2018/10/01

RFA sao phải 'lập lờ đánh lận con đen' ?

Tindautruongdanchu - Vào ngày 27/9/2018 trên trang tin Đài Châu Á Tự Do có bài viết “kiên định CNXH: Chỉ còn là chiếc áo khoác cho quyền lực của 1 chế độ” của tác giả Cát Linh với cách nêu vấn đề theo cách trắng đen lẫn lộn, chụp mũ và định hướng góc nhìn của độc giả theo mục đích chống phá Cách mạng Việt Nam.

RFA sao phải 'lập lờ đánh lận con đen' ?

Trong bài viết dài 1625 từ của mình, tác giả đã nhắc đến 8 lần cụm từ “kiên định Chủ nghĩa Xã hội”với ngôn từ mang tính trào phúng, mỉa mai. Tác giả Cát Linh đã phân tích sự kiên định của toàn Đảng, toàn dân ta theo 3 khía cạnh: Sự kiên định được hiểu là sự bảo thủ trì trệ ; Sự kiên định chỉ còn ý nghĩa ở quyền lực và sự kiên định còn được hiểu là nguyên nhân cho việc “nơi nào còn CNXH, nơi đó nghèo nàn lạc hậu”. Vậy những góc nhìn phiến diện có chủ đích của tác giả và sự thật có trùng lặp hay không thì độc giả có nhìn nhận cụ thể qua từng khía cạnh này:

Đầu tiên, sự “kiên định” và “bảo thủ” khác nhau ở chỗ nào? Kiên định tức là ta kiên trì, không hề dao động trước trở ngại trong lúc đang theo đuổi mục đích của mình. Ngược lại, cố chấp là khi ta cứ tiến hành mọi việc theo hướng mà ta biết chắc sẽ dẫn đến một kết cục bế tắc.” Như vậy lằn ranh của sự khác biệt này nằm ở mục tiêu có thực sự thực tế hay không. Còn thực tiễn ra sao? Bằng cách xây dựng mục tiêu trong từng giai đoạn, Đảng và Nhà nước đã xây dựng các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể, điều chỉnh theo từng giai đoạn cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam và trong khu vực và toàn thế giới. Cụ thể, Đảng ta đã xây dựng Cương lĩnh năm 1991 xác định xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội gồm 6 đặc trưng. Đến thời kỳ trước đổi mới, nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta phác thảo ban đầu trong các văn kiện Đại hội từ năm 1954 đến năm 1986. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1986 đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa. Đến Đại hội X, tổng kết hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta đã có nhận thức mới sâu sắc hơn về bản chất, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội. Đại hội X xác định, xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng gồm 8 đặc trưng cơ bản. Và trong các kỳ Đại hội tiếp theo, Đảng ta đã không ngừng điều chỉnh, bổ sung, làm rõ hơn các mục tiêu để gắn sát với thực tiễn xã hội. Có thể thấy sự kiên định CNXH mà toàn Đảng, toàn dân ta đang kiên trì phấn đấu hoàn toàn không phải là sự cố chấp, mù quáng đi theo một mục đích không khả thi, bất chấp tất cả hiện thực khách quan để làm bằng được như tác giả Cát Linh đã chụp mũ. Với dẫn chứng của tác giả là lời bình của Giáo sư Nguyễn Đình Cống và blogger Nguyễn Tường Thuỵ thì hoàn toàn không có cơ sở khách quan để khẳng định quan điểm của mình là đúng, vì đây chỉ là ý kiến chủ quan của cá nhân người phát biểu.

Vấn đề thứ hai mà tác giả đưa ra là sự kiên định CNXH được hiểu là sự cố gắng bảo vệ quyền lực của Đảng và quyền lợi của đảng viên. Như cách hiểu hoặc là cách định hướng cho độc giả hiểu của tác giả, thì quyền lực mà Đảng ta đang bảo vệ là quyền lực tuyệt đối, quyền được hưởng thụ đặc quyền cao hơn mà quần chúng nhân dân không có được. Như vậy những gì tác giả đang nói là hoàn toàn trái với hiến pháp. Trong điều 4, Hiến pháp năm 2013 có khẳng định rõ: Quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị, là quyền lực của một tổ chức chính trị “đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”, là “Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”. Như vậy quyền lực và quyền lợi mà Đảng ta đang bảo vệ không phải là lợi ích của một nhóm người, mà là của cả giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Tính đến hết tháng 12/2017, cả nước có 56.329 tổ chức cơ sở đảng, trong đó, 25.483 đảng bộ cơ sở và 30.836 chi bộ cơ sở. Năm 2017 kết nạp mới 207.279 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng lên hơn 4,9 triệu đảng viên. Với số lượng đảng viên như vậy, cùng với mối quan hệ gia đình, họ hàng của các đảng viên thì số lượng “lợi ích nhóm” như tác giả định hướng phải lên tới vài chục triệu người - chiếm vài chục phần trăm dân số nước ta. Như vậy thì luận điệu mà tác giả nêu ra hoàn hoàn toàn phi lý và không thực tế.

Vấn đề thứ ba là về kinh tế: “Nơi nào còn CNXH, nơi đó nghèo nàn lạc hậu” hay nói cách khác theo ý tác giả là sự kiên định CNXH chỉ dẫn tới đói nghèo và lạc hậu. Vậy chỉ cần nhìn vào những thành tựu kinh tế trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng chính là sự phản biện rõ nét nhất đối với quan điểm phản Cách mạng của tác giả. Việt Nam được đánh giá là một trong những trường hợp chuyển đổi kinh tế - xã hội thành công nhất trên thế giới trong mấy thập niên vừa qua. Sau hơn 30 năm, từ một nước đói nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, với sự trói buộc mấy nghìn năm của di sản kém phát triển, Việt Nam đã vươn lên thành nước thu nhập trung bình. Đây là thành tích rất đáng kể và ấn tượng. Trong thành tích đó, phải nhấn mạnh “kỳ tích” xóa đói giảm nghèo. Thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam thật sự đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi tỷ lệ người nghèo từ hơn 80% dân số, sau 30 năm giảm xuống còn khoảng 6%. Hơn 60 triệu người đã thoát nghèo. Bên cạnh đó về sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chúng ta đã thực hiện phổ cập giáo dục cấp Tiểu học và THCS theo tiêu chí quốc tế. Ngành Giáo dục đã thực hiện được khẩu hiệu “Đại trà và mũi nhọn”. Theo đó, nước ta đã thực hiện được phổ cập giáo dục và đào tạo thế hệ học sinh giỏi tham gia các kỳ thi Học sinh giỏi quốc tế, mang về nhiều huy chương cho đất nước. Hệ thống trường chuyên (từ chỗ chỉ có 6 trường chuyên thì đến nay đã có ở tất cả 63 tỉnh, thành)… như vậy sự “nghèo nàn và lạc hậu” mà tác giả đề cập đến là nằm ở việc so sánh đất nước ta vươn mình trỗi dậy sau sự tàn phá khủng khiếp của chiến tranh và với các quốc gia phát triển trong hòa bình cách chúng ta hàng trăm năm hoặc hơn thế? 

Qua việc nhìn nhận từng quan điểm của tác giả bài viết, có thể khẳng định chắc chắn rằng Cát Linh hoàn toàn không đủ lý lẽ và thực tiễn để chứng minh những gì viết trong bài “kiên định CNXH: Chỉ còn là chiếc áo khoác cho quyền lực của 1 chế độ” là đúng. Đây hoàn toàn là một bài viết mang tính chất tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước và con đường sự nghiệp Cách mạng của ta. Để không mắc bẫy và đập tan âm mưu phá hoại của các cá nhân, tổ chức phản động này, đòi hỏi độc giả phải cảnh giác, xác minh nguồn gốc thông tin cũng như đối chiếu, so sánh với các thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông chính thống. Có như vậy, tất cả nhân dân Việt Nam mới có thể đoàn kết một lòng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kiên định trên con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Khoa Trường

No comments: