2016/06/10

HRW lại xuyên tạc, vu cáo Việt Nam

Không chỉ với Việt Nam mà với các nước trên thế giới, người vượt biên trái phép và người nhận tiền bạc tổ chức cho người vượt biên trái phép là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.


Vì thế, không thể chấp nhận việc Tổ chức theo dõi nhân quyền cố tình mập mờ hai vấn đề này để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam.
Ngày 26-5, TAND thị xã La Gi (Bình Thuận) mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bốn bị cáo vì tội danh tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và tuyên các bản án từ 24 đến 30 tháng tù cho bốn bị cáo. Ngay sau đó, một lãnh đạo của HRW (Tổ chức theo dõi nhân quyền) vội lên tiếng yêu cầu: “chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc liên quan hành vi vượt biên trái phép đối với các “thuyền nhân” bị Australia (Ô-xtrây-li-a) trả về. Phía Australia cần ngay lập tức yêu cầu hủy bỏ vụ án, vì Việt Nam cam kết không trừng phạt những người di dân bị trả về”, đồng thời cho rằng: “Chính quyền Việt Nam xét xử bốn bị can về tội rời khỏi Việt Nam trái phép, tức là vi phạm quyền cơ bản của họ về tự do rời khỏi đất nước theo công pháp quốc tế… Việt Nam trắng trợn nuốt lời hứa đối với chính phủ Australia về việc không truy tố các thuyền nhân bị trả về”. Về hùa với ý kiến này, BBC, RFA cùng một số trang mạng khác lập tức thi nhau đưa tin, cố tình nhập nhằng, bình luận xuyên tạc vấn đề để lấy cớ vu cáo Việt Nam.
      Những nguy hiểm luôn chực chờ người vượt biên trái phép. Ảnh: New York Times
Cùng với việc ngày càng hoàn thiện để hệ thống luật pháp Việt Nam phù hợp với quan điểm luật pháp quốc tế, cho đến nay Việt Nam đã ký kết song phương với nhiều quốc gia trong đó cam kết nghiêm chỉnh thực hiện trách nhiệm tiếp nhận các công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, hoặc bị buộc phải về nước. Trong các năm qua, Việt Nam tiếp nhận nhiều người như vậy, các tổ chức liên quan của LHQ đều xác nhận không có trường hợp nào bị gây khó dễ. Tuy nhiên, không chỉ với Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều có phân biệt cụ thể giữa người rời khỏi đất nước trái phép với người tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép.
Về sự kiện này, năm 2015 một nhóm 46 người Việt Nam vượt biên trái phép bằng đường biển vào lãnh hải của Australia. Sau khi đơn xin ở lại của họ bị bác bỏ, năm 2015, cơ quan chức năng của Australia trả họ về Việt Nam, cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện đúng những thỏa thuận với phía Australia. Tuy nhiên, trong số 46 người kể trên có bốn người đã phạm tội “tổ chức, cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 274 Bộ luật Hình sự (được bổ sung, hoàn chỉnh qua Điều 349 Bộ luật Hình sự được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIII thông qua ngày 27-11-2015, có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), bởi bốn người này đã nhận hơn 500 triệu đồng của 11 người để tổ chức cho họ vượt biển tới Australia, tức là đã phạm tội tổ chức cho người trốn đi nước ngoài, chứ không chỉ vượt biên trái phép, và họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Các quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam rất gần gũi với quy định ở đại đa số quốc gia khác, bởi đều dựa trên cơ sở Công ước LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên biên giới (còn gọi: Công ước Palermo) được Đại hội đồng LHQ thông qua ngày 15-11-2000. Trong khuôn khổ một quy định có tính quốc tế, Công ước ra đời có mục đích tạo ra sự hài hòa về luật pháp giữa các quốc gia, thiết lập các tiêu chuẩn chung cho luật quốc gia để ngăn ngừa, chống lại tội phạm có tổ chức, tạo cơ sở pháp lý cho các hiệp định tương trợ tư pháp quốc tế, dẫn độ và hợp tác của cảnh sát trên phạm vi toàn cầu. Dựa trên Công ước này, Đại hội đồng LHQ có Nghị định thư về việc chống đưa bất hợp pháp người di cư bằng đường bộ, đường biển, đường hàng không, Nghị định thư đề cập việc ngăn ngừa, trấn áp, trừng phạt tội buôn bán người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em… Đây là việc làm hết sức cần thiết, vì có thể nói những năm gần đây, việc tổ chức vượt biên trái phép đã trở thành một vấn nạn toàn cầu mà các quốc gia không thể làm ngơ. Rất nhiều vụ án xét xử hành vi tổ chức vượt biên trái phép đã được tiến hành, thí dụ: tòa án Innsbruck (Áo) tuyên án một người 5 năm tù; tòa án Tachov (Séc) tuyên án hai người mỗi người 18 tháng tù; tòa án Linz (Áo) tuyên án một người 5 năm tù; tòa án Palermo (I-ta-li-a) tuyên án 6 người tham gia tổ chức vượt biên và thuyền chìm ở Lampedusa với hình phạt từ 2 năm đến 6 năm 4 tháng tù; tòa án ở Tessiner (Thụy Sĩ) tuyên án 5 người với hình phạt cao nhất là 2 năm tù; tòa án Budapest (Hung-ga-ri) tuyên án một người 5 năm tù; riêng trong năm 2015, tòa án ở Boulogne-sur-Mer (Pháp) đã tuyên án 300 người tổ chức vượt biên; tòa án Catania (I-ta-li-a) tuyên án một bị cáo tù chung thân; tòa án Sundsvall (Thụy Điển) tuyên án 3 người bị phạt tù từ 12 tháng đến 18 tháng; một nhóm 8 người bị tuyên phạt từ 4 năm rưỡi đến 6 năm tù vì đưa người tị nạn từ trại Sangatte ở miền bắc Pháp qua đường hầm xuyên biển sang Anh; tòa án Rotterdam (Hà Lan), tuyên án 7 người, mức án cao nhất 9 năm tù; tòa án Thổ Nhĩ Kỳ tuyên án 2 người, mỗi người có 4 năm 2 tháng tù; tòa án Löwen (Bỉ) tuyên án 11 người, và người nhận hình phạt cao nhất là 2 năm tù; một tòa án Pháp tuyên án 2 người Đức, mỗi người 30 tháng tù, vì chở 11 người châu Á bằng xe tải từ Pháp sang Anh; tòa án ở Houston (Mỹ) tuyên án một nhóm đưa người trái phép từ Mê-hi-cô sang Mỹ; đặc biệt, một tòa án ở Đan Mạch phạt một cặp vợ chồng người Đan Mạch 6.000 Euro vì đã cho một gia đình tị nạn Xy-ri đi nhờ ô-tô sang Đan Mạch, mặc dù vợ chồng họ không nhận tiền bạc hay đồ vật nào của gia đình này;…
Đi tìm thủ phạm của những sự kiện bi thảm, ngày 22-1-2016, tại CHLB Đức tờ Thế giới (Die Welt) đăng bài “Những người tổ chức vượt biên đã mồi chài người muốn xin được tị nạn như thế nào qua mô hình giảm giá”, cho bạn đọc biết một phần hoạt động của những người tổ chức vượt biên, trong đó đôi khi chỉ trên một chiếc thuyền đã có tới 20 hay 30 người cùng một làng, ai rủ thêm người được giảm giá, ai tìm đưa năm người đi cùng thì không phải trả tiền… Để mọi người hiểu được hoạt động của các nhóm tội phạm trong việc dẫn dắt người di cư bất hợp pháp vì muốn đổi đời, ngày 9-3-2015, trang mạng Đài phát thanh Đức đăng bài “Trò chơi bất hợp pháp với những ước mơ và khát vọng”, giới thiệu cuốn sách Lời thú tội của một kẻ buôn người. Sự kinh doanh tiền tỷ từ người tị nạn. Tác giả cuốn sách là hai người Italia, gồm nhà tội phạm học A.Di Nicola và nhà báo G.Musumeci. Khi điều tra, họ khám phá một loại dịch vụ phát triển mạnh mẽ mà những kẻ tổ chức vượt biên đã thu hút khách hàng như các công ty du lịch hợp pháp với những dịch vụ trọn gói theo ý muốn. Tiền nào, dịch vụ ấy. Ai có rất nhiều tiền, có thể đặt một chuyến bay hạng thương gia, giấy tờ giả mạo rất giống giấy tờ thật, được đưa đón bằng xe sang trọng. Việc trả góp cũng có thể thương lượng, thỏa thuận. Trong cuốn sách, A.Di Nicola, G.Musumeci tiết lộ cấu trúc, phương thức hoạt động của các tổ chức này và cho thấy, loại hình kinh doanh trái phép đã đùa giỡn như thế nào với ước mơ, hy vọng của các khách hàng về một cuộc sống tốt hơn, không có chiến tranh, bạo lực, nghèo đói. Khách hàng sẽ rất sớm nhận thấy lời hứa, lời quảng cáo không thể thực hiện được, muộn nhất là lúc tiếp xúc với thực tế nơi họ lựa chọn để đến. Hai tác giả cung cấp cái nhìn sâu sắc vào thực tế, các tuyến đường, lợi nhuận từ kinh doanh phi nhân tính. Không có ý định thuyết trình về đạo đức, họ muốn làm rõ và khẳng định phải hành động khẩn cấp. Nhưng sự sẵn sàng hợp tác ở cấp quốc tế không phải lúc nào, ở đâu cũng có được. Đặc biệt là ở một số nước có người ra đi, cuộc chiến chống lại nạn buôn bán người không nhất thiết đạt được ưu tiên cao nhất, hai tác giả đã kết luận như thế.
Trong các năm gần đây, nhiều quốc gia đã tăng cường biện pháp chống tội phạm liên quan nhập cư trái phép. Một trong các biện pháp đó là hoạt động của các cơ quan điều tra và tòa án. Ngày 3-3-2016, tờ Báo miền nam Đức đăng bài “Đưa trái phép người tị nạn đã trở thành công nghiệp kiếm tiền tỷ như thế nào”, trong đó cho rằng: EU triển khai cuộc chiến chống lại một hoạt động kinh doanh đã phát triển mạnh mẽ trong một thời gian rất ngắn. Theo ước tính của cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol), năm ngoái số tiền mà những kẻ tổ chức đưa người vượt biên thu được từ ba đến sáu tỷ euro, nếu cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, số tiền đó sẽ được tăng hai hoặc ba lần. Trước đó, 40.000 nghi phạm đã bị Europol phát hiện, trong năm 2015 thêm khoảng 12.000 người nữa. Từ quyết định ra đời trong tháng 11-2015, tháng 2-2016, một trung tâm chống tổ chức vượt biên được thành lập và là một bộ phận của Europol. Từ cố gắng hoạt động của trung tâm này, một số tội phạm đã sa lưới và bị trừng phạt. Thí dụ, gần đây trang mạng NDR.de của Đài phát thanh và truyền hình NDR đăng bài “Kẻ đưa người vượt biên bị tuyến án bốn năm tù” cho biết, cuối năm 2015, người bị tuyên án ở phiên tòa này đã đưa trái phép người tị nạn từ Syria, Lebanon vào Đức. Ngày 14-3-2016, trang Merkur.de đăng bài "Chở 81 người xin tị nạn trong xe lạnh - Người dẫn vượt biên bị tuyên án”, theo đó, vì chở lậu 81 người tị nạn đến từ Xy-ri, Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, I-ran, Pa-ki-xtan, một lái xe người Bun-ga-ri đã bị tòa án Dresden (Đức) tuyên án bốn năm rưỡi tù…
Các nước dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Ise-Shima (Nhật Bản) vừa qua coi khủng hoảng người tị nạn là một “thách thức toàn cầu”, đòi hỏi “một phản ứng toàn cầu”. Tuyên bố chung của Hội nghị dành một phần cho nội dung phối hợp chống khủng bố, mà một trong các biện pháp chống khủng bố là chống buôn người, vì tiền chi cho khủng bố một phần dựa vào nguồn tiền thu từ hoạt động phạm pháp này. Là thành viên tích cực của LHQ và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, Việt Nam không chỉ hoàn thành trách nhiệm của mình mà đang góp một phần quan trọng để chống khủng bố nói chung, chống tội phạm có tổ chức nói riêng. Việc điều tra phát hiện và truy cứu trách nhiệm người tổ chức vượt biên không những là thực thi luật pháp Việt Nam, mà còn góp phần chống lại hành vi phạm pháp quốc tế. Như vậy, HRW phê phán việc làm này tức là đi ngược lại quan điểm chung của thế giới.
Thanh Hải
Nguồn: Công Lý

No comments: