2016/11/25

Sử dụng biện pháp ngoại giao trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Thái Bình


Sử dụng biện pháp ngoại giao trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Ảnh: Hội nghị tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. 

Gần đây, tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta. Ngư dân nước ta khi ra khơi xa đánh bắt hải sản luôn phập phồng, lo âu bị nước ngoài bắt giữ, chiếm đoạt tài sản, phạt tiền, nhất là trên các vùng biển giáp ranh với các nước khác. Hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, một trong những hoạt động kinh tế mũi nhọn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý, thuộc chủ quyền nước ta, được luật pháp quốc tế thừa nhận, cũng có lúc bị nước ngoài ngăn chặn, xâm hại. Vấn đề đáng quan ngại là, lợi dụng những vấn đề mới phát sinh ở Biển Đông, các lực lượng cơ hội, phản động ở trong và ngoài nước ra sức xuyên tạc, nói xấu, phá hoại công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta. Trước tình hình đó, chúng ta phải phối hợp và tiến hành đồng bộ các biện pháp để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, trong đó có sử dụng biện pháp ngoại giao của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay.

Vấn đề chủ quyền biển, đảo của nước ta trên Biển Đông có những diễn biến phức tạp do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta một năm trước, hay thời gian gần đây tăng cường xây dựng đường băng dài khoảng 3.000m trên đá Chữ Thập, cải tạo, xây dựng công trình phá vỡ nguyên trạng tại một số đảo, bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam… Hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế vàTuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Đồng thời, vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của nước ta và dư luận thế giới. 

Đảng, Nhà nước ta xác định đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng con đường ngoại giao, khẳng định ý chí quyết tâm và có các biện pháp giữ vững ổn định môi trường để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm làm ăn, kêu gọi người dân tỉnh táo, kiềm chế, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật và xử lý nghiêm khắc những người có hành vi tuyên truyền kích động… Những chủ trương, biện pháp này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng trong cả nhận thức lẫn hành động của nhân dân ta là minh chứng cụ thể cho tính thống nhất, đoàn kết từ trên xuống dưới, sự đồng thuận từ dưới lên trên. Đại đoàn kết trong tính tương tác hai chiều như thế càng thể hiện rõ tính dân chủ tập trung, nhân văn của Đảng, của nhân dân ta. 

Phương châm chỉ đạo chiến lược trong đấu tranh với các đối tượng tranh chấp, lấn chiếm phải lấy đối ngoại hòa bình, hợp tác là cơ bản; giải quyết tranh chấp trên biển, đảo chủ yếu bằng đàm phán, bằng tòa án quốc tế, bằng việc dựa vào các tổ chức trong khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế. Đàm phán là giải pháp mà luật pháp quốc tế đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp tục đàm phán với các bên hữu quan để xác lập chủ quyền và phải chuẩn bị tốt các điều kiện để phục vụ cho đàm phán có kết quả, đàm phán có thể được tiến hành song phương hoặc đa phương.

No comments: