2018/10/23

Hôm nay, ngày 22/10/2018, Quốc hội khóa XIV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 tại Hà Nội. Có thể nói, đây là một “kỳ họp lịch sử”.
Sau ngày khai mạc, Quốc hội khởi động quy trình bầu Chủ tịch nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu và công bố kết quả kiểm phiếu chức danh Chủ tịch nước diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều mai (23/10).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước
Việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với mỗi người Việt Nam. Từ ngày năm 11/2/1951 đến ngày 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất năm 1969.
Trong 18 năm đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước bước qua muôn vàn khó khăn, từ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Có thể thấy, hoạt động của Đảng ta, Nhà nước ta trong thời gian đó hết sức mạnh mẽ và tốt đẹp.
Sự kiện tháng 2/1951 lại được tiếp nối, tái hiện trong Hội nghị TƯ 8 khóa XII vừa diễn ra đầu tháng 10/2018. Đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua.
Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được TƯ giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, kỳ vọng của Đảng, của nhân dân mà còn ghi nhận sự trưởng thành của Đảng trước trọng trách lãnh đạo dẫn dắt đất nước bước sang thời kỳ mới của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ. Đó cũng là tiếng vọng của lịch sử, là thách thức của lịch sử tương lai. Nói một cách khái quát, lịch sử đã lựa chọn, nhân dân đã lựa chọn.
Đó cũng là sự phù hợp với xu thế chính trị của thời đại, là phương lược chính trị của nhiều quốc gia xung quanh, đáp ứng sự vận động hết sức nhanh và mạnh của một thế giới phẳng.
Kỳ họp cũng sẽ xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT mới. Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. 
Kỳ họp Quốc hội lần này còn có nhiều nội dung quan trọng khác, trong đó có hoạt động lập pháp. Các công cụ quản trị quốc gia, bảo vệ và phát triển dân tộc cũng chưa bao giờ như bây giờ và tiếp tục được hoàn thiện nhằm kiến tạo hệ thống pháp luật phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, hội nhập quốc tế... Những điều kiện đó bảo đảm cho chúng ta quản trị quốc gia một cách minh bạch, phù hợp và văn minh với pháp lý và thông lệ quốc tế.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước sẽ tiếp tục được thể hiện trong kỳ họp này, với những cách làm mới, tiếp tục tinh thần dân chủ và thực chất hơn. Cử tri có quyền yêu cầu và hy vọng. 
Ngô Đức Hành (Pháp luật Việt Nam)

No comments: