2016/06/06

Nhà văn Nguyên Ngọc nói Bob Kerry là "vĩ đại"

Trùng Dương


Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng, mạng xã hội, có nhiều tranh cãi xung quanh việc cựu chiến binh Mỹ Bob Kerry được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), mới được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh, một trường ĐH mang ý nghĩa biểu trưng cho mối quan hệ Việt – Mỹ. Dĩ nhiên, cứ mỗi quan điểm đưa ra đều có lập luận riêng để bảo vệ quan điểm của mình trước quan điểm trái chiều khác.
Câu chuyện quá khứ được nhắc lại: Đầu năm 1969, Bob Kerrey là đại úy, chỉ huy một trung đội SEALs, kiểu đơn vị biệt kích tinh nhuệ nhất hải quân Mỹ. Phân đội của ông được báo có lãnh đạo cao cấp của Việt cộng sẽ họp cùng bí thư chi bộ địa phương ở Thạnh Phong, một ấp nhỏ ven biển thuộc tỉnh Bến Tre. Ông cho đơn vị của mình tập kích vào Thạnh Phong. Họ đã giết chết 24 người, trong đó có 14 phụ nữ, có phụ nữ đang mang thai và trẻ em cùng một ông già.
Tuy nhiên, tội ác của Bob Kerry sẽ rơi vào bóng tối vì báo cáo của Kerry và đồng đội chỉ nói “tiêu diệt 21 Việt Cộng” và “hai căn nhà” nếu như mọi việc không được hé lộ sau loạt bài điều tra của New York Times và chương trình truyền hình “60 Minutes II” nổi tiếng của đài CBS vào năm 2011. Trong bài phỏng vấn với chương trình “60 Minutes” của CBS, Kerry nhận trách nhiệm về toàn bộ vụ việc dù nói rằng không trực tiếp giết người nào. Ông Kerry đã giữ im lặng về những tội ác của mình gây ra trong hơn 30 năm và chỉ công khai điều đó khi các nhà báo (Mỹ) buộc ông ta vào thế phải lên tiếng. Vậy, một kẻ từng tham gia thảm sát và nói dối, im lặng hưởng thụ những vinh quan trong mắt dư luận, được thưởng huân chương cho vụ thảm sát, trở thành nghị sĩ với hào quang là “bảo vệ giá trị của tự do Mỹ ở phương Đông” như ông Bob Kerry, liệu có thể trở thành đại diện cho tri thức và đóng góp những giá trị của Mỹ tại Việt Nam hay không?
Ảnh và chú thích ảnh: Chân dung Bob Kerry thời còn trẻ với những hành động vô nhân đạo (Nguồn: Internet)

Không phủ nhận những đóng góp quan trọng của cá nhân Bob Kerry cho quan hệ Việt - Mỹ và trao đổi giáo dục giữa hai nước, tuy nhiên, dùng những ngôn từ mĩ miều, ngợi ca Bob Kerry ngay cả kể về quá khứ chiến tranh của nhà văn Nguyên Ngọc thì có lẽ, tác giả của “Rừng xà nu” đang sai lầm nghiêm trọng. Nhà văn Nguyên Ngọc đã nguỵ biện cho Bob Kerry bằng lối lập luận “đánh lận con đen” rằng: Ông Bob Kerry không “tự tay giết người”, “điều ấy có thể tin” vì “một người chỉ huy không nhất thiết phải tự mình bắn”.
Rồi ông ta bào chữ cho tội ác thảm sát mà Bob Kerry gây nên ở làng Thạnh Phong năm 1969 là do bản thân Bob Kerry là “nạn nhân bi thảm” của “chiến thuật tát nước để bắt cá” của Mỹ. Theo Nguyên Ngọc, thì trong chiến tranh, Mỹ đã sử dụng chiến thuật: để tiêu diệt Việt Cộng phải đánh bật họ ra khỏi dân thường, ra khỏi “phụ nữ và trẻ con”. Ở nông thôn VN, “hai thực thể đó về căn bản là một” nên “Không thể diệt Việt Cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con”. Và vì thế, theo nhà văn Nguyên Ngọc, việc Bob Kerry và đồng bọn thảm sát người dân Thạnh Phong một cách vô tội, không có vũ khí trong tay là điều có thể hiểu và thông cảm được?!
Thứ nữa, nhà văn Nguyên Ngọc đang dùng thứ ngôn ngữ đầy hằn học, vu khống khi nói về chiến tranh bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Nguyên Ngọc viết: “Chúng tôi, những người từng là lính Việt Cộng thời thảm khốc ấy, khi chúng tôi vẫn từng “nấp” trong nhân dân vô tội, để họ có thể cùng chết với chúng tôi? Kể cả, ngày ấy, như chính tôi từng được trải nghiệm, có bao bà mẹ, và cả các em bé nữa, sẵn sàng chết để che cho chúng tôi? Hóa ra tự chúng tôi cũng còn một câu hỏi…”
Thâm ý sâu xa của nhà văn Nguyên Ngọc là trong chiến tranh, phía Việt Nam đã dùng “chiến thuật” cho “lính Việt Cộng” của mình “nấp” trong “nhân dân vô tội” để tránh bom đạn, súng trường của lính Mỹ. Thưa nhà văn Nguyên Ngọc – cũng là một người lính đã từng cầm súng, cầm bút ra mặt trận, những gì nhà văn đang phát ngôn như vậy, là chính nhà văn đang chà đạp những mất mát, hy sinh của chính đồng đội của nhà văn đã ngã xuống để cho non sông thống nhất một nhà, hoà bình của ngày hôm nay. Tại sao nhà văn lại có thể phủ nhận sạch trơn những chân giá trị của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước giặc Mỹ (1954-1975)? “Nhân dân vô tội”, họ là những người phụ nữ, là người già, là trẻ em – đó có phải là bậc làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị và làm con, làm cháu của những người lính chiến trường hay không? Nhân dân vô tội đã yêu thương những người lính Việt Cộng (từ mà nhà văn Nguyên Ngọc dùng) không quản ngại khó khăn, hy sinh để giải phóng giặc giã ra khỏi mảnh đất quê hương, không còn bom đạn, tiếng súng, không còn chết chóc…nên họ đã cưu mang, chở che, nuôi và giấu diếm các anh bộ đội cụ Hồ trong nhà như người thân của họ.
Quá khứ đã lùi xa, chiến tranh đã rơi vào dĩ vãng, hận thù đã qua đi, cũng không thể cứ vịn vào mãi một chiến thắng đầy tổn thất để mà tự hào, hướng tới tương lai, có thể sẵn lòng tha thứ và hàn gắn nhưng tuy nhiên không thể quên lãng những gì đã trải qua. Những ai đã từng đến những làng bị thảm sát như Mỹ Lai hay Thạnh Phong thì sẽ có quan điểm như tôi – người viết bài này. Có thể tha thứ nhưng không thể lãng quên, sự có mặt của ông Bob Kerry ở vị trí là Chủ tịch Hội đồng Tín thác của trường Đại học Fulbright Việt Nam thì không nên. Bởi lẽ, nó gợi những nỗi đau đã sắp thành sẹo, nó khiến những nạn nhân, những người đã từng chứng kiến mất mát, hy sinh luôn bị ám ảnh, nghĩ về quá khứ. Không phải lúc nào, không phải bất cứ ai cũng có thể tách bạch rõ ràng giữa lý trí và cảm xúc, và ngược lại. Hoan nghênh tinh thần nước Mỹ, hoan nghênh trường ĐH Fulbright nhưng, nếu có thể chọn lại, nước Mỹ có thể chọn một đại diện nào khác cho nước Mỹ ngoài ông Bob Kerry?
Trả lời báo chí về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, Lê Hải Bình cho biết: “Với truyền thống hoà hiếu của dân tộc Việt Nam, trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, chúng tôi luôn nỗ lực hợp tác, tăng cường hiểu biết và thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ (…) Với tinh thần đó, chúng tôi cho rằng, phía Hoa Kỳ cũng như ban lãnh đạo ĐH Fulbright sẽ có một quyết định đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ rất tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, mang lại những lợi ích thiết thực và cụ thể cho nhân dân hai nước”.

No comments: