Viễn
Sau hàng loạt những quyết định xử lý mạnh tay của Bộ thông tin truyền thông đối với một số cơ quan báo chí và những người đứng đầu một số cơ quan báo chí, có những tiếng nói xì xèo thậm chí là xuyên tạc lại đang vang lên với kịch bản quen thuộc: báo chí ở Việt Nam không có tự do, báo chí Việt Nam bị kiểm duyệt khắt khe, báo chí ở Việt Nam luôn bị định hướng bởi định hướng tuyên truyền của Đảng và sự quản lý quá chặt chẽ của pháp luật.
Điển hình như ý kiến của ông Võ Văn Tạo:
“Ở Việt Nam có những đề tài rất quan trọng, người dân rất quan tâm thì báo chí lại không được đụng tới. Cái đó là hàng tuần đều có sự giao ban báo chí hết. Do Ban Tuyên giáo Trung ương người ta giao ban. Họ sẽ nói nội dung cụ thể trong tuần tới, trong thời gian tới phải tập trung đưa về cái gì. Tức là tiết chế hoạt động báo chí một cách rất là khắt khe. Báo chí không có tự do. Có những đề tài công chúng rất thích lại bị cấm đoán thì làm sao mà hay. Báo chí không như văn chương. Cái hay của báo chí là vấn đề thời sự, phản ánh tính thời sự, cái nóng bỏng, cái kịp thời mà phần lớn xã hội, công chúng người ta quan tâm. Đấy mới là cái hay của báo chí. Thế thì ở Việt Nam bị dẹp cái đó. Thế thì khó lòng có được cái hay”.
Về vấn đề này, cần phải thấy đây là một sự ngụy biện cho hàng loạt những sai phạm vừa rồi liên quan tới báo chí.
Thực sự những sai phạm vừa rồi là do báo chí Việt Nam không có tự do, là do Đảng và Nhà nước can thiệp quá sâu vào báo chí. E rằng không phải.
Ai cũng biết những sai phạm liên tiếp vừa rồi của báo chí cũng như nhiều nhà báo bị cách chức là do vấn đề đạo đức nghề báo, là do lương tâm của nhiều nhà báo và tòa soạn báo đã bị xuống cấp khi biến mình thành công cụ của đồng tiền, bắt tay với doanh nghiệp bỏ qua những qui tắc và đạo đức tối thiểu của người làm báo, bóp méo thông tin nhằm đánh lừa dư luận. Rồi là cả những chuyện phóng viên báo chí không còn đi thực địa, xâm nhập địa bàn để có những tác phẩm hay, để phản ánh chân thực muôn màu cuộc sống mà chỉ ngồi phòng lạnh, xào xáo lại thông tin trên mạng, thậm chí là đưa tin theo kiểu giật gân câu khách rẻ tiền miễn là câu view. Những cái đó, sao lại có thể đổ lỗi là do kiểm duyệt chặt, đổ lỗi cho Đảng, Nhà nước. Nếu có trách phải trách chính tòa soạn báo và những tổng biên tập, phóng viên báo chí suy thoái đó chứ.
Ngay cả việc báo chí càng ít đi những tác phẩm lớn, tác phẩm hay cũng không phải do vấn đề định hướng của Đảng hay sự kiểm duyệt quá chặt của pháp luật. Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng. Nói nghiêm túc, từ khi báo chí Việt Nam ra đời đã luôn gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng để phục vụ các nhiệm vụ cách mạng. Và đã có không ít tác phẩm báo chí nổi tiếng đã ra đời. Đã có nhiều tên tuổi các nhà báo lớn được cả làng báo vinh danh. Vậy tại sao giờ đây lại đổ lỗi cho vấn đề định hướng hay quản lý báo chí.
Nói như Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn:
“Không thuyết phục được bạn đọc là do trình độ và tài nghệ của người làm báo. Tài nghệ kém cỏi, làm ra những tác phẩm báo chí kém cỏi, không thu hút được người đọc rồi quay ra đổ lỗi cho định hướng của Đảng, thậm chí còn đổ lỗi cho việc tuân theo pháp luật. … đổ lỗi cho pháp luật quả là chuyện nực cười. Sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí không hề ngăn cản tự do ngôn luận, không hề ngăn cản thông tin đa chiều, càng không hề làm mất cá tính, phong cách và tài năng của những người làm báo”.
Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Các nhà báo, phóng viên báo chí và mỗi tòa soạn báo hãy xem lại chính mình trước khi trách cứ người khác.
Còn những tiếng nói xuyên tạc, suy cho cùng cũng là để cổ vũ cho thứ báo chí tự do tuyệt đối, báo chí đứng trên pháp luật hòng sử dụng báo chí để chống phá lại cách mạng mà thôi.
No comments:
Post a Comment