2018/10/06

Ông James G. Zumwalt xuyên tạc bịa đặt về Gạc Ma trên báo Mỹ (phần 2)

Gần đây, ông James G. Zumwalt (người đã đại diện cho Nhà xuất bản Fortis, Florida (Mỹ) sang Việt Nam ký mua bản quyền bản tiếng Anh của cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” về phát hành tại Mỹ và một số nước trên thế giới) có bài viết dưới tiêu đề “Zumwalt: Turns of Silence About a Massacre in the South China Sea” – tạm dịch “Sự im lặng về một vụ thảm sát trên Biển Đông” đăng trên báo Mỹ Breitbart tại địa chỉ https://www.breitbart.com/…/zumwalt-turns-of-silence-about…/

Thật tiếc, ông James G. Zumwalt không còn xa lạ với giới viết lách ở Việt Nam nhưng lần này, tham gia vào cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, ông đã thể hiện quan điểm lệch lạc, thậm chí là xuyên tạc bịa đặt, ăn đứng dựng ngược ngay trên báo chí Mỹ. Điều tai hại này đã mang đến cho bạn đọc Mỹ một cái nhìn méo mó về SỰ THẬT LỊCH SỬ cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo của Nhân dân Việt Nam.
Sáng 17/3/1988, tại trung tâm TP. Nha Trang, quân và dân tỉnh Phú Khánh long trọng tổ chức Lễ truy điệu các liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa trong sự kiện 14/3/1988. 
(Ảnh tư liệu của CCB Lê Bá Dương, nick Dương Lê Bá, nguyên là sĩ quan tăng cường về làm cán bộ tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Khánh, nay là phóng viên báo Văn hóa thường trú tại Nha Trang).
Ngay đoạn mở đầu bài báo, tác giả viết “Three decades ago, one of the twentieth century’s most flagrant atrocities took place. Strangely, offender and victim both remained silent.
Twenty-six years later, when the former “quietly” taunted the latter about the massacre, the victim, again, kept silent. However, this month, the victim – Vietnam – finally chose to speak out at a July 10th nationally-covered press conference announcing the release of a book detailing the incident. The one now choosing to remain silent may well be the offender: China”.
Tạm dịch “Đúng ba thập kỷ trước, một trong những tội ác tàn bạo nhất của thế kỉ XX đã xảy ra. Kỳ lạ thay – cả hung thủ và nạn nhân đều im lặng. Hai mươi bốn năm sau đó, khi những kẻ chủ mưu giết người lên giọng công khai sự việc đó bằng lời lẽ cao ngạo, thì các nạn nhân lại một lần nữa im lặng. Tuy vậy, vào tháng 7/2018, những người bị hại – Việt Nam – cuối cùng cũng chọn cách chính thức nói ra sự thật bằng việc cấp phép xuất bản một cuốn sách (Gạc Ma – Vòng tròn bất tử, First News Trí Việt – ND) kể lại rất chi tiết vụ thảm sát. Điều thú vị là lần này, hung thủ – Trung Quốc, lại chọn cách giữ im lặng”.
Nếu theo những gì ông James G. Zumwalt viết thì hóa ra năm 1988 và những năm sau này, suốt 30 năm ròng Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã bỏ quên xương máu của 64 Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh anh dũng để bảo vệ mảnh đất của tiền nhân ư? Phải chờ đến nhóm làm sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” và ông người Mỹ James G. Zumwalt lên tiếng thì những liệt sĩ này mới được vinh danh ư?
Chúng tôi xin hỏi tác giả James G. Zumwalt, nếu Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã “lãng quên” xương máu của 64 Anh hùng Liệt sĩ Gạc Ma thì ai đã tổ chức Lễ truy điệu trọng thể các liệt sĩ tại trung tâm TP. Nha Trang chỉ ít ngày sau sự kiện 14/3/1988?
Nếu Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đã bỏ quên xương máu của 64 Anh hùng Liệt sĩ Gạc Ma thì ai, cơ quan tổ chức nào đã phong tặng và truy tặng cho họ Danh hiệu cao quý – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 6/1/1989, chưa đầy 1 năm sau sự kiện 14/3/1988?
Rõ ràng tác giả James G. Zumwalt đã không thể có tư duy độc lập của một người làm khoa học. Ông James G. Zumwalt đã để ngòi bút của mình viết trên báo Mỹ đơn giản chỉ là “nhai lại” luận điệu xuyên tạc bịa đặt của nhóm những người viết sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Bản thân ông người Mỹ James G. Zumwalt này cũng góp phần xuyên tạc bịa đặt ngay trong cuốn sách độc hại “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” bằng 1 bài viết dưới tiêu đề “Vụ thảm sát – THẾ GIỚI CHƯA TỪNG BIẾT ĐẾN!”.

Chính ông Nguyễn Văn Phước – Giám đốc Công ty Trí Việt từng công bố Lá thư mà họ gọi là của chị Trung úy Trần Thị Thủy – người con duy nhất của Anh hùng Liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương, trong đó có những đoạn xuyên tạc bịa đặt trắng trợn mà người bình thường không ai có thể tin được đây là lời của một sĩ quan Hải quân Việt Nam đang tại ngũ! Xin trích “Trong những năm trước, có thể nói nhắc đến sự kiện 14/3/1988 là điều không thể, như bị ngăn cấm, như sợ bị ảnh hưởng đến quan hệ “quốc gia láng giềng tốt đẹp” giữa mình và một đất nước đã đang tâm cướp đi bao sinh mạng, bao người thân yêu của chúng con. Với tư cách là một người con mất cha, con cảm thấy rất căm thù kẻ thù, lòng căm hận sôi sục nhưng tại sao lại không được bày tỏ, tại sao lại không được nhắc đến và tại sao chúng ta lại phải giấu diếm cho tội ác tày trời của chúng”.
Nếu theo những lời lẽ trên thì dường như nhờ có ông Nguyễn Văn Phước thì chị Trần Thị Thủy và những người vợ, người con của Liệt sĩ Gạc Ma mới được “LẦN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC KHÓC CHA CÔNG KHAI”!?
Xin hỏi ông Nguyễn Văn Phước: Ai, cơ quan, tổ chức nào ngăn cấm chị Thủy khóc cha?
Vậy tại sao những người con của Liệt sĩ Gạc Ma khác “được” khóc công khai người cha của mình, ví dụ chị Trần Thị Thu Hà, con gái Liệt sĩ Trần Đức Thông?
Chính ông Lê Mã Lương và Nguyễn Văn Phước nhiều lần nói rằng cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” của họ là nén “tâm nhang” để tri ân các Liệt sĩ Gạc Ma. Thế nhưng, những lời nói đó chỉ có thể lừa dối những ai chưa đọc cuốn sách này. Vì chưa đọc sách nên những người này chưa biết rằng tác giả cuốn sách đã nhạo báng hình tượng người chiến sĩ Hải quân Việt Nam ra sao! Trong cuốn sách dị tật độc hại “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”, bộ đội Hải quân Việt Nam được miêu tả yếu về bản lĩnh chính trị, tâm lý, ý chí và tinh thần chiến đấu như: “Lê Hữu Thảo e ngại, nếu xảy ra tranh chấp giành cờ thì ta sẽ thiệt hại nặng (trang 36); “Trương Văn Hiền nghĩ, đời mình đến đây là hết”. Câu nói nổi tiếng của Liệt sĩ Trần Văn Phương trước lúc hy sinh mà ai ai cũng biết, đã được ghi trong cuốn lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1995-2015): “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ quân chủng Hải quân anh hùng”, nay trong sách được thay bằng “Cứu tôi với” (trang 42).
Trong sách có đoạn “… sự hy sinh của 64 chiến sĩ, sự đổ máu của chúng tôi có thể nói là OAN UỔNG!”
Trong khi đó, mọi người rất dễ kiểm chứng nếu chỉ bằng một cái nhấp chuột từ khóa “Lê Hữu Thảo” thì sẽ ra hàng lô xích xông các bài báo về CCB Lê Hữu Thảo! Chẳng lẽ có ai đó cấm CCB Trương Văn Hiền và lại “thả phanh” cho ông Lê Hữu Thảo thao thao bất tuyệt bao nhiêu năm qua?
Ai bắt Cựu binh Trương Văn Hiền phải “Im lặng” vậy?

Tác giả sách dùng từ “tẩu thoát” để mô tả các chiến sĩ ta trên tàu HQ-604. Tại trang 49, dòng 20 có đoạn “Thời điểm đó, trong cabin tàu có nhiều chiến sĩ đang làm nhiệm vụ chưa kịp tẩu thoát thì đã hứng chịu loạt đạn pháo từ tàu Trung Quốc…”.
Tất cả các loại từ điển đều cho thấy nghĩa của từ “tẩu thoát” là chuồn, bỏ trốn, bôn tẩu, bỏ chạy… Đây dứt khoát không phải là hình tượng “Bộ đội Cụ Hồ”!
Trước sự xuyên tạc bịa đặt của tác giả cuốn sách về Hình tượng người chiến sĩ Hải quân Việt Nam như trên, mới đây, Thượng tướng Võ Tiến Trung (nick Trung Vo) có Thư ngỏ gửi chị Trần Thị Thủy như sau:
“Gửi cháu Trần Thị Thủy con gái của Anh hùng LLVT Trần Văn Phương, người đã hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.
Cháu Thủy thân mến! Bố cháu được cả nước, nhất là thanh niên học tập, Nhà nước tôn vinh, tuyên dương Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vì khi bị quân TQ bắn bị thương nhưng bố cháu vẫn kiên cường giữ vững lá cờ Tổ quốc trong tay và có câu nói nổi tiếng trước lúc hy sinh “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.
Nay dưới ngòi bút của ông Lê Mã Lương câu nói bất hủ của bố cháu như trên đổi thành “Hãy cứu tôi với!”.
Bác hỏi cháu với hai hình ảnh của bố cháu như vậy cháu chọn hình ảnh nào là hình ảnh thật của người bố mà cháu đã tự hào? Bác nhiều lần đi ngang qua Gạc Ma để thả những lẵng hoa tưởng nhớ các liệt sĩ Gạc Ma. Bác nhờ cháu thắp hộ bác nén tâm nhang cho bố cháu và nói với bố Phương rằng các bác đang đấu tranh để bảo vệ danh dự cho bố cháu, bảo vệ danh dự cho 64 liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma.
Chào cháu, chúc cháu và gia đình sức khỏe, và mãi mãi xứng đáng là con gái của một anh hùng cháu nhé!
Bác – Võ Tiến Trung”
Còn chúng tôi, Nhóm Google.tienlang, xin nói với ông người Mỹ James G. Zumwalt một SỰ THẬT rằng chẳng cần ông cùng tác giả cuốn sách dị tật “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” này lên tiếng thì xưa nay, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam chưa bao giờ quên lãng 64 Liệt sĩ Gạc Ma. Chính chị Trần Thị Thủy, cũng như rất nhiều người con của các Liệt sĩ Gạc Ma khác, được Quân đội lựa chọn, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, trở thành những sĩ quan Hải quân như hiện nay.
Tên tuổi, hình ảnh 64 Liệt sĩ Gạc Ma được tô đậm trên Bảng vàng truyền thống của Quân chủng Hải quân, của các Vùng Hải quân Việt Nam, được khắc đầy đủ trên bia đá tại Khu tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Gạc Ma tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, được đăng trang trọng trên rất nhiều tờ báo, được Đài Truyền hình Việt Nam – VTV và nhiều đài PTTH địa phương dựng thành nhiều phim tài liệu. Xem phim tài liệu “VTV – Lời nhắn từ đảo Gạc Ma”.
Lễ Thả hoa trên biển tri ân Liệt sĩ Gạc Ma tại Cam Ranh.
Từ rất lâu rồi, hằng năm, mỗi dịp 14/3 về, Lễ thả hoa trên biển tưởng nhớ 64 Liệt sĩ Gạc Ma đã trở thành ngày Lễ truyền thống của Quân chủng Hải quân cùng Nhân dân Việt Nam. Xem video clip dưới.
Bức xúc trước sự xuyên tạc bịa đặt của tác giả cuốn sách khiến một cư dân mạng quê lúa Thái Bình là anh Tạ Thắng, nick Thang Ta đã đến tận nhà một trong những liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma ngày 14/3/1988 để quay một video clip.
Đó là Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân – Trung tá Trần Đức Thông. Khi hy sinh, ông Trần Đức Thông là Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, là người tổng chỉ huy các đơn vị Hải quân Việt Nam (cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh, Đoàn đo đạc biên vẽ bản đồ và một số cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 Hải quân) tại mặt trận trong sự kiện Gạc Ma. Từ thông tin của anh Tạ Thắng, chúng ta biết thêm, tên của người Anh hùng Trần Đức Thông từ lâu đã được đặt cho một con phố lớn tại quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng.
Ở quê hương ông Trần Đức Thông – xã Minh Hòa (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), Nhà nước và Nhân dân đã xây dựng Nhà tưởng niệm Anh hùng Trần Đức Thông từ nhiều năm trước.
Ở đây có 3 trường học là Trường Mẫu giáo, Trường Tiểu học và Trường Trung học Cơ sở được vinh dự mang tên Người Anh hùng Trần Đức Thông.
Người Anh hùng Gạc Ma Trần Đức Thông đã đi vào bài hát truyền thống của Trường Trung học Cơ sở.
Trên báo Thái Bình, những người thân của Liệt sĩ Trần Đức Thông cho biết như sau:
Ông Trần Trọng Kim, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10:
“Anh tôi – Anh hùng Liệt sĩ Trần Đức Thông đã có 11 năm công tác nơi đầu sóng ngọn gió, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Noi gương Anh hùng Liệt sĩ Trần Đức Thông, chúng tôi cùng các con các cháu trong dòng họ luôn cố gắng học tập, rèn luyện, công tác tốt, đặc biệt luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cố gắng phấn đấu góp phần nhỏ bé đưa đất nước phát triển, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước”.
Ông Hoàng Văn Bảy, cán bộ văn hóa xã Minh Hòa:
“Vào những dịp đặc biệt như kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, UBND xã Minh Hòa luôn tạo mọi điều kiện để các em học sinh, các tầng lớp nhân dân tới thăm viếng, tri ân công lao của những người anh hùng như Liệt sĩ Trần Đức Thông. Trước tấm gương hy sinh anh dũng vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, cán bộ và nhân dân Minh Hòa luôn phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển, trong đó có việc xã đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới trước kế hoạch 1 năm”.
Ông Trần Văn Nhiễu, anh họ Anh hùng Liệt sĩ Trần Đức Thông:
“Các phong trào, hoạt động của địa phương như khuyến học, từ thiện, xây nhà tình nghĩa… đều được các thành viên trong dòng họ Trần xã Minh Hòa nhiệt tình hưởng ứng, tích cực góp công, góp sức. Vào những dịp như ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7 hay ngày giỗ Liệt sĩ Trần Đức Thông, các trường học, các đoàn thể trong xã, trong huyện đều tới thắp hương tưởng nhớ gương hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Trần Đức Thông, qua đó động viên, khích lệ con cháu trong dòng họ chúng tôi cần cố gắng nhiều hơn nữa”.
(Còn nữa)
Lê Hương Lan
& Tập Thể Nhóm Google.tienlang
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 518

No comments: