2016/06/10

HOẠT ĐỘNG NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH ĐĂNG KÝ, NHÀ BÁO CỦA BBC BỊ RÚT GIẤY PHÉP TÁC NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Với lí do "hoạt động ngoài chương trình báo chí đã được cấp phép", Nhà báo Jonathan Head, phụ trách mảng Đông Nam Á của BBC đã bị rút giấy tác nghiệp ở Việt Nam. Được biết, nhà báo này nhập cảnh vào Việt Nam lần này để đưa tin về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Obama. Thông tin này nhanh chóng được nhiều các cơ quan báo chí nước ngoài và các trang mạng khai thác, đưa tin. 
Nhà báo Jonathan Head (Nguồn: VOA). 
Điều đáng nói, để bênh vực Jonathan Head, một số báo đã dẫn lại lời của ông này sau khi bị tước giấy phép hoạt động khi cho rằng vì “Cán bộ hướng dẫn đi kèm biết chúng tôi khi ấy đang ở một cuộc gặp mặt khác đã được cho phép, nhưng họ không sẵn lòng rút lại lời cáo buộc đó” nên việc cá nhân ông không vi phạm quy định về "hoạt động ngoài chương trình báo chí đã được cấp phép". Và chỉ căn cứ vào mỗi sự phân trần của ông này, các tờ báo dẫn và đăng tin đã cáo buộc Việt Nam không minh bạch trong quá trình tước quyền hoạt động báo chí tại Việt Nam của một nhà báo BBC. Bài “Phóng viên BBC bị rút giấy tác nghiệp ở Việt Nam? - VOA" là một ví dụ về điều này. 
Để làm rõ hơn về điều này, người viết xin được nói rõ thêm về hành động khiến nhà báo của BBC bị tước giấy phép hoạt đồng báo chí tại Việt Nam. 
Theo thông tin từ nhiều nguồn và từ xác nhận của FB Nguyễn Quang A (Tiến sỹ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt), thì trước khi bị tước giấy phép hoạt động, Jonathan Head đã có cuộc gặp với Tiến sỹ Nguyễn Quang A. Và đây là hoàn toàn không phải là hoạt động nằm trong chương trình đăng ký của Nhà báo này với cơ quan ngoại giao và quản lý báo chí tại Việt Nam. 
Đối chiếu sự việc này với quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 5, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về các quy định xử phạt hành chính đối trong hoạt động báo chí, xuất bản: "Hoạt động thông tin báo chí không có giấy phép hoặc không đúng chương trình đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Chế tài đối với hành vi này ngoài chịu mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng, thì người vi phạm còn "tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (Quy định tại Khoản 9, điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm các quy định về xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú và đi lại). 
Về mục đích của chuyến thăm gặp Nguyễn Quang A? 
Ngay trước thềm chuyến thăm Việt Nam, một nhóm nghị sỹ thuộc phái diều hâu của lưỡng viện quốc hội nước này (Thượng viện và Hạ viện) đã đệ trình thỉnh nguyện thư lên Tổng thống Mỹ B. Obama; trong đó các nghị sỹ này đã khuyến cáo và đề nghị Tổng thống đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và gây sức ép cần thiết để giới chức trách Việt Nam thả một số người được gọi dưới danh nghĩa "tù nhân lương tâm"...
Để hậu thuẫn cho chiến dịch này, nhiều cơ quan báo chí nước ngoài đã xin nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích để đưa tin nhưng thực chất là lợi dụng để tiếp cận, thu thập thông tin một chiều từ số đối tượng chống đối trong nước mà Nguyễn Quang A đang được biết đến như một tên đầu lĩnh và "chủ trò". Tuy nhiên, điều chúng ít ngờ nhất là hoạt động của chúng tại Việt Nam đã chịu sự quản lý tương đối chặt chẽ từ các cơ quan hữu trách và nếu không muốn xử lý thì cách duy nhất là tuân thủ lịch  trình đã đăng ký. 
Việc Nhà báo Jonathan Head (phụ trách mảng Đông Nam Á của BBC) thoát khỏi sự quản lý và gặp gỡ với Tiến sỹ Nguyễn Quang A là trường hợp ngoại lệ. Song điều này không đồng nghĩa với việc nhà báo đến từ BBC này không bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam bởi chỉ cần thông qua các bằng chứng khác nhau chứng minh vị nhà báo này không hoạt động theo chương trình đã đăng ký, vắng mặt trong chuỗi hoạt động mà không báo cáo, xin phép (không cần gặp gỡ, làm việc với ai) thì đã đủ để đưa ra quyết định xử lý. 
Mặt khác, theo một thông tin không chính thống từ VOA là BBC không được giới chức Việt Nam cấp giấy phép nhập cảnh vào Việt Nam để đưa thông tin về chuyến thăm của Tổng thống B. Obama. Từ điều này, chúng ta hoàn toàn có thể đặt câu hỏi tại sao Jonathan Head, trên cương vị là Nhà báo phụ trách mảng Đông Nam Á của BBC lại có thể đường đường, chính chính vào Việt Nam hoạt động mà không bị "hạn chế" như thông tin đã nói. Giải thích cho điều này, thì hoặc (1) Jonathan Head đã “khoác áo” một tòa báo khác để lọt vào Việt Nam và cố gắng thực hiện việc làm “ngoài chương trình” đúng với ý đồ nhập cảnh của mình, khi bị phát giác, cãi chày cối xong không thoát tội"? (Theo blog Loa Phường); hoặc (2) quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan quản lý người nước ngoài cũng như quản lý hoạt động tác nghiệp báo chí của người nước ngoài có sự lỏng lẻo và thiếu chặt chẽ khiến Jonathan Head có thể dễ dàng vào mà không bị phát hiện? 
Vậy nhưng, tôi vẫn nghiêng về giả thuyết thứ (1) bởi nếu không thì Jonathan Head sẽ không cố công cãi cho bằng được để hòng thoát tội như đã nói ở trên. 
Như vậy, việc Jonathan Head bị xử lý là hoàn toàn thích đáng. Và thiết nghĩ rằng, sự việc xảy đến với Jonathan Head là một bài học quý cho không chỉ giới chức hữu trách tại Việt Nam mà còn đối với bất cứ nhà báo quốc tế nào vào Việt Nam hoạt động nếu không muốn đó là chuyến vào Việt Nam cuối cùng! 
An Chiến

No comments: