2021/09/06

ĐÃ ĐẾN LÚC SHOWBIZ VIỆT NÊN ÁP DỤNG "PHONG SÁT" HAY CHƯA?

Thúy Kiều

Cụm từ “phong sát” không có gì lạ lẫm trong giới showbiz các nước trên thế giới, nhất là ở Trung Quốc, Hàn Quốc... Tuy nhiên, cụm từ này vẫn còn xa lạ đối với người dân Việt Nam, nhất là trước khi có những lùm xùm xung quanh việc sao kê từ thiện của một số nghệ sĩ Việt.


Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành đang bị yêu cầu "sao kê" từ thiện

“Phong sát” là cụm từ được bắt nguồn từ Trung Quốc, dùng để chỉ hành động “cấm vận” nhằm vào một nghệ sĩ. Hay nói cách khác, “phong sát” là một lệnh cấm dành cho những nhân vật có ảnh hưởng đến công chúng như ca sĩ, diễn viên không được thực hiện một số công việc nhất định hoặc tham gia vào những hoạt động nghệ thuật. Đối tượng bị “phong sát” là những người nghệ sĩ vi phạm nghiêm trọng pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ và có nguy cơ gây ra những tiền lệ xấu. Những nghệ sĩ không tuân thủ quan điểm chính trị cũng có khả năng bị “phong sát”. Một số diễn viên Hoa ngữ từng bị “phong sát” như: Ngô Diệc Phàm, Trịnh Sản, Hoắc Tôn hay Triệu Vy…

Ngô Diệc Phàm, Triệu Vy là hai trong số sao Hoa ngữ bị "phong sát"

Ở Việt Nam chưa có một nghệ sĩ nào bị “phong sát” có lẽ là do tính nhân văn trong hoạt động quản lý hoạt động nghệ thuật của giới chức trách mặc dù cũng đã có nhiều nghệ sĩ chưa thực sự chuẩn mực trong ngôn ngữ và hành động. Tuy nhiên, đã đến lúc showbiz Việt cần phải có sự đánh giá, nhìn nhận lại, nếu không sẽ để người dân mất niềm tin vào giới nghệ sĩ.

Khi một số ca sĩ, diễn viên của showbiz Trung Quốc bị “phong sát”, nhiều người cho rằng Việt Nam cũng đã áp dụng rồi. Như ca sĩ Jack bị loại khỏi một chương trình thực tế hay như nghệ sĩ Hoài Linh bị một số nhãn hàng ngừng cộng tác,… Nhưng những trường hợp này chưa hẳn là “phong sát”, mới có biểu hiện của việc “phong sát”, hay nói đúng hơn là gần chạm đến ngưỡng của “phong sát”.

Đã từng có thời gian chúng ta đề cập đến câu chuyện “scandal”, tức là tạo scandal để trở nên nổi tiếng. Có khá nhiều cách mà nhiều người áp dụng như: phát ngôn gây sốc, bê bối tình ái, thậm chí là tung ảnh khỏa thân, clip s.e.x… để nổi tiếng. Tuy nhiên, sự nổi tiếng ấy cũng không được bền so với những người dùng chính thực lực của mình để được nổi tiếng.


Ca sĩ Jack bị khán giả tẩy chay vì bê bối bỏ rơi con

Trong giới nghệ sĩ Việt không ít người có chuẩn mực về lời nói, hành động, hết mực vì cộng đồng, được khán giả yêu mến. Xong cũng xuất hiện những kẻ lại đi trái với đạo đức nghề nghiệp, có những lời lẽ, hành động lệch chuẩn khiến khán giả phẫn nộ.

Chưa bao giờ, người hâm mộ lại có sự hoang mang đối với showbiz Việt đến thế. Có lẽ cơ quan chức trách cũng nên đánh giá, nhìn nhận lại để có những thanh loại nhất định, qua đó trả lại sự trong sạch trong giới showbiz Việt.

Có lẽ, với sự nhân văn trong hoạt động quản lý nghệ thuật mà các cơ quan chức trách sẽ không quá mạnh tay trong quá trình “phong sát” hoặc sẽ không dùng cụm từ “phong sát” mà sẽ dùng cụm từ khác gần nghĩa với nó. Nhưng có lẽ Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ ra đời cũng là cách để giáo dục các ngôi sao, đưa họ từ “lệch chuẩn” về với “chuẩn mực” xã hội. Đây sẽ là căn cứ để hình thành chuẩn đạo đức nghệ sĩ, các nghệ sĩ sẽ soi mình vào đó để xem bản thân đã thực sự chuẩn mực trong phát ngôn, cử chỉ và hành động hay chưa.

Việt Nam có áp dụng “phong sát” hay không không quan trọng bằng sự đánh giá, nhìn nhận của khán giả. Người nghệ sĩ dù họ có tài giỏi đến đâu mà có những ngôn ngữ, hành động lệch chuẩn thì chính fan hâm mộ của họ cũng sẽ quay lưng với họ. Chính vì vậy, rất mong muốn các nghệ sĩ luôn chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng mà không suy tính vụ lợi, có như thế khán giả mới thực sự mến mộ.

No comments: