2015/10/19

Không mấy người được như Alan Phan!

Chiềng Chạ

Tiến sĩ Alan Phan (Nguồn: Internet). 

'Ông cũng là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ (1987), người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc. TS Alan Phan từng điều hành Quỹ Viasa Fund tại Hong kong chuyên đầu tư vào thị trường Trung Quốc (2002-2008). Ông cũng là sáng lập viên và CEO của nhóm Công ty Hartcourt có 7 công ty con về IT tại Trung Quốc (1995- 2002). Ông còn là tác giả của 11 cuốn sách về kinh tế, xã hội của các thị trường mới nổi... Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của vài đại học Mỹ và Trung Quốc. TS Alan Phan nhận bằng kỹ sư, thạc sĩ tại Mỹ và TS tại Australia".  


Là một trong số ít Việt kiều thành danh và có tiếng trên đất Mỹ bằng chính năng lực, nghị lực sống của chính mình, song khi đã ở độ chín của sự nghiệp tài năng năm 2006 Tiến sĩ Alan Phan đã quay về Việt Nam. Tại chính mảnh đất quê hương, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các dự án có thể mạnh của Quỹ Viasa Fund từng thành công tại Hồng Kông, Trung Quốc, Alan Phan được biết đến với vai trò của học giả với những góc nhìn được cho là sâu sắc; rất nhiều phân tích có tính dự báo của Alan Phan về nền kinh tế Việt Nam đã trở thành hiện thực. Tài năng, tiếng tăm của Alan Phan cũng được định hình tại Việt Nam bằng chính cái cách mà ông đã ghi dấu ấn trên đất khách quê người. 


Nhưng điều mà tôi thực sự ấn tượng nhất về Tiến sĩ Alan Phan trên cương vị một chuyên gia với những góc nhìn thẳng thắn, sắc sảo về thực tế và dự đoán tình hình kinh tế Việt Nam không chỉ bởi những điều được ông nói ra đã trở thành hiện thực mà còn bởi cái thái độ và cái tâm của ông đối với đất nước. 

Tiểu sử Alan Phan (Nguồn: http://www.gocnhinalan.com/tieu-su-cua-alan-phan). 

Có một đặc điểm rất dễ nhận ra của những học giả Việt, các chuyên gia trong nước là họ có thừa trí tuệ, có thừa kinh nghiệm và không thua kém là mấy so với số chuyên gia mà Nhà nước phải bỏ ra một đống tiền để thuê mướn; song dường như sự đóng góp của họ đối với đất nước lại quá khiêm tốn, nếu không nói là quá nhỏ bé? Về nguyên nhân thì có lẽ không ít người đã rõ và sự nhập nhằng giữa vai trò của một người làm khoa học chân chính và một nhà chính trị 'nửa mùa" ở các cá nhân này đã biến các sản phẩm họ tạo ra hết sức kệch cỡm và vô giá trị, được xem là nguyên nhân chính lí giải tại sao cái tài của họ rất ít khi được sử dụng, thậm chí không sử dụng còn hay hơn! 


Chúng ta phải thừa nhận rằng tài năng của những con người như thế là có thừa nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ. Họ đã bị chi phối bởi những điều mà lẽ ra một khoa học gia không nên vướng bận: Chính trị hóa các vấn đề thuộc về khoa học. Và từ chỗ mang một tâm thế như thế nên đồng hành với những sáng kiến, giải pháp của họ cho thực tiễn là những sự lên án, cao hơn là sự thóa mạ nhà nước; họ yêu cầu Nhà nước phải làm thế này, thế kia để những sản phẩm của họ dễ dàng ứng dụng và thành công trong thực tiễn nhưng khi nó chưa được thực hiện thì họ nhanh chóng nản và đổ lỗi đó là thuộc về vấn đề bản chất. Rất nhiều tài năng Việt đã kết thúc sự nghiệp của mình chỉ bởi những thói tức tối vô lối và sự thiếu kiên nhẫn - một yếu tố hàng đầu của người làm khoa học, người tạo ra cái mới. 


Đó cũng là lí do lí giải làm sao rất nhiều người khi ra nước ngoài hoặc trong một cuộc trà dư, tửu hậu đã không tiếc lời lên án cơ chế đãi người hiền - tài trong nước mà quên đi mất soi xét lại mình. 


Ở Tiến sĩ Alan Phan không như thế. Ông là một doanh nhân, một người đã từng làm ăn tại những thị trường được cho là khắt khe và khó chịu nhất hành tinh. Vậy nên, điều mà ông hơn những vị học giả, nhà khoa học nóng nảy ở trên là thái độ ứng xử trước một vấn đề. Và thay vì tức giận, chán chường và bỏ cuộc ngay từ những thời khắc đầu tiên tham gia thì Alan Phan lại chọn sự kiên nhẫn, kiên trì làm những thay đổi những thứ mà không ít người đã bó tay, chào thua. Và từ chỗ được biết đến như một hiện tượng lạ trong nền kinh tế Việt với hai vai trò doanh nhân và một nhà phân tích kinh tế, Tiến sĩ Alan Phan đã thuyết phục được rất nhiều người không những bằng chính thành quả kinh tế của riêng ông mà bởi những gì ông đã chỉ ra cho thiên hạ thấy. 

08 năm gắn bó ở Việt Nam, điều Tiến sĩ Alan Phan làm được không phải là nhỏ. Rất nhiều doanh nhân Việt đã trở nên thành công vì thực hiện theo những điều ông nói và nếu ai đó thường xuyên theo dõi Fanpage Goc Nhin Alan hẳn đều thấy những điều ông chia sẻ đều được đông đảo người theo dõi để thực hiện. Và trong con mắt của chính quyền thể hiện rõ sự thiện cảm đối với cá nhân con người này, báo chí Việt cũng đã dành tặng ông những lời khen ngợi chân thành sau khi có thông tin ông đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu và rất khó có thể tỉnh lại. 


R.I.P Tiến sĩ Alan Phan chúng ta sẽ mãi nhớ về một nhân cách Việt dù xa quê hương nhưng không quên trách nhiệm. Nhớ về một con người đã dạy cho đám trí thức Việt thừa trí tuệ thiếu bản lĩnh cách thức chinh phục Nhà cầm quyền và tất nhiên ở đó không có chỗ cho thói nóng nảy, sự vị kỷ, hẹp hòi và cả những toan tính không đáng có. 

No comments: