2016/10/24

KHÁNG THƯ CỦA HỘI ĐỒNG LIÊN TÔN VÀ NHỮNG LỜI CÁO BUỘC XẢO TRÁ


Viễn
Mới đây, Hội đồng liên tôn vừa ban hành một cái gọi là “Kháng thư” với nội dụng kêu gọi bác bỏ hoàn toàn dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo. Đây được đánh giá là một trong những động thái nhằm phá hoại việc Quốc hội đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật tín ngưỡng tôn giáo để chuẩn bị thông qua.
Với Hội đồng liên tôn, mọi người đã quá quen với việc đây là tập hợp của các chức sắc cực đoan trong một số tôn giáo. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi cái gọi là Kháng thư này tiếp tục là một bản tài liệu chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng với nhiều nội dung sai trái. Có thể chỉ ra mấy điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, Hội đồng liên tôn cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam luôn tìm mọi cách tiêu diệt và xóa bỏ tôn giáo. Hội đồng liên tôn viết:
“Chế độ cai trị hiện thời tại Việt Nam là chế độ cộng sản với hai tính chất nổi bật: vô thần và toàn trị. Vô thần cộng sản là vô thần tranh đấu, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia”
Đây là một cáo buộc vô lý hoàn toàn trái với quan điểm, chủ trương của Đảng cũng như chính sách của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam không bao giờ tìm cách tiêu diệt tôn giáo. Ngược lại Nhà nước Việt Nam thừa nhận và đề cao quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Điều này đã thể hiện rất rõ trong văn bản pháp lý có giá trị cao nhất là Hiến pháp 1946, 1959… đến Hiến pháp 2013. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng khẳng định rõ là tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài và đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với CNXH. Chưa bao giờ nhà nước Việt Nam đặt vấn đề tiêu diệt, đàn áp tôn giáo mà chỉ cố gắng làm sao để người dân có điều kiện thực hiện đầy đủ nhất quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Điều này cũng đã được thực tiễn chứng minh với sự phát triển liên tục của các tôn giáo ở Việt Nam. Nếu chính quyền Việt Nam thực sự đàn áp tôn giáo thì tôn giáo tại Việt Nam đã không phát triển đến như vây.
Điểm thứ hai, Hội đồng liên tôn cho rằng, Luật tín ngưỡng tôn giáo là công cụ để giúp chính quyền kiểm soát và lũng đoạn tôn giáo. Đây thực sự là một điều bịa đặt. Luật tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng là để cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng. Việc ban hành Luật cũng là cơ sở pháp lý để các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam hoạt động tốt hơn trên cơ sở đúng quy định của pháp luật. Rõ ràng, không thể nói Luật là công cụ để chính quyền bóp nghẹt tôn giáo được.
Điểm thứ ba, Hội đồng liên tôn cho rằng: “Mọi Giáo hội đều là những Tổ chức xã hội dân sự độc lập và mọi Tín đồ đều là những công dân bình đẳng. Họ có các quyền và nghĩa vụ như mọi tổ chức và mọi công dân khác. Những quyền và nghĩa vụ này được xác định trong Hiến pháp và các bản văn dưới luật hình thành theo tinh thần tự do dân chủ, phù hợp với các Công ước quốc tế về Nhân quyền.” Nói cách khác, Hội đồng liên tôn cho rằng không cần phải quản lý đối với tôn giáo, không cần thiết phải ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo.

Về điểm này cần khẳng định luôn rằng, tôn giáo với các yếu tố cấu thành của nó, nhất là tổ chức giáo hội là một thực thể xã hội đặc biệt, do đó nó phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Không có Nhà nước nào không quản lý về tôn giáo. Luật tín ngưỡng tôn giáo do đó cũng rất cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các tôn giáo hoạt động và là cơ sở để giúp Nhà nước quản lý về tôn giáo, giúp các tôn giáo hoạt động đúng qui định của pháp luật.
Rõ ràng là, cái gọi là Kháng thư của Hội đồng liên tôn rốt cuộc chỉ là những luận điệu cáo buộc sai trái, rẻ tiền. Nếu thực sự muốn quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo đầy đủ, các ông nên dành thời gian nghiên cứu thật kĩ và thực tâm đóng góp trên tinh thần xây dựng chứ không phải là bịa ra những luận điệu cũ rích và nhàm chán như thế này.

No comments: