Linh mục Trần Tam Tỉnh, Viện sĩ viện hàn lâm Hoàng Gia Canada, Giáo sư Đại học Laval tỉnh Quebec - Canada
... Người ta đã viết nhiều về Ngô Đình Diệm như một «người hùng Đông Nam Á», là «Côngxtantanh châu Á», là «Klôvít mới trong lịch sử Giáo hội». Theo dư luận của những người đã từng cộng tác với ông, Diệm là một người liêm khiết, độc tài, phong nho, và «trung cổ». Cổ lổ, ông càng tỏ ra cổ lổ hơn, khi tự cho mình là «Người Chúa chọn» để cứu dân. Là người độc thân từng sống gần chục năm trong tu viện, chủng viện, tại Việt Nam cũng như tại Mỹ, ông gần gủi với thuyết thiên chủ hơn là dân chủ.
Là cha của nước Cộng hòa, ông chỉ chấp nhận một đảng duy nhất là Cần Lao, được thành lập và khuynh loát bởi ông em Ngô Đình Nhu, làm nòng cốt cho cái ông gọi là Phong trào cách mạng quốc gia. Phong trào này được tổ chức theo cơ cấu của một chính thể quốc gia, có tất cả các bộ chân rết như bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới, khiến bất cứ ai muốn được thành tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng, giáo sư hay công chức, đều phải là đảng viên Cần Lao. Hệ tư tưởng của Đảng và Phong trào là «thuyết Nhân vị», chỉ có một trường đào tạo duy nhất là «Trung tâm đào tạo nhân vị’, do người anh của tổng thống là Giám mục địa phận Vĩnh Long, Ngô Đình Thục sáng lập. Bất kỳ là Công giáo hay không, tất cả công chức đều phải qua một khóa học tập ít là một tháng tại đó. Các lớp học đều do các linh mục đảm nhiệm, nhồi nhét những khái niệm về nhân bản, con người được Thiên Chúa sáng tạo, giảng về những điều lầm lạc của Phật giáo, Khổng Giáo, về các tội ác của Cộng sản… Cuộc «tẩy não» này do chính các linh mục thực hiện, họ là những người chỉ biết triết học kinh viện tây Âu và «đã tiếp thụ tại Rôma cái khái niệm về Phật giáo do các cố cựu thừa sai dạy cho» (lời thú nhận của giám mục Thục).
Chân dung Ngô Đình Thục (Nguồn: Internet).
Vị giám mục này, anh của tổng thống, niên trưởng của hàng Giáo phẩm, đã hóa thành trí não tuyệt vời của chế độ. Người ta tìm tới ông để xin xỏ ân huệ, đặc quyền. Giám mục làm như hiện thân của Giáo hội, cũng như ông em là hiện thân của Nhà nước. Thật không phải vô cớ mà thiên hạ bàn tán về «óc hiếu thắng của Giáo hội» và chủ nghĩa gia đình trị của nhà họ Ngô. Đáp lại các lời chỉ trích, giám mục Thục nói năm 1963 rằng «Trên bàn giấy của tôi nằm chồng chất những lô đơn xin tôi can thiệp cho họ ơn này ơn nọ, khổ thay, thường chỉ là thế tục, từ chóp bu của Giáo hội, băng qua các đồng nghiệp của tôi trong hàng giám mục (…) và xuống cho tới những tầng lớp thấp nhất của quần chúng, bất phân màu da và tôn giáo (tôi có thể kể ra tên tuổi đáng kính như hồng y Feltin và đức cha Rô-đanh (Rodhain). Tôi không thể dửng dưng trước những lời kêu xin của họ. Cho nên có sự ăn qua giữa cái thiêng liêng và cái phàm tục! Ở vào địa vị tôi, các ông sẽ xử sự thế nào?» (ICI, 15.4.1963).
Từ 1955 đến 1963 là thời vàng son của chủ nghĩa cha chú, với những lợi ích thật chẳng bao nhiêu, nhưng với những hà lạm gây nhiểu tiếng tăm hơn, nhất là trong khi công chúng gồm 90% là ngoài công giáo mà bị kiểm hãm dưới một thứ «chính phủ công giáo». Khắp nơi, ở thành phố cũng như nông thôn, chiếc áo chùng thâm là biểu tượng của quyền thế.
Tại các vùng Công giáo di cư, cha xứ là toàn quyền, là những ông vua tuyệt đối. Giám mục Ngô Đình Thục cũng phải thừa nhận những chuyên hà lạm của các nhà độc tài áo đen. Trong một lá thư gởi cho một bạn cũ, ông viết: «Người ta có cả trăm hồ sơ, tố cáo các linh mục ăn cắp tiền của di cư, bằng những danh sách ma, bằng cách tẩy xóa sổ sách, bằng cách thu xếp để chiếm đoạt tiền bạc của chương trình Cải cách ruộng đất, hoặc bán hàng viện trợ Mỹ (theo các lời tố cáo của chính bà con di cư) hay là giữ tiêu riêng các khoản tiền họ nhận để xây dựng nhà ở cho bà con di cư: Nhà nước (và cả Giáo quyền) dễ dãi cứ nhắm mắt làm ngơ cái vụ đó, bởi vỉ linh mục rất cần cho việc huy động dân chúng trong cuộc chống Cộng.
Tại thành thị, các linh mục chẳng có bằng cấp, chẳng tài giỏi gì, mà vẫn điều khiển các trường tư thục, được tổ chức những áp phe vơ vét tiền bạc. Hai linh mục đã được cử làm viện trưởng của hai trong ba đại học của toàn miền Nam, trong đó có đại học Đà Lạt. Đại học này chỉ là Công giáo nơi danh nghĩa thôi. Đất đai và cơ sở kiến trúc của nó đều do Nhà nước đài thọ. Để có nguồn thu nhập cho đại học, giám mục Thục đã giành được độc quyền các vùng đốn cây tại Định Quán, là điểm ngon nhất nước. Ông cũng xin được những thửa đất ruộng mênh mông dọc bờ biển, để trồng dương liễu và dừa; công việc này được tiến hành nhờ có tiền vay được hàng triệu đồng của chính phủ. Đã có đại học Công giáo thì phải có sinh viên. Song Đà Lạt là một thành phố nhỏ miền cao nguyên, ở xa các trung tâm đô thị lớn và nhất là nó chỉ là một thành phố biệt thự dành cho hạng giàu có. Muốn cho đại học Công giáo này hoạt động, chính phủ quyết định dời khoa sư phạm Sài Gòn lên, đem theo toàn bộ sinh viên, anh chị em nào cũng có học bổng Nhà nước cấp.
Thế là nhờ có sự bảo trợ của giám mục Thục thuộc địa phận Vĩnh Long, sau nầy làm Tổng giám mục Huế, các sinh viên Công giáo đã giành được những vị trí then chót và lương bỗng cao. Tòa giám mục trở thành một loại phòng ngoài của dinh Tổng thống. Người ta thấy bộ trưởng, dân biểu, tỉnh trưởng, tướng tá (trong đó có nhiều người mới trở lại đạo) lũ lượt sắp hàng vào hầu đức cha. Tại các tỉnh, các linh mục cố vấn chính trị rất có ảnh hưởng cạnh tổng thống hoặc bên cạnh người em thứ ba của tổng thống – phó vương không danh nghĩa của miền Trung – các cha không ngần ngại tìm cách đưa con chiên mình vào thay thế các quận trưởng hay xã trưởng không công giáo.
Để thành lập những đơn vị bảo vệ dinh tổng thống Diệm chiêu mộ những người di cư tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình vốn nổi tiếng là dũng cảm và chống Cộng. Ông nói chuyện đó với linh mục Cao Văn Luận, một người rất thân tín. «Giả như tôi đem vào được ít chục ngàn chiến sĩ của Thanh Nghệ Tĩnh Bình và một chục cán bộ có khả năng cỡ cha Khai, thì mọi sự chắc chắn sẽ thành công. (Người ta biết rằng sau này linh mục Khai đã hối tiếc vì đã qua nhiệt tình phục vụ ông Diệm).
“Chính phủ công giáo” ngày càng trở nên lộ liễu khi ngành công binh, từng đoàn binh xa và vật tư của chính phủ được đưa ra sử dụng trong việc xây cất nhà thờ, chủng viện, các nhà thuê thuộc tòa giám mục; khi các cán bộ nông thôn và công chính được phái đi lo việc trồng dương liễu và dừa cho đức cha, khi các binh sĩ được biệt phái thường trực tại văn phòng Công giáo tiến hành, khi các giám mục có chỗ danh dự đứng bên cạnh tổng thống trong các nghi lễ công cộng, hay là trong các cuộc duyệt binh, khi chính phủ phê nhận luật gia đình của bà Nhu, em dâu của Diệm, áp dụng – trong một nước mà 90% dân là không công giáo – các khoản luật gần giống như trong Giáo luật. Khỏi nói tới việc dựng các tượng Đức Mẹ do tay tổng thống, có giám mục nọ kia phụ vào, tại nhiều điểm ranh giới để «nhờ Đức Mẹ che chở đất nước khỏi nạn Cộng sản».
Quả thế, Đức Mẹ cũng được đưa vào môi trường của chủ nghĩa hiếu thắng huênh hoang, nhất là dịp Đại hội Thánh mẫu tháng 2 năm 1959, có hồng y Agagian, sứ thần của Đức giáo hoàng qua chủ sự. «Ba trăm ngàn giáo hữu đã đi theo cuộc rước khổng lồ trong ngày kết thúc, sau đó hồng y đã long trọng dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm» theo tin tức báo chí thời ấy. Để cuộc rước đó thành công, ngoài sự tưởng tượng của Rôma và Pari, người ta đã huy động hàng ngàn tên công binh để xây dựng một bệ lớn trước nhà thờ chính tòa Sài Gòn, để dựng lên cổng chào, đồng thời đưa ra hàng trăm xe căm nhông để vận chuyển hàng chục ngàn giáo dân từ các tỉnh về.
Đức Mẹ cũng được cung kính đặc biệt tại La Vang, quãng 30 km mạn nam vĩ tuyến 17. Vì những lý do chính trị, ngôi nhà nguyện nhỏ mất hút trong rừng núi, bỗng trở nên một nơi hành hương cho toàn thể người Công giáo Việt Nam, thậm chí của toàn nhân dân Việt Nam! Được mệnh danh là «thành lũy thế giới tự do chống cộng sản», ngôi nhà nguyện khiêm tốn này vừa được nâng lên hàng Vương cung thánh đường từ sau Đại hội Thánh Mẫu, đã tiếp nhận vào tháng 8-1961 một cuộc hành hương khồng lồ nhất trong lịch sử chế độ Diệm. Ngày 16-8, tổng thống đích thân phú thác tương lai nước Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang. Trước mặt 200.000 người hành hương, đầy đủ các giám chức của Giáo hội, các bộ trưởng và công chức cao cấp, phần lớn không phải là Công giáo, tổng giám mục Ngô Đình Thục đã đọc lời kinh dâng nước Việt Nam cho Đức Mẹ, sau cuộc rước kiệu khổng lồ.
Nhằm biến La Vang thành một thứ Lộ Đức Việt Nam, hàng giám mục đã tổ chức tại La Vang để lấy cho được cỡ 10 triệu đồng dành cho việc xây nhà thờ mới, các tượng Thánh Giá và cái hồ «làm phép lạ». Vé số được phân phối một cách đương nhiên cho các công chức, Công giáo hay không cũng mặc, bằng cách khấu trừ tiền lương của họ. Các học sinh nghèo, nhất là tại các trường học miền Nam, cũng phải mua vé số. Một số vé được đem giao cho các công chức và quân sự phân phối. Tại Sài Gòn, một bữa tiệc kiểu Mỹ đã được tổ chức trong đó có khách được mời phải đóng 2.500 đồng (ngang với một tháng lương của công nhân) gọi là để đóng góp cho Trung tâm quốc gia La Vang. Danh sách các ân nhân «tự nguyện» của La Vang rất dài, với những người đứng đầu sổ là Phó tổng thống người Phật giáo, các bộ trưởng, các tướng tá, mỗi người dân cũng từ 10.000 đến 20.000 đồng.
Đối với Nhà nước cũng như giáo hội, La Vang không chỉ là một trung tâm tôn giáo, mà còn là biểu thị của chế độ chống cộng. Chẳng hạn khi bình luận cuộc hành hương năm 1961, tờ Viễn Đông, một tạp chí tuyên truyền của chế độ, đã viết: «La Vang là nơi hòa nhập nên một, đối với người Công giáo, bản chất lòng yêu nước với đức tin giải ra trước con mắt của kẻ tin một việc lựa chọn hai chiều thật đúng với việc quan phòng của Chúa. Và sự chọn lựa này hiện rõ một lần nơi cái dự án kỳ diệu không tả nỗi và nơi vị trí địa dư của La Vang. Nguyện đường năm ngay đường ranh giáp với chủ nghĩa cộng sản vô thần, từ nay nhà nguyện này nổi lên như một «con đê thiêng liêng của Nước nhà».
Bên cạnh chủ nghĩa hiếu thắng bề ngoài đó, phải nói thêm một thứ hiếu thắng khác về «mục vụ» như là đặc điểm của Giáo hội thời kỳ này, đó là việc đưa dân ngoại vào đạo. Giám mục Angxen (Ancel) phụ tá địa phận Lyon, đã nhắc lại lời giám mục Thục: «có những làng nguyên vẹn xin chịu phép rữa tội. Người ta không làm sao dạy giáo lý kịp cho họ… Và ông kết luận: «Đây là nước duy nhất tại Viễn Đông (không kể Philippin) đang trên đà trở lại đạo cả nước». Những con số người lớn chịu rữa tội, nhất là tại địa phận Qui Nhơn xem ra phù hợp với cảm tưởng của vị giám mục Pháp: 16.323 năm 1956-1957, 27.385 năm 1958-1959, 37.429 năm 1960-1961. Năm 1959, tại Qui Nhơn, chỉ trong một tháng, 61.000 người xin chịu phép rửa tội. Ơn Chúa hình như, đùng một phát, tuôn xuống như mưa trên địa phận của giám mục Phạm Ngọc Chi, giám mục phụ trách di cư những năm 1954-1956, ông đã nhận được từ cơ quan Viện trợ Công giáo Hoa kỳ 38 triệu đô la, của tổ chức viện trợ Pháp cũng như Caritas quốc tế còn nhiều triệu khác nữa.”
Phong trào trở lại đạo hàng loạt như thế vừa là kỳ diệu vừa gây khó chịu, bởi vì dân chúng trong vùng do đã sồng dưới quyền kiểm soát của Việt minh trong thời chiến tranh Pháp – Việt. Giám mục Chi đã cho chúng tôi biết rằng phép lạ đó, một phần vì nhờ có việc tuyên truyền «thuyết nhân vị» của chính phủ, dọn đường cho quần chúng tại đây tìm gặp được đạo Công giáo và đàng khác nhờ các việc từ thiện Công giáo, các trường học, cô nhi viện, nhà thương, điểm phát quần áo, bánh mì và lương thực. Có người cho rằng việc theo đạo hàng loạt đó chỉ lập lại theo ngạn ngôn đã có từ thời Pháp, «đi đạo lấy gạo mà ăn» thôi. Quả thế, viện trợ Công giáo từ ngoài vào đều do các linh mục tự tiện thao túng và thường chỉ dành để phân phát cho người Công giáo. Dân chúng miền Trung này, là vùng nghèo nhất miền Nam, chẳng qua đã tìm nơi việc theo đạo Công giáo một phương tiện kiếm ăn. Có những người cũng cho rằng họ vào đạo để khỏi bị sách nhiểu về chính trị. Quần chúng ở đây, vì đã từng sống lâu năm dưới chế độ Việt minh, nên bị tình nghi có liên hệ với «kẻ địch», bây giờ vào đạo là gặp được con đường để tỏ lòng trung thành với chế độ hoặc ít ra tránh được những quấy nhiểu của cảnh sát. Đó là ơn Chúa hay chỉ là do động cơ khác của con người? Có thể nói là cả hai phía vậy.
Điều chắc chắn là phong trào trở lại đạo đó chấm dứt với năm 1963, ngay khi tổng thống công giáo Diệm bị lật đổ.
Về phép lạ Qui Nhơn, nên đọc thêm những gì viết sau đây của báo Missi (1-1959): «Các linh mục phải kêu xin tiếp cứu. Giám mục Fulton Shenn đã nghe những lời yêu cầu đó và người Công giáo Hoa Kỳ đã hợp tác với giám mục Chi. Hàng ngàn tràng chuỗi, sách kinh đã được gửi tới Qui Nhơn, cũng như những lô ảnh vẻ Đức Mẹ và tượng Chúa Kitô là những dấu hiệu đầu tiên của con người mới.
Người ta nói đến lý do chính trị của cuộc trở lại. Điều đó chắc chắn là có và có một cách hết sức đặc biệt.
Mùa hè 1955, Ngô Đình Diệm tung ra chiến dịch Tố Cộng và qua luật 10-1959, ông đã lập các Tòa án quân sự đặc biệt, như một bộ máy đàn áp. Luật này, kết án tử hình và phải thi hành trong vòng 3 ngày, khỏi có quyền bào chữa, tất cả những người Cộng sản, những người có quan hệ với Cộng sản (những chiến sĩ yêu nước chống Pháp, cả cha mẹ và bạn bè của họ), tất cả những bị cáo được xem là phạm đến an ninh quốc gia. Các cuộc càn quét đã bắt về ngàn «tên đỏ», từ nay gọi là Việt cộng và nhiều người trong số đó đã bị giết. Một số khác may mắn hơn, như ông Nguyễn Hữu Thọ, rồi đây sẽ là Chủ tịch Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng, từng là luật sư ở Sài Gòn và là Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Sài Gòn Chợ Lớn, phải sống lê lếch trong các trại giam. Trong lãnh vực này, tài liệu bí mật của Lầu Năm Góc cũng giống như những gì do chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa phổ biến hồi đó: «Suốt thời gian của cái gọi là chiến dịch Tố cộng được tung ra mùa hè năm 1955, từ 50.000 đến 100.000 ngàn người đã bị nhốt vào ngục. Nhưng như bản báo cáo có nói, phần lớn những kẻ bị bắt đây không phải là đảng viên Cộng sản». Đó là lời của Bơttơphiu (F. Butterfield) viết trong bản phân tích Tài Liệu Lầu năm góc. Tác giả còn thêm: «Chương trình công dân vụ đã thất bại, bởi vỉ tổng thống Diệm hầu như chỉ phái toàn những người di cư miền Bắc hay là công giáo đến các làng đó. Nông dân cho rằng những thứ người đó không phải là người của họ” (Pentagon Papers, tr.82).
Mặc dầu thái độ thiên vị của Diệm không chỉ nằm lại nơi các bảng thống kê, cũng cần ghi nhận rằng, trong một miến Nam chỉ có 10% là Công giáo, mà tại Quốc hội có tới 30% dân biểu Công giáo, với 3 vị chủ tịch quốc hội liên tiếp là Công giáo: trong bộ máy hành chánh, có 9 trên 14 tỉnh trưởng miền Trung và 14 trên 18 tỉnh trưởng miền Nam là Công giáo, trong chính phủ thì 4 trong số 12 bộ trưởng là Công giáo và trong quân đội 3 trong số 16 tướng lãnh là Công giáo.
Các bản thống kê nói trên cho thấy một khuôn mặt xã hội không mấy đúng đắn về người Công giáo Việt nam. Như đã trình bầy ở trên, gần như toàn thể giáo dân người Việt là thành phần nông dân, nghèo đói. Cho đến năm 1954, giữa đám rừng tác giả và thi sĩ nổi tiếng, người ta chỉ đếm được một thi sĩ là công giáo. Rất ít người là trí thức. Như vậy, việc tăng vọt số người Công giáo trong chính trường cần được giải thích không phải vì họ có nhiều trí thức trình độ vượt trổi, hay là tài ba lỗi lạc hơn thiên hạ trong lãnh vực quản lý hành chánh và chính trị.
Trong một báo cáo được soạn thảo vào cuối tháng 8, theo chỉ thị của tòa Khâm sứ Sài Gòn, để gửi cho Vatican, một linh mục khá thông thạo các các vấn đề Việt Nam có viết: «Người ta đã nói đến tiếng «hiếu thắng». Tôi nghĩ tiếng đó không phải là thái quá để đánh giá cách xự sự của một số giám mục và linh mục. Trong các cuộc lễ nhậm chức giám mục hai năm trước đây cho hai đức cha Qui Nhơn và Đà Nẵng, người ta đã tổ chức những cuộc biểu tình khổng lồ. Không phải tất cả do người Công giáo đơn phương làm. Nhân sự và phương tiện của chính phủ đã góp một phần lớn vào các cuộc tập họp đó, mà không phải bao giờ cũng do lòng tự nguyện…»
«Các đêm canh thức Giáng sinh, các Tuần Ta, nhật Tuần thánh của chúng tôi, được tổ chức với sự hỗ trợ to lớn của quân đội và bộ Thông tin, gây nên ganh tỵ nơi người Lương. Và các vụ xổ số, hội chợ do các linh mục tổ chức để có tiền làm việc thiện, gây bực bội cho rất nhiều người trong quần chúng. (Tài liệu này, chúng tôi có bản sao, chắc đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới đường lối của Vatican thời kỷ này)».
Một biến cố cuối cùng, lẽ ra phải đánh dấu tuyệt đỉnh của chủ nghĩa hiếu thắng, nếu không có vụ khủng hoảng Phật giáo nổ ra: Tổng giám mục Thục đang chuẩn bị lễ Ngân khánh, ăn mừng 25 năm làm giám mục, ngày 29-6-1963. Từ tháng 3, một Ủy ban Ngân khánh đã được thành lập, do Chủ tịch Quốc hội làm chủ tịch, với nhiều vị bộ trưởng và nhân vật tên tuổi làm ủy viên. Người ta tổ chức tại Sài Gòn một bữa tiệc mỗi thực khách phài đóng 5.000 đồng và tại các tỉnh thì tổ chức các cuộc lạc quyên, vừa xin vừa ép, với những cuộc xổ số do tỉnh trưởng chỉ thị. Người ta muốn biến cuộc lễ Ngân khánh của Giám mục thành Quốc lễ. Nhưng cuộc lễ này đã chỉ ăn mừng «trong thân mật», do cuộc nổi lên của Phật tử.
.............
Hãy cứ cho thêm, hãy còn cho mãi
Mai ta đi nào kịp vẫy tay chào.
(Phạm Nhuận)
No comments:
Post a Comment