Viễn
Sau phiên họp từ ngày 28 đến ngày 30/11 vừa qua, Ủy ban kiểm tra trung ương đã có kết luận về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới câu chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét trách nhiệm liên quan đến toàn bộ các vấn đề từ việc khen thưởng Trịnh Xuân Thanh cho tới việc điều động, bổ nhiệm nhân vật này.
Theo đó, trong thẩm quyền của mình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật 4 trường hợp. Bao gồm cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh, nguyên Vụ trưởng, nguyên Trợ lý Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; khiển trách ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015 -2020; khiển trách bà Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban thi đua – Khen thưởng Trung ương. Đối với ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ dù chưa tới mức bị xử lí kỉ luật nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư cảnh cáo đối với ông Huỳnh Minh Chắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương. Một Thứ trưởng Nội vụ khác là ông Nguyễn Duy Thăng cũng bị đề nghị xem xét xử lý về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Riêng tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016 phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc vì có liên quan tới việc thẩm định và đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho ông Trịnh Xuân Thanh, cũng như từng đề nghị khen thưởng cho Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và cá nhân ông Trịnh Xuân Thanh.
Như vậy trong đợt kỉ luật này có tới 3 người là Ủy viên Trung ương Đảng hoặc nguyên là Ủy viên trung ương Đảng và có khá nhiều người hiện đang giữ các chức vụ không phải là nhỏ.
Điều này nói lên điều gì?
Điều này nói lên rằng Đảng đang rất quyết tâm, quyết liệt trong công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kỉ luật các đảng viên, nhất là các đảng viên cấp cao như Ủy viên trung ương là rất đau đớn chứ. Nhưng sự đau đớn đó là cần thiết nhằm làm trong sạch hàng ngũ Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Ai cũng biết, đối với các đảng viên thì việc phải nhận các hình thức kỉ luật như khiển trách, cảnh cáo là rất nghiêm trọng. Đây sẽ là cơ sở để mở ra các hình thức xử lý khác về mặt chính quyền.
Đây cũng là việc làm nhằm khôi phục niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ. Đảng lãnh đạo nhưng không phải là toàn trị, độc tài, vô luật pháp mà với những đảng viên sai phạm, Đảng phải mạnh tay xử lí. Nhân dân không mất niềm tin vào Đảng nhưng nhân dân mất niềm tin vào những người nhân danh Đảng để trục lợi cá nhân. Do đó, việc mạnh tay xử lí đối với các đảng viên sai phạm là việc cần thiết nhằm khôi phục niềm tin của nhân dân và cả các cán bộ, đảng viên khác.
Với sự quyết liệt nghiêm túc trong hành động nhân dân tin rằng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ gặt hái nhiều kết quả và năng lực lãnh đạo cũng như sức chiến đấu của Đảng sẽ không ngừng được nâng lên.
No comments:
Post a Comment