Loa Phường
Ngày 7/11/2016, Trung Quốc chính thức thông qua Luật An ninh mạng đang bị các doanh nghiệp nước ngoài, phương Tây lên án là “thắt chặt tự do ngôn luận trên mạng”, với chế tài “yêu cầu các doanh nghiệp phải "khai thác các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng" để lưu trữ thông tin cá nhân và dữ liệu kinh doanh quan trọng ở Trung Quốc” và “ khi có yêu cầu của cơ quan an ninh, các doanh nghiệp phải "hỗ trợ kỹ thuật" để họ điều tra” gây nguy cơ cho “các công ty nước ngoài có thể bị mất sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc hoặc phải làm một backdoor (cửa hậu trong phần mềm của mình) để theo dõi người dùng tại Trung Quốc”…
Theo chính quyền Trung Quốc, việc thông qua đạo luật An ninh mạng là để chống lại những đe dọa của tin tặc, khủng bố. Quốc hội Trung Quốc đã thông qua đạo luật này và nó sẽ có hiệu lực từ tháng 6.2017, như là "một nhu cầu khách quan" do Trung Quốc có một mạng lưới Internet quá rộng lớn.
Luật này bao gồm 7 chương với tổng cộng 79 điều, nội dung gồm 6 vấn đề chính: xác định rõ nguyên tắc về chủ quyền trong không gian mạng; xác định nghĩa vụ đảm bảo an ninh đối với sản phẩm mạng và nhà cung cấp dịch vụ mạng; nghĩa vụ đảm bảo an ninh mạng của nhà vận hành mạng; cải thiện quy tắc bảo vệ thông tin cá nhân; thành lập cơ chế đảo bảo an ninh cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng; thiết lập quy tắc truyền dữ liệu cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng qua biên giới. Ngoài ra, Luật còn xác định phạm vi của cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng; đề ra các biện pháp trừng phạt thích hợp đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài tiến hành tấn công, phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng; tăng cường các quy định trừng phạt đối với các loại tội phạm mạng, tiêu biểu là lừa đảo mạng.
Có một số điểm được nêu ra trong luật này đang khiến giới “đấu tranh dân chủ” ở Trung Quốc, phương Tây lo ngại, đó là:
- Luật này cấm người sử dùng Internet đăng tải nhiều loại thông tin, bao gồm thông tin hủy hoại “danh dự quốc gia, gây rối trật tự kinh tế hoặc xã hội” hoặc nhằm “lật đổ hệ thống chủ nghĩa xã hội”. Người dùng Internet của Trung Quốc đăng thông tin phỉ báng Nhà nước có thể chịu 3 năm tù giam nếu có lượng chia sẻ trên 500 lần hay trên 5000 lượt xem…
- Luật quy định, các công ty cung cấp dịch vụ trực tuyến phải xác minh danh tính thực của người dùng Internet, theo đó việc ẩn danh tham gia trực tuyến bị xem là trái pháp luật. Các công ty này còn phải cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan an ninh quốc gia trong việc điều tra tội phạm, bao gồm những người có phát ngôn được cho là trái pháp luật.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ thấy “ 40 nhóm doanh nghiệp trên toàn cầu cùng gửi kiến nghị lên Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, nhằm đề nghị Bắc Kinh xem xét lại những điều khoản gây tranh cãi trong dự luật an ninh mạng. Khi đó giới chức Trung Quốc trấn an dư luận rằng họ sẽ không can thiệp vào lợi ích kinh doanh của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc”. Một số viên chức thương mại Châu Âu, Mỹ cùng lên tiếng với lo ngại về “rào cản thương mại”. Tổ chức Giám sát nhân quyền Trung Quốc và một số “nhà đấu tranh nhân quyền” lên tiếng bất bình về việc viết bài, bình luận trên mạng sẽ được sử dụng làm bằng chứng khởi tố các “nhà đấu tranh nhân quyền”. Xem ra mức độ phản ứng khá yếu ớt, nghiêng về thương mại và lo sợ mất bản quyền, đánh cắp sáng chế nhiều hơn.
Việt Nam hiện mới chỉ có Luật an toàn thông tin mạng, thiên về đảm bảo an toàn thông tin trên mạng, tức mới đề cập đến một khía cạnh “an ninh mạng”. Trong bối cảnh bùng nổ thông tin chống Nhà nước và tội phạm hình sự mạng hiện nay, việc nghiên cứu ban hành một bộ luật tương tự hoặc bổ sung Luật An toàn thông tin mạng để đưa cách giải quyết đến nơi đến chốn với một số vấn đề còn e ngại như: nội dung thông tin và những hành vi trong việc lợi dụng tự do ngôn luận trên internet để chống chính quyền cần được sớm nghiên cứu.
No comments:
Post a Comment