2016/11/02

Trao đổi về bức thư của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu

Kính Chiếu Yêu



Sau loạt bài "Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chícủa Bộ trưởng TTTT Trương Minh Tuấn và những động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh làng báo và đội ngũ phóng viên, dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Nhiều tờ báo, nhà báo đã mạnh dạn bộc bạch những tâm tư của mình về nghề nghiệp và đạo đức nhà báo.

Vô số những bài viết trên mạng xã hội của các nhà báo, của cư dân mạng đồng thuận với Bộ trưởng. Tuy nhiên cũng có một vài ý kiến chưa đồng thuận ở một số vấn đề. Bức thư sau đây của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu là một trong số đó. 

Xin đăng nguyên văn bức thư của nhà báo Ngô Nguyệt Hữu để bạn đọc xem xét, riêng tôi sẽ có một số bình luận ở cuối bài.

Kính gửi Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn!

Thưa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, tôi viết điều này bằng tất cả sự tôn trọng dành cho ông với mục đích nhằm xây dựng, phục hồi uy tín của báo giới chính thống.

Thưa Bộ trưởng,

“Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng”, đang là cụm từ được nhiều nhà báo sử dụng xung quanh những thông tin về việc rút thẻ nhà báo, xử lý các cơ quan báo. Tuy nhiên, cho đến giờ bằng nguồn tin tôi có được tôi hoàn toàn đồng ý về những quyết định này của Bộ Truyền thông và Thông tin. Nhà báo bị xử lý, đầu tiên phải xét lại mình.

Thế nhưng, có một sự thật đang tồn tại trong đời sống báo chí hiện nay, chính là những chỉ đạo có phần áp đặt và chủ quan từ các cơ quan quản lý báo chí. Điển hình nhất là Dự án Thép Hoa Sen – Cà Ná.

Thưa Bộ trưởng,

Đây là dự án của một tập đoàn tư nhân, thuần về sinh lợi nhưng lại có những khuất tất về dây chuyền sản xuất, đánh giá tác động môi trường, nguồn vốn.. Vậy mà, vẫn có lệnh yêu cầu báo giới ngừng phản biện.

Tôi cho rằng lệnh ngừng phản biện những dự án như thế này chính là hành vi đặt báo giới ra ngoài hiện thực. Mà một khi báo giới bị đặt ra ngoài hiện thực tức là đội ngũ những người làm báo đã bị tước đi vũ khí của mình trên mặt trận thông tin.

Một chiến sĩ bị tước vũ khí từ chính chỉ huy, sự thất bại là điều đương nhiên.

Thưa Bộ trưởng,

Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội đã tiêu diệt hoàn toàn vị thế độc quyền của các loại hình báo chí, từ báo in, báo hình cho đến báo nói, báo mạng. Vậy mà, những cơ quan quản lý báo chí vẫn chưa chấp nhận sự thật này.

Một bên bị kiềm tỏa, một bên mặc sức tung hoành thì nghiễm nhiên cán cân bất lợi đang được dồn hết cả cho báo giới.

Không thể nào tin được rằng những vụ tuần hành phản đối Formosa ngay giữa trung tâm thành phố lớn nhất nước là TP.Hồ Chí Minh mà mấy trăm cơ quan báo chí lại không có một dòng tin. Về sau đưa tin, toàn thông tin một chiều.

Thưa Bộ trưởng,

Hiện tại đang có một bộ phận những người làm báo đang dùng nghề nghiệp để trục lợi. Nhưng tôi tin rằng đây không phải là đại bộ phận. Bởi theo chỗ tôi được biết, còn rất nhiều nhà báo công chính đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Sự tự diễn biến như Bộ trưởng nhận định trong đội ngũ người làm báo chính là bởi nhà báo đã bị đặt ra ngoài sự vận động của hiện thực. Nhà báo bị bí bách trong việc chuyển tải thông tin và mạng xã hội cho phép họ thực hiện việc giải tỏa cơn bí bách đó.

