2016/11/24

TRƯỚC KHI PHÁN XÉT NHÀ GIÁO, HÃY XEM LẠI NHẬN THỨC CỦA CHÍNH MÌNH

Trang danluan.org ngày 20/11 có đăng một bài viết của tác giả Hà Huy Toàn với nhan đề “Nói về nhà giáo nhân ngày nhà giáo”. Bài viết rất dài, đại để thì xoay quanh vấn đề “nhà giáo tốt, nhà giáo xấu”, viện dẫn đủ mọi lý lẽ từ việc so sánh xã hội ta với xã hội Mỹ đến việc lôi ra đủ thứ định lý, định luật rồi phê phán giáo dục của ta đào tạo phiến diện, chỉ nặng về nhồi sọ chứ không được tự do phát triển, nghiên cứu…. chung quy lại là đổ lỗi cho chế độ.


Ngày 20/11 vừa qua chưa lâu, thôi thì cũng có đôi ba ý kiến thế này.
Đầu tiên, bài viết đưa ra một quan điểm rằng xã hội tốt hay xấu đều là do nhà giáo. Cái này xét đến cùng cũng không có gì là sai. Mỗi xã hội đều được tạo thành từ rất nhiều cá thể, và hầu hết mọi cá thể đều từ giáo dục mà hình thành nhân cách. Cho nên vai trò của nhà giáo là vô cùng to lớn nếu không muốn nói là quyết định nhân cách của mỗi người, tất nhiên, bên cạnh đó cũng còn những yếu tố khác như sự rèn giũa của gia đình và bản tính cá nhân của mỗi người. Thế nhưng cái đáng nói ở đây là để minh chứng cho quan điểm của mình, tác giả bài viết lại nói rằng “giữa xã hội xấu với xã hội tốt không hề có ranh giới tuyệt đối mà cũng chỉ có ranh giới tương đối: xã hội xấu cũng có người tốt nhưng người tốt ít hơn kẻ xấu khiến kẻ xấu áp đảo người tốt, như xã hội Tàu hoặc xã hội Việt nam chẳng hạn; ngược lại, xã hội tốt cũng có kẻ xấu nhưng kẻ xấu ít hơn người tốt khiến người tốt áp đảo kẻ xấu, như xã hội Mỹ hoặc xã hội Nhật Bản chẳng hạn”. Thật là, cố tỏ ra rằng mình khách quan nhưng lại tự cho phép mình cái quyền quy kết xã hội nào là xấu là tốt. Xin thưa rằng nếu có một con số tỷ lệ giữa tội phạm, tệ nạn xã hội với những giá trị tốt đẹp thì chưa biết xã hội nào cao hơn xã hội nào, cho nên người thông minh thì đừng vội nói nơi nào thì người tốt nhiều/ít hơn người xấu và ngược lại.
Tiếp đó, để minh chứng cho cái gọi là thể chế thì quyết định trình độ của nhà giáo, tác giả đưa ra một loạt những định lý, định luật toán lý và nói rằng khi hỏi các nhà giáo trong nước thì họ đều không biết, và kết luận đó là do bị nhồi sọ bởi những tư tưởng độc hại, như Chủ nghĩa Marx - Lênin chẳng hạn v.v…, những tư tưởng đó ngăn cản họ tiếp nhận tri thức mới”. Chẳng hay xin hỏi tác giả, bao nhiêu nhân tài người Việt được các giải quốc tế, nếu cái gì họ cũng không biết thế thì thi thố với thiên hạ thế nào nhỉ? Xem ra mấy cái định luật ấy ngoài việc phục vụ cho mấy ông moi ra để so bì kiểu này thì cũng không có giá trị mấy thì phải.
Cũng vẫn là nói về chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng ở khía cạnh các môn xã hội thì bài viết lại dẫn ra sách Giáo dục công dân lớp 10 với nội dung Mâu thuẫn chỉ được giải quyết bằng đấu tranh giữa các mặt đối lập, không phải bằng con đường điều hoà mâu thuẫn” và bảo đó là xúi giục học sinh đánh nhau và đó chính là nguyên nhân của bạo lực học đường. Không thể hiểu sao có người có thể hiểu khái niệm “đấu tranh giữa các mặt đối lập” một cách ấu trĩ như thế. Tác giả còn cho rằng nước Mỹ chỉ “điều hòa mâu thuẫn”, vậy xin hỏi phân biệt chủng tộc là cái gì? Khủng bố là cái gì? Can thiệp quân sự là cái gì?
Cuối cùng, trở lại vấn đề vai trò của nhà giáo, tác giả viếtmột học sinh nào mà yêu thích chế độ độc tài hoặc không phân biệt được chế độ độc tài với chế độ dân chủ sẽ chỉ chứng tỏ học sinh đó đã bị nhồi sọ nặng nề bởi các nhà giáo xấu. Nếu nhìn vào hiện trạng xã hội mà chỉ thấy cái xấu nhiều hơn cái tốt thì phải hiểu rằng chính nhà giáo đã hư hỏng trước rồi mới làm cho xã hội hư hỏng theo họ”. Vai trò của người thầy, của giáo dục trong xã hội là quan trọng nhưng không phải yếu tố duy nhất quyết định bản chất một con người. Những người thầy luôn nỗ lực truyền đạt cho học trò kiến thức của nhân loại, rèn giũa cho học trò những phẩm chất tốt nhưng bản thân con người không cố gắng, không trau dồi bản thân cộng với việc những luồng tư tưởng phiến diện như thế này ngày càng nhiều thì việc con người đó trở thành người xấu không thể nói là lỗi của thầy.
Giáo dục nước ta đang trong quá trình đổi mới và hoàn thiện để giúp mỗi cá nhân có được một nền tàng vững vàng khi bước ra hội nhập quốc tế. Chúng ta thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, thiếu sót, bất cập song vẫn phải kiên tâm gìn giữ những giá trị tốt đẹp kế thừa của cha ông từ nghìn xưa, tuyệt đối không vì những luận điệu xuyên tạc này mà hoang mang, đánh mất niềm tin vào các nhà giáo chân chính cũng như nền giáo dục của đất nước.
                                           An Khang

No comments: