Hoa sữa
Trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội ghi nhận con số người nhiễm Covid-19 (F0) chỉ dừng ở mức 2 con số kể từ khi đợt dịch này bùng phát và nó giảm đáng kể theo từng ngày. Cư dân mạng cho rằng TP. Hồ Chí Minh hay Bình Dương hãy học tập Hà Nội về cách chống dịch. Tuy nhiên, một số ý kiến bình phẩm rằng Hà Nội đã khá tốn kém khi chi khoảng 30 tỉ để xét nghiệm 1 triệu người mà trong đó phát hiện được 18 ca dương tính (tức là khoảng 1,67 tỉ để phát hiện 1 ca F0).
Tác giả cho rằng, đây là thống kê chưa chính thức, tuy nhiên, nếu nói là chi 30 tỷ đồng để xét nghiệm 1 triệu dân nhằm tìm kiếm F0 là tốn kém thì quả thật con số này là khá lớn, nhưng nói là tốn kém hay không thì còn phải xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tác giả xin đưa một số thông tin để độc giả có thể có cái nhìn khách quan.
Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân
Thứ nhất, phải kể đến phí cho một lần làm xét nghiệm RT-PCR theo giá dịch vụ hiện nay là hơn 700.000đ/1 mẫu. Nếu nhân con số này với khoảng 3 triệu mẫu mà Hà Nội đã làm trong tuần qua thì đâu đó rơi vào khoảng 2.100 tỉ, con số này gấp rất nhiều lần so với số liệu đưa ra ở đầu bài. Tuy nhiên, nếu không làm test để sàng lọc, phát hiện và bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng và ngăn chặn nguy cơ lây lan thì sẽ có thể có hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn ca nhiễm như những gì đã diễn ra ở các tỉnh miền Nam. Ở đây chúng ta còn chưa kể đến chi phí điều trị cho một ca nhiễm Covid đơn giản nhất cũng lên đến hàng chục triệu đồng cho một liệu trình, với những ca phức tạp như có nhiều bệnh lý nền, điều trị kéo dài thì vhi phí có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ bạc. Do đó, nếu không phát hiện F0 kịp thời thì không biết số tiền phải trả cho hoạt động này không biết là bao nhiêu.
Thứ hai, chúng ta hãy nghĩ đến hậu quả của dịch bệnh gây ra như: kinh tế kiệt quệ, người dân hoang mang, lo sợ và đặc biệt là thiệt hại về người. Nếu như chúng ta theo dõi phim tài liệu “Ranh giới” thì mới thấu hiểu cuộc sống đáng quý như thế nào, nhất là đứng giữa ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chính phủ vẫn luôn luôn đặt tiêu chí bảo vệ tính mạng người dân là cao nhất. Nếu bạn đặt trong hoàn cảnh ấy thì bạn còn nghĩ là chi cho chống dịch là tốn kém không?
Đấy là chưa kể những khó khăn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ, các anh công an, bộ đội trên tuyến đầu. Đã lâu rồi họ chưa được về với gia đình, lâu rồi họ chưa biết cơm nhà là gì, thậm chí đã có những người đã phải ngã xuống chỉ vì sự nghiệp chống dịch Covid-19 này. Vậy nếu Hà Nội “toang” hay “bung” thì không biết bao nhiêu người phải hy sinh thêm nữa? Lúc đó thì tiền còn ý nghĩa gì nữa không?
Do đó, việc Hà Nội việc Hà Nội xét nghiệm trên diện rộng là cần thiết và hiệu quả và thực tế đã chứng minh điều này. Hơn nữa, không chỉ Hà Nội tổ chức xết nghiệm trên diện rộng mà một số tỉnh, địa phương đã tiến hành hoạt động này như: Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ,… Tất nhiên, đó là những tỉnh, thành phô có số ca F0 cao, tuy nhiên, nếu không chủ động phòng dịch thì sẽ không hiệu quả trong chống dịch và việc thần tốc truy vết sẽ là điểm nhấn trong công tác chống dịch iệu quả.
Khi dịch bệnh ở Hà Nội có sự khả quan thì một số người lại đặt câu hỏi “vì sao Hà Nội chưa mở cửa?”. Chưa mở cửa không phải là do Hà Nội bảo thủ mà do hiện nay Hà Nội vẫn còn xuất hiện số ca nhiễm trong ngày thì chưa thể khẳng định không có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Hơn thế nữa, nếu vội “mở cửa” thì người dân ở các tỉnh khác sẽ đổ dồn về Hà Nội, như vậy, nguy cơ lây nhiễm lại càng hiện hữu. Do đó, trước hết Hà Nội phải làm hậu phương vững chắc cho miền Nam, đồng thời, phải bảo vệ sự an toàn cho người dân thủ đô, nhất là người già và trẻ em. Vì vậy, tôi rất đồng tình với cách làm của Hà Nội là “mở cửa” từ từ, tùy vào tình hình dịch bệnh.
Đến đây chúng ta thấy nếu chỉ nhìn về số tiền đã chi ra trong công tác phòng, chống dịch mà không đánh giá về hiệu quả của nó mà vội cho rằng tốn kém là suy nghĩ thiển cận. Đồng thời, chúng ta thấy được sự thận trọng trong cách chống dịch của Hà Nội, bởi nếu nóng vội thì sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh một cách triệt để.
Tác giả xin chia sẻ với quý độc giả.
No comments:
Post a Comment