Nếu như Phạm Chí Dũng nhắm vào Bộ trưởng Bộ Thông tin & truyền thông Trương Minh Tuấn hòng hạ bệ vừa qua (Xem thêm: Tại đây) thì Bùi Thanh Hiếu lại nhắm vào một vị Bộ trưởng khác trong cuộc hạ bệ mới được biết đến này: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong một bài viết mới có tên "Tô Lâm thất thế, bộ công an rối bời".
PHẦN I: CÓ HAY KHÔNG VIỆC CHỦ TỊCH NƯỚC TRẦN ĐẠI QUANG CỐ TÌNH KHÔNG THĂNG QUÂN HÀM ĐẠI TƯỚNG CHO BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN TÔ LÂM?
Bắt đầu bằng việc chỉ thẳng vào việc "Bóng dáng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm rất mờ nhạt" và "Ông Tô Lâm có lẽ là vị bộ trưởng công an ít quyền lực nhất trong các đời bộ trưởng công an Việt Nam từ trước đến nay" sau khi lên Bộ trưởng Bộ Công an thay cho ông Trần Đại Quang được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Chủ tịch nước: "Trong năm 2016 này có nhiều vụ án kinh tế nổi cộm, thu hút dư luận, các thông tin đưa đều làm nổi bật hình ảnh Tổng bí thư xử lý, chỉ đạo xử lý. Ít ai thấy rằng bóng dáng của Bộ trưởng Công an Tô Lâm rất mờ nhạt trong các vụ án này".
Bùi Thanh Hiếu đã chỉ ra hàng loạt các bằng chứng liên quan tới điều vừa được nói ra như sau: (1). "Mọi phát ngôn liên quan đến các vụ án gây bão xã hội từ bộ công an đều từ thượng tướng, thứ trưởng công an Lê Quý Vương. Ông Lê Quý Vương còn là chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra đảng uỷ công an trung ương. Chức vụ rất quyền lực trong bộ công an. (2). "Ông Lâm bị một cản trở lớn, đó là người tiền nhiệm trước ông là Trần Đại Quang lên chức chủ tịch nước. Ở chức vụ chủ tịch nước mới, ông Quang vẫn còn nhiều ảnh hưởng tác động đến bộ công an". (3)."Thêm nữa là một việc chưa có tiền lệ, ông Nguyễn Phú Trọng đương kim tổng bí thư nhảy vào tham gia trong đảng uỷ công an".
Như vậy có thể thấy, dưới góc nhìn của Bùi Thanh Hiếu, nguyên nhân khiến "hình ảnh ông Tô Lâm mờ nhạt" và ý kiến nói rằng Bộ trưởng Tô Lâm là Bộ trưởng ít quyền lực nhất trong các đời Bộ trưởng Bộ Công an xuất phát từ 03 vấn đề và cũng là liên quan đến 03 cá nhân con người cụ thể. Đó là việc nắm quyền lực của nhân vật thứ 2 trong Bộ Công an (Thượng tướng Lê Quý Vương, UVTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an), sự ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước và vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Đảng ủy Công an Trung ương. Trong đó, theo Hiếu sự ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang là nhân tố hàng đầu và ảnh hưởng trực tiếp tới Bộ trưởng Tô Lâm.
Và để chứng minh cho sự ảnh hưởng của ông Trần Đại Quang có tính tiêu cực lên ông Bộ trưởng Tô Lâm, Bùi Thanh Hiếu tiếp tục cho biết: "Trước khi rời chức bộ trưởng công an chưa đầy một tháng, ông Trần Đại Quang bổ nhiệm trợ lý của mình là Đoàn Duy Khương làm giám đốc công an Hà Nội. Một sự chà đạp trắng trợn thiếu tôn trọng vào ông Tô Lâm. Trong khi về mặt nhân sự ông Quang đã được ấn định là chủ tịch nước và ông Lâm là bộ trưởng công an.
Cho đến nay mặc dù giữ chức bộ trưởng bộ công an, nhưng Tô Lâm vẫn phải đeo quân hàm thượng tướng mà ông được phong từ tháng 9 năm 2014. Trong khi đó ông Trần Đại Quang từ tháng 1 năm 2011 còn là trung tướng, đến 25 tháng 12 đã được phong làm đại tướng. Chưa đầy 2 năm ông Quang nhảy vọt lên hai cấp. Hơn 2 năm ông Tô Lâm chưa lên được cấp nào.
Quyền quyết định thăng quân hàm thuộc về chủ tịch nước. Khi trước ông Quang được chủ tịch nước phong quân hàm liên tiếp chưa đầy một năm một chức, nhưng đến khi ông Quang làm chủ tịch nước, ông Quang đã không đối xử như thế với Tô Lâm như người ta đã đối xử với ông.
Trong bộ công an có rất nhiều thượng tướng, tức ngang hàm nhưng dưới chức với bộ trưởng Tô Lâm. Về vấn đề hàm và chức này, trước đấy chính ông Trần Đại Quang khi đương chức đại tướng, bộ trưởng bộ công an, ông đã đề xuất xin cho bộ công an thêm một suất đại tướng nữa, tức là bộ công an có hai đại tướng. Lý do ông Quang yêu cầu thêm chức đại tướng cho bộ công an là, khi bộ trưởng đi vắng thì thứ trưởng thường trực quyết định thay. Mà thứ trưởng thường trực đeo quân hàm bằng các thứ trưởng khác thì kém uy lực khi chỉ đạo. Vị thứ trưởng mà ông Quang định xin thăng hàm đại tướng đó là ông thượng tướng Đặng Văn Hiếu.
Nhưng đến giờ ông Tô Lâm làm bộ trưởng công an, ông Trần Đại Quang trên cương vị chủ tịch nước đã phớt lờ những gì mình đã nói trước kia. Khi trước ông đề nghị chính phủ, nhà nước thăng quân hàm đạị tướng cho thứ trưởng bộ công an. Giờ ông làm chủ tịch nước, đến bộ trưởng công an Tô Lâm ông làm ngơ cứ để cho mang quân hàm thượng tướng. Vậy mà mới ngày nào ông Quang còn sống chết đòi phải có hai đại tướng ở bộ công an.
Đến giờ trên cương vị bộ trưởng công an , ông Tô Lâm như một vị bộ trưởng bù nhìn , ông đại diện về mặt hình thức để đi dự lễ lạt, hội nghị cỡ xoàng xoàng. Các hoạt động của ông trong tháng 11 năm 2016 vừa qua là dự diễn đàn cảnh sát giao thông, hội nghị thi hành án, ngày hội đoàn kết dân tộc ở Hưng Yên, tham dự chương trình nghệ thuật '' thắp sáng ước mơ'', tiếp cao uỷ châu Âu bàn về bảo vệ động vật hoang dã....trong khi đó những vụ việc nghiêm trọng lại do các tướng Lê Quý Vương, Bùi Văn Nam thay nhau phụ trách chỉ đạo như vụ Formosa, vụ Bộ Công Thương".
Ở phần lí do (cũng có thể gọi là căn cứ) được nêu ra này có thể thấy một điều là Bùi Thanh Hiếu cho rằng việc ông Tô Lâm "Hơn 2 năm ông Tô Lâm chưa lên được cấp nào" và vẫn đeo quân hàm Thượng tướng từ tháng 4/2016 trong khi đó "Trong khi đó ông Trần Đại Quang (người tiền nhiệm của ông Lâm) từ tháng 1 năm 2011 còn là trung tướng, đến 25 tháng 12 đã được phong làm đại tướng. Chưa đầy 2 năm ông Quang nhảy vọt lên hai cấp". Về vấn đề được nêu ra này, người viết xin có 02 điều cần lưu ý và không phù hợp từ những điều được Bùi Thanh Hiếu suy ra:
Thứ nhất,
Tại kỳ họp thứ 11, tháng 4/2016 Quốc hội khóa XIII phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm ông Tô Lâm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an) và tiếp đó, tháng 7/2016, tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV phê chuẩn, ông Lâm tiếp tục được Chủ tịch nước bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an. Như vậy, nếu tính từ đợt được phê chuẩn đầu tiên đến nay, ông Tô Lâm mới tại vị trên cương vị Bộ trưởng được 7 tháng, trong khi đó người tiền nhiệm của ông là ông Trần Đại Quang phải mất đến hơn 1 năm mới được phong quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng. Cụ thể: Ngày 5 tháng 12 năm 2011, ông Quang được Chủ tịch nước khi đó là ông Trương Tấn Sang phong hàm Thượng tướng Công an Nhân dân và tới ngày 29 tháng 12 năm 2012, ông Quang được Chủ tịch nước phong hàm Đại tướng Công an Nhân dân. Cho nên, lí do nói rằng, ông Quang đang cố tình không phong Quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng cho ông Tô Lâm là động thái làm khó và cố tình ông Lâm.
Mặt khác, theo Luật Công an nhân dân và Nghị định hướng dẫn thời gian thăng quân hàm đối với cấp tướng đối với từng cá nhân căn cứ từ thời điểm cá nhân đó giữ chức vụ. Ông Tô Lâm được thăng quân hàm Thượng tướng từ tháng 9 năm 2014 nhưng ông được phê chuẩn cương vị Bộ trưởng từ tháng 4/2016. Vì thế niên hạn sẽ bắt đầu được tính từ tháng 4/2016 chứ không phải tháng 9/2014.
Thứ hai,
Về lí do ông Quang chỉ trong gần 2 năm mà đã được phong từ Trung tướng lên Đại tướng bởi theo quy định của Luật Công an thời điểm đó và cả hiện nay: Người đứng đầu Bộ Công an (Bộ trưởng) phải mang quân hàm từ Thượng tướng trở lên (Thượng tướng và Đại tướng). Việc ông Quang nhanh chóng được thăng từ Trung tướng lên Thượng tướng và Đại tướng trong vòng 02 năm vì thế đơn giản là để phù hợp với quy định của Luật Công an nhân dân hiện hành mà thôi!
Riêng về việc "Nhưng đến giờ ông Tô Lâm làm bộ trưởng công an, ông Trần Đại Quang trên cương vị chủ tịch nước đã phớt lờ những gì mình đã nói trước kia. Khi trước ông đề nghị chính phủ, nhà nước thăng quân hàm đạị tướng cho thứ trưởng bộ công an. Giờ ông làm chủ tịch nước, đến bộ trưởng công an Tô Lâm ông làm ngơ cứ để cho mang quân hàm thượng tướng. Vậy mà mới ngày nào ông Quang còn sống chết đòi phải có hai đại tướng ở bộ công an" cũng hoàn toàn không liên quan lắm đến điều đang được nói đến. Bởi, đúng là có việc việc ông Trần Đại Quang khi đang ở cương vị Bộ trưởng đã kiến nghị Quốc hội phê chuẩn cho phép Phó Bí thư Công an - Thứ trưởng Bộ Công an được mang quân hàm Đại tướng ngang với Quân hàm của Bộ trưởng. Tuy nhiên, kiến nghị này của ông Quang sau đó đã không được Quốc hội phê chuẩn và đương nhiên, ý kiến đó chỉ mới dừng lại là đề xuất của một cá nhân chứ chưa bao giờ là được luật hóa!
Việc cho rằng "Quyền quyết định thăng quân hàm thuộc về chủ tịch nước. Khi trước ông Quang được chủ tịch nước phong quân hàm liên tiếp chưa đầy một năm một chức, nhưng đến khi ông Quang làm chủ tịch nước, ông Quang đã không đối xử như thế với Tô Lâm như người ta đã đối xử với ông" là hoàn toàn bịa đặt và mang ý nghĩa kích động của Bùi Thanh Hiếu.
(Còn nữa, xin được nói tiếp những điều được Bùi Thanh Hiếu nói ra ở bài viết tiếp theo).
An Chiến
No comments:
Post a Comment