ngoài
Thiên Chúa. Do vậy, tôi đề nghị Tổng thống chỉ nên cúi đầu để bày tỏ sự
tôn trọng với tôn giáo khác. Còn nếu Tổng thống muốn thắp nhang thì sẽ
nhờ sư thầy Thích Minh Thông. Việc này thực hiện đúng theo kịch bản.
Khi
đó Tổng thống Obama hỏi tôi ý nghĩa của ba cây nhang. Tôi nói: Nhang là
tượng trưng cho tinh, khí và thần. Phải giữ lửa liên tục như là nguồn
sống, do đó, đền chùa thường phải đốt nhang cả ngày.
Tiếp
đó, Tổng thống Obama đi ra cửa phụ bên phải để thăm tượng Phật. Tôi
giải thích cho ông ấy ý nghĩa của Phật Thích ca, nguồn gốc ra đời của
Đức Phật… Khi kết thúc, Tổng thống Obama nói lời cảm ơn về những lời
giải thích thú vị của tôi. Tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn vì đã dành cho tôi
vinh dự được làm người hướng dẫn.
- Ông có kỷ niệm nào thú vị trong buổi hướng dẫn đó?
-
Theo quy định của trợ lý, khi Tổng thống bước đi, tôi phải đếm từ 1 đến
8 giây mới bước theo. Tôi có hỏi lý do thì người trợ lý giải thích
rằng: về nguyên tắc, phải giữ khoảng cách, tuyệt đối không đụng vào
người Tổng thống, không được trao quà, tặng quà, hay gợi ý chụp hình
trong bất cứ trường hợp nào. Khi ra đến cổng, Tổng thống đột ngột đứng
lại, xoay qua nhìn ông thổ địa. Ông chỉ hình thổ địa hỏi, tôi nói đó là
ông thổ địa, là thần tài. Sau đó chỉ sang môn thần, tôi nói đó là người
canh cửa, để ma quỷ không vào nhà.
Chùa Ngọc Hoàng là nơi đầu tiên ông Obama ghé thăm khi đến Sài Gòn. Ảnh: Hải An.
- Trở thành người hướng dẫn cho Tổng thống Mỹ Obama có ý nghĩa như thế nào với ông?
-
Khi gặp, tôi giới thiệu mình là Dũng, ông nói: "Ồ Professor Dũng". Ông
đọc đúng tên với đúng dấu ngã và bắt tay tôi rất chặt. Ông hiểu công
việc người khác làm cho mình rất nặng nề, căng thẳng. Khi Tổng thống
đứng trong chùa, tôi lùi ra sau một chút thì Tổng thống gọi tôi đứng
gần. Ông hiểu đây là vinh dự của mình chứ không phải của ông.
Trên
đường đi ra khỏi tam quan, cô trợ lý trượt chân lảo đảo. Ông Obama
nhanh chóng đỡ cô ấy và nói những lời động viên. Với hành động an ủi
động viên đó, cô ấy có làm việc cả đời với ông ấy cũng vui lòng.
Tổng
thống Obama là người có khả năng kết nối nhanh bằng chính sự rộng
lượng, hào phóng như vậy. Ông chinh phục người khác ngay lập tức. Không
phải sự ngẫu nhiên khi ông Obama vươn từ địa vị xã hội thấp như vậy lên
làm Tổng thống, tôi cho rằng một phần là thiên bẩm nhưng một phần là học
tập và rèn luyện.
Tổng thống Obama: Tôi thích con gái
Khi
tôi đang giải thích về Quan Âm, Tổng thống Obama hỏi tôi: "Hầu hết mọi
người đến đây cầu xin điều gì?". Tôi nói chùa này nổi tiếng cầu con.
Người hiếm muộn thường đến đây cầu xin và họ hay xin con trai vì tâm lý
người Việt Nam thích con trai hơn. Đôi khi có con gái rồi, họ đến đây để
cầu xin con trai nữa. Ông Obama bật cười nói: "I like daughters" (Tôi
thích con gái). Tôi nói: "Me too" (Tôi cũng vậy).
Có
một số tờ báo đăng trụ trì Thích Minh Thông gợi ý với Tổng thống Obama
rằng ông hãy cầu xin một đứa con trai đi. Thông tin đó hoàn toàn sai sự
thật.
Tôi
là người trong cuộc và sư thầy Thích Minh Thông không nói câu gì trong
suốt hôm đó. Tôi là người giới thiệu về toàn bộ ngôi chùa từ đầu đến
cuối, cũng hiểu rất rõ bối cảnh tại sao Tổng thống Obama nói câu đó. Tôi
cảm thấy cần phải giải thích rõ để mọi người hiểu và không trách lầm
thầy Thích Minh Thông.
P/s: Ông
Dương Ngọc Dũng tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Đông Á học tại Đại học Harvard
(Mỹ) năm 1995, tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Đại học Boston
(Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm
2007.
No comments:
Post a Comment