Không
riêng gì người dân một số tỉnh Miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp từ
thảm họa cá chết hàng loạt vừa qua mà bất cứ người dân Việt nào khi được
hỏi điều gì là cấp bách nhất hiện nay trong bối cảnh môi trường sống
của con người đang diễn biến theo xu hướng xấu... thì tin chắc rằng đa
số câu trả lời sẽ hướng tới một sự chung: nguyên nhân của hiện tượng cá
chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung trong thời gian qua. Về lí do thì
chắc không cần nói quá nhiều bởi xác định được nguyên nhân và có hướng
khắc phục hậu quả của hiện tượng trên là mong mỏi hoàn toàn chính đáng
của người dân không riêng gì những vùng có cá chết. Trong tình hình hiện
nay, có thể coi đây chính là nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ cần kiên
quyết thực hiện.
Toàn cảnh buổi họp báo (Nguồn; Internet).
Tuy
nhiên, hãy đừng quên rằng, cấp bách và cần kíp không có nghĩa là chúng
ta được quyền bỏ qua những điều khác như tính thận trọng chẳng hạn.
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà mối quan hệ quốc tế với những lợi
ích đang đan xen một cách chằng chịt. Trong bối cảnh đó, việc phán xét
mọi thứ không thể dựa trên dư luận hay những kết luận, nghiên cứu có
tính chủ quan, phiến diện; và chỉ cần một sơ suất dù nhỏ thôi cũng đủ
khiến chúng ta phải trả giá đắt mà như đã đề cập 1 Entry trước đó, 1 -
vài thập kỷ sẽ khó lòng khắc phục nổi! Việc Chính phủ và các Bộ, ngành
liên quan công bố đã tìm ra nguyên nhân cá chết mà chưa công bố nguyên nhân đó là gì, do đâu và ai sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm... vì thế có chăng đó là cách mà các nhà chức trách đang cố chia sẽ, đồng cảm với mong mỏi của người dân ở thời điểm hiện tại!
Và
để trả lời những câu hỏi đang để ngỏ thì việc trước mắt mời nhà khoa
học, tư vấn trong và ngoài nước phản biện độc lập. Ở đây, sẽ có người
thắc mắc rằng, tại sao trước đó Chính phủ đã chỉ đạo, huy động hơn 30 cơ
quan bộ ngành, địa phương vào cuộc thu thập chứng cứ, xác minh, tìm
nguyên nhân, đồng thời mời hàng trăm nhà khoa học trong nước và quốc tế
tham gia thu thập dữ liệu, điều tra nguyên nhân thì liệu có cần không
việc tiếp tục thực hiện thêm một công đoạn nữa như thế này?
Về
phương diện khoa học mà nói, với sự tham gia đông đảo nhà khoa học,
chuyên gia đến từ trong, ngoài nước để giải mã nguyên nhân cá chết thì
sự sai số trong kết luận là điều rất hi hữu, thậm chí là không có. Vậy
nhưng, việc mời tư vấn, tham vấn ở đây ngoài việc xác định thêm một lần
nữa độ chuẩn xác của các kết quả đã nghiên cứu xong để đảm bảo không có
bất cứ sự sai số nào thì như lời của 03 Bộ trưởng (Tài nguyên & Môi
trường, Văn Phòng Chính phủ và Bộ Thông tin & truyền thông) tham gia
buổi họp báo vào chiều ngày 2/06: "Vì xác định đây là vấn đề rất quan trọng, khi công bố phải đảm bảo chứng cứ, tính pháp lý và tính khách quan". Nghĩa
là vì đây là căn cứ hàng đầu để quy kết trách nhiệm pháp lý các chủ thể
liên quan mà để buộc một người có tội và chịu các chế tài, trách nhiệm
liên quan thì không thể chỉ dựa vào các kết quả nghiên cứu khoa học; sự
chủ quan, cảm tính của các nhà khoa học đôi khi cũng ảnh hưởng rất
nhiều tới việc định tội các chủ thể liên quan. Vì thế, việc mời tham vấn
ở đây dù sẽ rất tốn thời gian, tiền bạc song nó cần thiết để đảm bảo
rằng, giữa các kết luận khoa học đã tìm ra có sự thích ứng, phù hợp với
các chế tài pháp lý hiện hành. Làm được điều này cũng đồng nghĩa chúng
ta sẽ dễ dàng hơn trong việc chứng minh, quy kết trách nhiệm thủ phạm
gây nên vụ cá chết vừa qua.
Mặt khác, việc tham vấn ở đây còn bao hàm cả vấn đề phản biện của chủ thể được cho là đã gây nên vụ cá chết vừa qua. Theo
đó, trên cơ sở các kết luận khoa học đã được tìm ra, các nhà chức trách
sẽ cho các chủ thể liên quan được biết và nhiệm vụ của họ sẽ phải xem
xét và phản biện lại các kết quả khoa học đã được chỉ ra. Trong trường
hợp không đồng tình với các kết quả đó thì chính chủ thể liên quan đó sẽ
phải chỉ ra các căn cứ chứng minh và phản biện lại. Đây là một việc làm
hết sức cần thiết để chứng minh nhà chức trách hết sức công bằng và hết
sức khách quan trong việc đưa ra sự quy kết cuối cùng.
Về
việc xác định nguyên nhân vụ cá chết, tại buổi họp báo có nhắc đến quan
điểm của Thủ tướng Chính phủ trong xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ
chức liên quan nếu có sai phạm: "Quan điểm của Thủ tướng là nếu phát
hiện tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ xử lý nghiêm, không loại trừ bất kỳ tổ
chức, cá nhân nào”. Và cùng với điều này, thời gian vừa qua, để hổ
trợ những người dân chịu thiệt hại từ hiện tượng cá chết hàng loạt ở
miền Trung, Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp đảm bảo môi
trường kinh doanh, môi trường tự nhiên và nhất là đảm bảo môi trường
biển an toàn lâu dài. Ngày 19/5 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Nghị định
hỗ trợ gạo cho dân, tổ chức thu mua hải sản của ngư dân; hỗ trợ bằng
tiền cho các tàu phải ngưng ra khơi; hỗ trợ lãi suất tiền vay với doanh
nghiệp, chủ tàu làm nhiệm vụ hậu cần nghề cá. Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế đã xác định vùng biển an
toàn đánh bắt thuỷ hải sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm
rà soát các dự án có khả năng liên quan tới xả thải trên phạm vi cả
nước, phòng ngừa và kiên quyết xử lý nếu các tổ chức, cá nhân xả thải
không đúng quy định. Các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều
trường hợp thu mua cá chết rồi đổ xuống biển để đưa tin sai lệch làm dư
luận hoang mang, lo lắng.
Như vậy, có thể thấy rằng dù chưa công bố chính thức nguyên nhân vụ việc
cá chết song không đồng nghĩa với việc Chính phủ không có bất cứ động
thái nào trong việc khắc phục hay đảm bảo cuộc sống của người dân. Những
việc làm hết sức thiết thực ở trên thể hiện sự quyết tâm cao của Chính
phủ trong việc khắc phục và giải quyết hậu quả. Vì vậy, thay vì quá nóng
vội trong việc công bố nguyên nhân thì nên xem những điều Chính phủ đã,
đang thực hiện là chữ tín, sự đảm bảo để tiếp tục kiên nhẫn chờ đợi.
No comments:
Post a Comment