Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ 4T) đã công bố quyết định xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với 50 cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng quy định.
Theo quyết định của Bộ 4T, Báo Thanh Niên được xác định là cơ quan báo chí có bằng chứng nhận hỗ trợ quảng cáo, chuẩn bị tuyến bài, nội dung thông tin để thông tin có chủ đích; đã tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và công bố kết quả không chính xác, đồng thời đã tổ chức thông tin trên báo chí gồm 06 bài có nội dung thông tin sai sự thật đặc biệt nghiêm trọng. Với những sai phạm trên, báo Thanh Niên bị xử phạt mức tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí là 200 triệu đồng.
08 cơ quan báo chí khác đăng tải kết quả công bố của báo Thanh niên và Vinastas, thông tin sai sự thật có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính, xin lỗi bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Cụ thể: Báo điện tử Người tiêu dùng bị phạt 50 triệu đồng, Báo điện tử Hà Nội mới, Báo điện tử Đại đoàn kết, Báo điện tử Người đưa tin, Báo điện tử Dân Việt, Báo điện tử Dân sinh, Báo điện tử Infonet bị phạt 45 triệu đồng; Tạp chí điện tử Thực phẩm chức năng bị phạt 40 triệu đồng.
Đối với 41 cơ quan báo chí khác chỉ đăng thông tin về 1 kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên hoặc Vinastas, đã thông tin theo kết quả công bố sai sự thật có gỡ bài nhưng đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính chưa thực hiện cải chính xin lỗi bị xử phạt ở mức từ 10-15 triệu đồng.
Ngoài việc xử phạt hành chính, Bộ 4T cũng yêu cầu các cơ quan báo chí xin lỗi và cải chính thông tin. Ngoài ra, phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân trong đơn vị.Khi có kết quả xử lý kỷ luật của các cơ quan chủ quản, Bộ sẽ xem xét xử lý các cá nhân theo quy định của Luật báo chí.
Bộ 4T cũng cho biết, sau khi báoThanh niên đăng bài “Làm gì để nước mắm Việt vươn ra thế giới? Cẩn trọng với hàm lượng thạch tín” vào ngày 12/10, trong đó đưa ra nhận định, nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỷ lệ nhiễm thạch tín càng cao và công bố kết quả: “80/106 mẫu vượt ngưỡng thạch tín” cho đến khi các cơ quan chức năng phát hiện được những sai phạm trong việc đưa tin, đã có 50 cơ quan báo chí cho đăng gần 560 tin, bài (170 tin, bài công bố kết quả khảo sát có nội dung sai sự thật từ báo Thanh niên và Vinastas; 390 tin, bài thông tin kết quả công bố từ Bộ y tế và các cơ quan chức năng). Hậu quả là đã làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người dùng tẩy chay, không đưa được vào các siêu thị; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống càng khó khăn hơn, nhất là vừa mới chịu hậu quả của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người tiêu dùng và việc sản xuất nước mắm truyền thống bao đời nay của người Việt Nam cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Có thể nói việc các cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải những thông tin sai sự thật về nước mắm nhiễm thạch tín (asen) vượt mức quy định đã gây ra những hậu quả đặc biệt to lớn, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, gây thiệt hại đến người dân, nhất là những nơi sản xuất nước mắm truyền thống, gây hoang mang dư luận. Điều đáng nói hơn, việc đăng tải những thông tin sai sự thật này không phải xuất phát từ sự yếu kém trong chuyên môn hay là sự vô tình mà đó lại chính là sự câu kết giữa một số phóng viên, một số cơ quan báo chí với doanh nghiệp nhằm trục lợi. Nguy hiểm hơn khi những thông tin chưa được kiểm chứng này đã được một số cơ quan báo chí đồng loạt đăng tải theo. Điều đó đã gây ra hiệu ứng và sự lan tỏa rất lớn trong xã hội.
Việc Bộ 4T quyết định xử phạt hành chính cùng lúc 50 cơ quan báo chí xung quanh những sai phạm này có thể nói là chưa từng có trong tiền lệ. Tuy nhiên, đó lại là việc làm cần thiết và được dư luận xã hội rất đồng tình. Chưa khi nào báo chí, truyền thông ở Việt Nam lại hoạt động bát nháo như thế này. “Truyền thông bẩn”, “truyền thông bất lương” cũng là những thuật ngữ xuất hiện ngày một nhiều hơn trong thời gian qua. Cần phải dẹp loạn trong hoạt động truyền thông, cần phải chấn chỉnh lại các cơ quan báo chí, đảm bảo cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, đưa thông tin một cách khách quan và trung thực. Với quyết định xử phạt mạnh tay này, Bộ 4T đã chính thức tuyên chiến với “truyền thông bẩn” ở Việt Nam hiện nay.
Việt Nguyễn
No comments:
Post a Comment