Thưa Bộ trưởng,

Muốn khôi phục lại uy tín cho báo giới nhằm giành lại mặt trận truyền thông chính thống, tôi nghĩ rằng trong bộ máy lãnh đạo báo chí cần có những nhà báo chuyên nghiệp làm tham mưu, tư vấn.

Người sống trong thông tin sẽ biết phân tích thông tin, đánh giá thông tin hơn là những cá nhân vốn quen với sách vở.

Thưa Bộ trưởng,

Điều quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy của lãnh đạo quản lý báo chí với nhà báo, đó chính là mối quan hệ tôn trọng, đối thoại, thấu hiểu vì một mục tiêu chung là thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nâng cao chất lượng thông tin.. Chứ không đơn thuần là mối quan hệ lãnh đạo và thuộc cấp.

Xin lỗi Bộ trưởng vì đã khiến ông tốn thời gian để đọc, nhưng có những điều không thể không góp ý.

Kính chúc Bộ trưởng sức khỏe, vạn sự hanh thông.

Bình luận của tôi:

Thưa nhà báo Nguyệt Hữu

Báo chí chính thống càng ngày càng nhận được nhiều những lời than vãn - phàn nàn và phẫn nộ từ bạn đọc và chính những nhà báo chuyên nghiệp sống và làm việc trong môi trường đó. Tại sao lại có những lời ấy từ chính những người trong cuộc? Không còn nghi ngờ gì nữa, họ là những người có lòng tự trọng, tôn trọng đạo đức báo chí khi nhìn thấy báo chí xuống dốc. 

Chưa khi nào báo chí xuống dốc như hiện nay, chắc không cần nhắc lại ở đây những chủ đề, những bài “nổi bật” mà người đọc cảm thấy "buồn nôn" nhan nhản trên các trang viết. Nhà báo, tờ báo có thể không được viết, được đăng những điều không nên viết, nhưng tự nguyện viết, cho đăng những điều mà chính bản thân mình thấy không đúng, không ngửi được thì phân trần vào đâu? Bây giờ người ta sợ báo chí là sợ bị dây với đám kền kền, với kẻ tiểu nhân, chớ không phải là nỗi sợ bị phanh phui tiêu cực như đã từng có một thời.

Làm lành mạnh lại báo chí không phải chỉ là việc cắt cơ học, cào bằng số lượng, chủng loại mà phải thực hiện cho được những vấn đề có tính nguyên tắc như vị Bộ trưởng Bộ TTTT nói: Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ và Luật Báo chí của nước ta đều có quy định quyền tự do ngôn luận trên nguyên lý nền tảng, đảm bảo giá trị phổ quát của quyền con người: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin”; “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình”; “Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động”… “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”. Như vậy là dân chủ, là tự do song không thể là tự do vô chính phủ, tự do phỉ báng, bôi nhọ, vu cáo, bóp méo sự thật. Báo chí cũng có luật, có quy định đạo đức nghề nghiệp. Những gì vị Bộ trưởng đã làm vừa qua đều là đúng luật, thượng tôn pháp luật, theo đúng chức năng quản lý thì có gì đáng trách.

Thưa nhà báo Nguyệt Hữu.

Nhà báo nói rằng, "Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội đã tiêu diệt hoàn toàn vị thế độc quyền của các loại hình báo chí, từ báo in, báo hình cho đến báo nói, báo mạng. Vậy mà, những cơ quan quản lý báo chí vẫn chưa chấp nhận sự thật này" là căn cứ vào đâu. Mạng xã hội được xếp vào hàng ngũ báo chí từ lúc nào vậy? Có đúng mạng xã hội là dòng chính cung cấp thông tin (sự thật) cho bạn đọc không? Vậy nên nó "đã tiêu diệt hoàn toàn" vị thế báo chí từ khi nào vậy? Là một nhà báo mà quan niệm như vậy tôi e là không chuẩn, e là tự hạ thấp mình.

Nhà báo nói, "có một sự thật đang tồn tại trong đời sống báo chí hiện nay, chính là những chỉ đạo có phần áp đặt và chủ quan từ các cơ quan quản lý báo chí". Buồn cười thật, Việt Nam không có báo tư nhân, báo chí là công cụ thông tin, công cụ tư tưởng của nhà nước, của dân tộc mà lại không có "định hướng" thì là ảo tưởng. Định hướng là để báo chí, nhà báo nhận thức đúng vấn đề, hạn chế sai sót rồi gỡ bài, rồi xin lỗi, rồi bị rút thẻ chứ không phải định hướng là viết thay báo chí và nhà báo. Cái cách nhìn vấn đề biểu tình của nhà báo là cách nhìn hiện tượng chứ không là cách nhìn bản chất. Nhà báo có biết ai, những loại người nào xuống đường biểu tình không, họ dùng băng rôn, hô khẩu hiệu có nội dung gì không? Nhà báo đã đọc Nghị định Chính phủ quy định về "biểu tình" chưa? Họ làm vậy có thượng tôn pháp luật không? mà đòi báo chí phải đưa tin và chỉ đưa tin "một chiều", cái "chiều" ấy có đúng luật không? Còn câu chuyện "phản biện" Dự án Thép Hoa Sen – Cà Ná báo chí chỉ là một kênh tham khảo chứ không có tính quyết định phê duyệt dự án. Mỗi khi báo chí quá đà và thể hiện sự ấu trĩ thì phải dừng là đúng chức năng nhắc nhở của nhà quản lý và tuyệt nhiên nó không hề "cấm" viết đúng, viết hay về Cà Ná. Lấy những cái đó để cho rằng nhà quản lý đã đặt nhà báo "ra ngoài sự vận động của hiện thực" là "những người làm báo đã bị tước đi vũ khí của mình trên mặt trận thông tin". thì e là "chụp mũ".

Thưa nhà báo Nguyệt Hữu

Theo tôi biết thì cả nước có đến hàng ngàn tờ báo, có đến hơn 17 vạn nhà báo "được cấp thẻ" và nhiều vô thiên lủng những "cộng tác viên" có "chứng chỉ". Mới vài nhà báo bị rút thẻ, vài trang báo bị đình bản mà “Cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng” liệu có đúng tâm trạng làng báo trong bối cảnh báo chí hiện tại?

Tôi vẩn tiếc, thời gian qua, nhà nước vẫn đuối trong thực hiện chức năng quản lý của mình, chức năng thanh tra, phát hiện, xử lý báo "lá cải", "lá ngón", những nhà báo, những những cộng tác viên vi phạn pháp luật, đạo đức vẫn còn chưa theo kịp thời cuộc. Không nói thì cũng biết những bài báo, những chương trình truyền hình, những "hợp đồng viết lách" có vấn đề phần lớn được phát hiện từ khán thính giả, bạn đọc. Điều đó cũng cho thấy người nghe, người đọc tử tế vẫn là số nhiều. Cơ hội tạo dư luận để "tắm gội" lại báo chí còn lớn nếu nhà quản lý chịu khó lắng nghe chúng tôi. Những nhà báo, những biện tập viên, những tổng biên tập chủ động phát hiện sai phạm còn ít lắm, nếu không muốn nói là không có.

Vậy nên, hoàn thiện các bộ quy tắc đạo đức nghề báo của người làm báo Việt Nam theo hướng chi tiết, cụ thể. Trên cơ sở đó, các hội nhà báo, cơ quan báo chí xây dựng cho mình bộ quy tắc đạo đức nghề báo hoặc quy định về những việc được làm và khuyến cáo những việc không được làm, đề ra quy định khen thưởng và xử phạt, áp dụng một cách nghiêm khắc để răn đe, uốn nắn phóng viên là rất cần thiết.

Thưa nhà báo Nguyệt Hữu

Trong thời buổi quản lý xã hội, quản lý kinh tế chưa tốt, còn nhiều khuất tất thì còn đất làm ăn cho đám "nhà báo kền kền", còn kẻ tống tiền, còn báo "lá ngón". Tệ nạn này sẽ còn tồn tại mỗi khi thiếu minh bạch, khuất tất trong làm ăn, quản lý. Nên phát hiện, phanh phui, lật tẩy mùi "nước mắm" trong làng báo còn dài dài.

No comments: