2016/05/30

Các “biểu tình viên” không muốn tìm giải pháp cho vụ cá chết

Các “biểu tình viên” không muốn tìm giải pháp cho vụ cá chết

Nhìn những gì đang diễn ra trong phong trào biểu tình nhân vụ cá chết ở biển miền Trung, ta có thể khẳng định rằng những người biểu tình không hề muốn tìm giải pháp cho vụ cá chết.

Vì sao phải kết luận như vậy? Có hai lý do.

Lý do đầu tiên là phương hướng mà họ đặt ra cho cuộc biểu tình. Nếu những người biểu tình thực sự muốn tìm giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Trung, họ sẽ phải hành xử rất khác. Khi lên kế hoạch cho cuộc biểu tình, họ sẽ phải làm rõ ba điểm quan trọng:

_ Quan chức cụ thể nào chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Trung?

_ Các quan chức này phải có hành dộng cụ thể nào để xử lý khủng hoảng?

_ Hạn chót để nhà chức trách hồi âm người biểu tình, hoặc có hành động đáp ứng yêu sách mà đoàn biểu tình đưa ra là lúc nào?

Ở các nước phương Tây mà phe chống Cộng tôn làm quan thầy, mọi cuộc biểu tình đàng hoàng đều phải được lên khung như thế. Người biểu tình biết mình muốn chính sách cụ thể gì, phải trao đổi với quan chức nào để thông qua, và nhà chức trách biết mình phải làm gì để đáp ứng nguyện vọng. Nhờ thế, vấn đề được giải quyết, và cuộc khủng hoảng khép lại thay vì lan rộng theo kiểu chuyện bé xé ra to.

Còn các “biểu tình viên” Việt Nam đang làm gì? Từ đầu đến giờ, họ chưa từng xác định quan chức cụ thể nào chịu trách nhiệm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, và yêu sách cụ thể nào mà đoàn biểu tình phải đưa lên quan chức đó. Thay vì đưa ra một giải pháp, họ chỉ tung ra những khẩu hiệu nghe rất kêu nhưng hoàn toàn vô thưởng vô phạt. “Xuống đường vì môi trường” thoạt nghe thì hay đấy, nhưng chỉ xuống đường gào thét mà không đưa ra được giải pháp cụ thể thì có làm môi trường khá lên tí nào không? “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch” là một yêu sách rất ngu, vì biển, nơi mọi sông suối đổ vào vốn chưa từng có nước sạch bao giờ, và minh bạch chỉ là khẩu hiệu suông nếu người biểu tình không đưa ra được những thông tin cụ thể mà họ muốn chính quyền cung cấp. Tóm lại, những cuộc biểu tình ầm ĩ hiện nay là hoàn toàn vô dụng trong việc bảo vệ môi trường, giải quyết khủng hoảng và cải thiện nền chính trị.

Vậy thì trong thực tế, chúng nhằm mục đích gì và phục vụ ai?

Để biết câu trả lời, hãy nhìn kết cục hiển nhiên mà các cuộc biểu tình đang hướng đến. Yêu sách không rõ ràng sẽ khiến vấn đề không được giải quyết, từ đó khiến cho đám đông biểu tình ngày càng tức giận, còn chính quyền ngày càng cảm thấy bị đe dọa. Những khẩu hiệu chung chung, ngu xuẩn nhưng dễ lọt tai sẽ giúp tập hợp nhiều thành phần vô học và ưa đập phá trong xã hội vào đám đông. Vì những tổ chức hô hào biểu tình không xác định rõ quan chức cụ thể phải chịu trách nhiệm, họ dễ dàng lèo lái dư luận, để hướng mũi nhọn công kích vào toàn bộ hệ thống chính trị, thay vì những cá nhân thực sự có khả năng và chức trách để giải quyết vấn đề. Thế là chuyện bé xé ra to, thay vì cùng nhau tìm cách vấn đề môi trường ở địa phương ban đầu, đám đông bị dắt mũi sang hướng công kích thể chế. Khi thể chế trở thành mục tiêu tấn công, hệ thống an ninh của nó buộc phải phản ứng lại một cách hoảng loạn. Thế là người biểu tình và cảnh sát bị nhóm phát động bẫy vào các cuộc xung đột liên miên. Nhóm phát động không bỏ lỡ cơ hội này. Họ lập tức dùng trò ghi hình, phát tán thông tin cá nhân, đấu tố và sỉ nhục gia đình để hướng mũi nhọn tấn công vào các nhân viên an ninh cấp thấp. Nếu những nhân viên này đáp trả, xung đột hiển nhiên bùng phát thành bạo lực. Tiếc thay, khi xem cảnh an ninh xô xát với người biểu tình trên Youtube, người ngoài cuộc không hề biết rằng đa số các vụ đụng độ này không có chỉ đạo, mà xuất phát từ phản ứng tự vệ hoặc trả thù của các cá nhân cảnh sát khi bị cánh biểu tình quá khích chửi bới, sỉ nhục hoặc đưa thông tin gia đình lên đấu tố online. Các vụ đụng độ càng được nhắc đi nhắc lại theo lối tuyên truyền thổi phồng, giật gân và ám thị, nó càng khiến người ngoài cuộc nảy sinh tâm lý thương hại, giận giữ, và kéo họ đứng về phía các hội nhóm hô hào biểu tình. Trong khi đó, việc giải quyết vấn đề môi trường ban đầu không còn được ai nhớ đến. Vì không có giải pháp, cuộc khủng hoảng trở thành một vũng sa lầy, nơi chính quyền và dân chúng lao vào tương tàn, còn các tổ chức chống Cộng cực đoan là kẻ duy nhất được lợi.

Chính vì họ là kẻ duy nhất được lợi, họ không hề muốn tìm giải pháp cho vùng biển Hà Tĩnh, mà chỉ muốn ngâm vấn đề đó thật lâu. Vì sao dù đã đớp vô số khoản tiền quyên góp để “đi thực tế” ở địa phương, ba tuần sau vụ việc, ngần ấy tổ chức chống Cộng vẫn chưa hề đưa ra một kết quả xét nghiệm nào về độ nhiễm độc của nguồn nước? Vì phe chống Cộng cũng vô dụng không kém gì cái chính quyền mà họ chửi rủa? Hay vì thực ra nước không nhiễm độc vì ô nhiễm, và phe chống Cộng muốn ỉm kết quả này đi?

Nhiều người có thể cãi rằng chuyến khảo sát thực địa của cậu Nguyễn Anh Tuấn đã đủ để chứng minh rằng Formosa là thủ phạm. Nhưng nhìn cách thức khảo sát, tôi chỉ có thể nói rằng cậu Tuấn hoặc rất ngu dốt, hoặc rất lưu manh. Khi xác định lý do cá chết bằng cách… phỏng vấn dân bản địa, liệu Tuấn có nghĩ rằng những người được phỏng vấn sẽ có khuynh hướng thổi phồng vụ việc và đổ lỗi để nhận được tiền đền bù? Quả nhiên họ đã nói dối về việc địa phương chưa từng có hiện tượng dải nước biển đỏ. Sau đó, Tuấn lặn để chụp ảnh ở vùng biển sâu 30 – 40m, và tuyên bố với dư luận rằng cậu đã khảo sát ở vùng biển sâu! Người ta hùa theo, mà không biết rằng theo phân loại khoa học, thì vùng biển sâu phải nằm dưới mực nước biển từ 700 đến 1000m.

Trong thực tế, từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu lây lan, một tập hợp các NGO mang tên Nhóm các tổ chức ngoài nhà nước ứng phó sự cố môi trường – cá chết Bắc Miền Trung đã tiến hành khảo sát mẫu nước biển. Kết quả: nồng độ ô nhiễm công nghiệp vẫn ở trong mức độ cho phép, và hoàn toàn không phải là nguyên nhân. Tuy nhiên, phe chống Cộng lờ đi kết quả này, vì nó bất lợi cho họ. Và họ luôn mồm gào thét đòi minh bạch thông tin!

Chẳng đáng ngạc nhiên khi giờ đây, họ không nhắc một dòng đến việc tìm giải pháp cho vấn đề nữa, và công khai dự định biến cuộc khủng hoảng thành “cách mạng… cá”, dập khuôn bắt chước từ A đến Z hình thức của “cách mạng dù” (đã thất bại thảm hại) ở Hong Kong.

Tôi tự hỏi trong những độc giả bị họ dắt mũi lôi đi, có bao nhiêu người băn khoăn vì sao màu ô được chọn không giống màu biển, mà lại giống màu logo của đảng Việt Tân đến thế.

[Nhà Dân Chủ]

No comments: