2021/09/14

Tay nghề từ thiện

 Rolf Dobelli trong cuốn " Nghệ thuật tư duy rành mạch ", đặt câu hỏi rằng với nhiều người làm thiện nguyện liệu có phải "chỉ để ve vuốt cái tôi" của họ? Tôi cũng tự hỏi, là với lời kêu gọi thiện nguyện và những khoản tiền khủng dễ dàng nhận về, liệu các nghệ sĩ đã và đang làm một việc mà họ thiếu tay nghề? 


Lập ra một quỹ chuyên từ thiện về lĩnh vực cụ thể, như bảo trợ trẻ em, hỗ trợ tài năng trẻ, giúp người dân vùng thiên tai lũ lụt, quỹ mổ tim, hay những học bổng thường niên,… sẽ khác với việc cá nhân nổi hứng huy động về một cục tiền, rồi do bận bịu cứ nhốt trong tài khoản, hoặc quăng nguyên "cục" đó cho người quen để họ muốn làm gì thì làm. Hoặc mang đi phát từng nắm tiền, ít nhiều dày mỏng tùy theo cảm xúc. Như cách mà không ít nghệ sĩ nổi tiếng xứ ta đã và đang làm. 

Có thể họ xuất phát từ cái tâm thực sự, cùng nỗi xót thương đồng bào mình đang gặp thảm họa, tai ương. Nhưng cảm xúc nhất thời cũng trôi nhanh, phần việc chính đòi hỏi tính tổ chức, kỹ năng và tuân thủ luật pháp lại thường để ngỏ không có chương trình, kế hoạch nào cụ thể. 

Từ đây đã có những người "thân bại danh liệt", điều họ không thể ngờ tới. Nên mới rộ lên chuyện đòi sao kê, chuyện lạ chỉ có ở từ thiện kiểu Việt. Khi về nguyên tắc một đồng cũng phải trưng xuất sổ sách với nhà nước. Nhưng phát chẩn từng nắm tiền thì làm sao có chứng từ? 

Chúng ta hay nói về các quỹ từ thiện lớn do những tỷ phú, người nổi tiếng thế giới lập ra hoặc tài trợ. Về chiến lược hoạt động bài bản và hiệu quả trên phạm vi toàn cầu của họ. Cùng với nhiều mô hình nhân đạo không liên quan trực tiếp đến tiền. 

Từ thiện, với người này chỉ là cách trả tiền thuê phòng mà trái đất đã cho họ ở miễn phí, với người khác lại là quyền con người. Xem từ thiện như là thuốc phiện của những người có đặc quyền, Chinua Achebe - nhà văn Nigeria, người được ví là "Nelson Mandela trong văn chương" cho rằng giải pháp thực sự nằm trong một thế giới mà từ thiện trở nên không cần thiết. Nghĩa là hướng tới không còn sự bất công để có thể ban phát từ thiện. Thế giới ấy ở đâu, khi nào mới tới? Chưa ai sống đủ lâu để đợi câu trả lời. 

Trở lại xứ mình, mặt trái cũng đầy những cao thủ từ thiện với "tay nghề" ghê gớm. Chuyên sưu tầm hoàn cảnh bất hạnh, ban phát nước mắt để gom tiền của bá tánh vào tài khoản riêng, rồi sau đó ai biết "ma ăn cỗ". Từ nhóm "bác sĩ Khoa" đang được điều tra, đến vô số than vãn về những nhóm từ thiện tự phát có nhiều dấu hiệu khuất tất. 

Sáng nay bão Côn Sơn đổ bộ vào Trung bộ. Bão chồng dịch. Chua chát nhớ lại tuyên bố của mấy nghệ sĩ, rằng bão lụt gì cũng mặc, sẽ "cạch" không từ thiện gì nữa! Không phải vì thiếu sự cứu giúp, không người này sẽ có người khác ra tay. 

Nghĩa đồng bào đã hàng ngàn năm, còn chồi nảy cây. Nhưng chua chát hơn cả, đó cho thấy tâm thế kẻ trên, mặc cả trong việc nghĩa của những "người của công chúng". 

Đến lúc câu chuyện từ thiện cùng những hệ lụy, tổn thương từ nó buộc phải thay đổi. 

TRÍ QUÂN 

No comments: