2015/10/29

MẤY CÂU HỎI GỬI CÁC ĐẠI BIỂU ỦNG HỘ LẬP "KHU NHẠY CẢM"


“Khu nhạy cảm” hay “mại dâm” cũng chỉ là cách dùng từ

Nguyễn Anh Đức (làm việc tại Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội)

Trước luồng quan điểm ủng hộ có khá nhiều “ý” được đưa ra trong khi những quan điểm phản bác chỉ xoay quanh yếu tố đạo đức, thuần phong mĩ tục (vốn không thể thuyết phục). Tác giả bài viết này xin nêu ra một số quan điểm phân tích từ khía cạnh pháp lý như sau[1]:

- Thứ nhất, nếu nói rằng: "Ở ta không muốn công nhận, không thích công nhận nhưng thực tế lan tràn khắp nơi và bất lực không thể ngăn chặn được, hiện trạng ngày càng tăng". Với cách lập luận như vậy, chúng ta buộc phải liên tưởng đến những “thực trạng xã hội đang lan tràn khắp nơi” và “thuộc về bản chất của xã hội” như ma túy, buôn lậu, giết người, tham nhũng - lãng phí, chạy chức quyền, nhẹ hơn là học gạo - học vì điểm, cũng đang hoành hành và chưa có biện pháp giải quyết phù hợp ở Việt Nam. Điều đó, theo cách suy nghĩ của các đại biểu ủng hộ lập khu nhạy cảm, thì cũng nên và cần phải lập những “khu” riêng dành cho các hoạt động đã nêu trên. Lúc đó ta sẽ có phố buôn lậu, phố làm hàng giả - nhái, phố dành riêng cho các cán bộ tham nhũng, nhận hối lộ,…..Đây là áp dụng nguyên tắc bình đẳng cho “các hiện tượng xã hội thực tế”.

- Thứ hai, cho rằng: "Những người trực tiếp hành nghề không được bảo vệ, bị các ma cô, đầu gấu bắt nạt, ức hiếp, không được bảo vệ sức khoẻ từ đó ảnh hưởng sức khoẻ cộng đồng vì không có giám sát". Ở đây cần đặt ra câu hỏi: Sau khi lập khu thì những người được gọi là “ma cô”, “đầu gấu” sẽ trở thành thất nghiệp được chăng?, "hợp pháp" - một ngôn từ mĩ miều được dùng để dành cho lợi ích của các cô gái hay cho "ma cô, đầu gấu" thành "nhân viên kinh doanh"? Và bảo vệ sức khỏe của các cô gái hành nghề sẽ được thực hiện đến đâu, khi xét về mặt sinh lý, đã qua hết cái thời “đỉnh cao phong độ” lúc mới còn ở tuổi “ba mươi mấy”. Điều chắc chắn là ngành nghề nào cũng có “hạn sử dụng”, và có thể lập luận rằng sau khi nghỉ lao động thì phải được hưởng các trợ cấp xã hội, như bảo hiểm chẳng hạn. Nhưng câu chuyện sẽ khác giữa những lao động cống hiến đến năm 55, 60 tuổi với những lao động chỉ có thể cống hiến (bằng nghề chính) đến những năm ở tuổi đời chưa tròn bốn mươi chứ?

- Thứ ba, lại nói: "Việt Nam đã chấp nhận nhà nước pháp quyền, chấp nhận hội nhập, chấp nhận đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận có khu phố riêng để quản lý các hoạt động nhạy cảm. Nhiều nước trên thế giới đã làm, ngay như Cuba cũng đã áp dụng". Phải rồi, nếu cứ áp dụng “văn minh” một cách rập khuôn như thế, thì hãy tiếp tục vận động để củng cố gia tăng khoảng cách giàu nghèo đi, chấp nhận tư hữu tài nguyên đi,…. Đều có ở các quốc gia “văn minh” cả đó mà. Văn minh là khái niệm bao gồm cả tệ nạn xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm con người sao? Ở một xã hội được gọi là văn minh mà lại có chuyện con người có thể kinh doanh trên xác thịt (không phải “sức lao động” vốn cũng được ví như xương máu) của người khác hay sao?

- Thứ tư, nói: “Nếu cán bộ công chức "mon men" đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề”. Vấn đề ở đây được hiểu là gì? Chỉ lo người dân không biết mới bị lộ chứ cán bộ công “ngu” gì lại đường hoàng đi vào đó cho để bị tóm đây? Chẳng phải chỉ cần 1 cuộc điện thoại là đã được chăm tận răng rồi sao. Hơn nữa, liệu có phân biệt được cán bộ công chức “mon men” đến để “quản lý, kiểm tra, giám sát” hay vào để dùng dịch vụ? Hay lại cũng không cho cả cán bộ dùng dịch vụ được cung cấp "bình đẳng cho mọi người bình đẳng"?

- Thứ năm, lại nói: “Giờ chưa công nhận, công khai thì hãy nên cho vào một cụm thí điểm để quản lý. Đầu tiên là quản lý về người bán, người mua, kiểm soát y tế, lâu dài nếu trở thành ngành công nghiệp thì có thể thu thuế. Việc công khai theo tôi có cái lợi nữa là những người đến sẽ giảm đi thay vì cứ “dấm dúi” như bây giờ”. Ơ kìa, mở ra "kinh doanh" mà lại khiến "những người đến" (khách hàng) sẽ giảm đi thì ai nào dám "kinh doanh" đây? Điều chắc chắn là khi đã được “cho phép kinh doanh” thì các cơ sở đó phải tìm mọi cách để duy trì và phát huy quy mô hoạt động. Và cái cách gọi là "lập khu để quản lý" thì có vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động kinh doanh không? Khi mà Hiến pháp và pháp luật đều đã định rõ “mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.[2]

- Thứ sáu, nếu lập được “đặc khu” thì đương nhiên không chỉ dành cho nữ giới được tham gia hoạt động mà buộc phải chấp nhận cả nam giới hành nghề. Các đại diện nam đã ủng hộ cho nữ giới hành nghề đương nhiên phải chấp nhận cho nam giới hành nghề. Hay nói cách khác, đàn ông nào có mong muốn tìm đến những “đặc khu” này để thư giãn thì cũng phải chấp nhận cho “những người phụ nữ quanh họ” được sử dụng những dịch vụ như vậy.
__________________

[1] Các ý kiến trích dẫn trong bài viết này được lấy từ bài viết của báo VietnamNet đăng ý kiến của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa và ĐBQH Bùi Thị An, xem tại: 

VietnamNet, Công khai phố nhạy cảm để cán bộ không mon men, http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/269781/pho-nhay-cam--cong-khai-de-can-bo-khong-mon-men.html (truy cập ngày 27/10/2015) 

[2] Điều 33 Hiến pháp 2013

No comments: