Lãnh đạo báo Tuổi trẻ cho rằng, phóng viên của họ bị “cản trở tác nghiệp” và việc ra quyết định xử phạt hành chính là thiếu căn cứ. Trong khi đó, cơ quan công an khẳng định phóng viên đã “xâm phạm hiện trường”.
Xử phạt thiếu căn cứ?
Hôm qua (30/9), phát ngôn chính thức trên báo Tuổi trẻ, ông Lê Xuân Trung, Phó tổng biên tập báo này nói: “Chúng tôi đề nghị Công an TP Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Theo lời anh Quang Thế tường trình với chúng tôi, anh chỉ có lỗi để xe máy trên cầu Nhật Tân khi vội vàng tác nghiệp, chứ không bị những lỗi khác như quyết định xử phạt của Công an quận Tây Hồ”.
Ông Lê Xuân Trung cho biết thêm, những hình ảnh ghi lại vụ việc này cũng cho thấy các nhà báo đã bị ngăn cản ngay từ đầu nên họ không thể tác nghiệp, chưa thu thập được thông tin về vụ tài xế taxi tự tử. Hiện trường không được giới hạn rõ trong phạm vi nào nên không thể kết luận các nhà báo đã “vào khu vực cấm” và “cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân” như quyết định xử phạt quy kết.
Phó tổng biên tập báo Tuổi trẻ cũng cho rằng, cơ quan công an không có biên bản về các lỗi hành chính mà anh Quang Thế bị cho là vi phạm thì căn cứ trên cơ sở nào để xử phạt anh Thế rất nhiều lỗi như vậy?
Công an Hà Nội khẳng định phóng viên “xâm phạm hiện trường”
Trong khi đó, phát ngôn trên báo An ninh Thủ đô, thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng Thanh tra pháp luật, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội - phân tích, theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, lực lượng bảo vệ hiện trường có thể căng dây, nhưng trong trường hợp khẩn cấp chưa có dây để căng, những người làm nhiệm vụ có trách nhiệm, quyền hạn cao nhất trong việc thông báo, yêu cầu những người không có nhiệm vụ không được xâm phạm hiện trường.
Theo ông Hùng, trong sự việc xảy ra ở cầu Nhật Tân sáng 23/9, Công an xã Vĩnh Ngọc, cán bộ công an Đồn Công an Bắc Thăng Long trong trang phục cảnh sát và chiến sỹ Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh đã hướng dẫn rõ và yêu cầu đối với người không có nhiệm vụ rời khỏi hiện trường. Trong trường hợp ấy, lực lượng thực thi nhiệm vụ chính là những “cột mốc sống” xác định khu vực hiện trường.
Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng thông tin thêm về những yếu tố liên quan đến khái niệm “hiện trường”. Theo đó, căn cứ Điều 2, Quyết định số 13/2010/QĐ-TTg ngày 12/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ, quy định danh mục bí mật Nhà nước, thì “Hoạt động nghiệp vụ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc lực lượng CAND là bí mật thuộc độ Tối mật”. Hoạt động bảo vệ hiện trường, khám nghiệm hiện trường chính là hoạt động nghiệp vụ, thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Bên cạnh đó, Điều 14, Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28-3-2002 của Chính phủ quy định, “người không có phận sự không được phép tiếp cận khu vực, địa điểm cấm và nơi cất giữ bí mật Nhà nước”.
Theo ông Hùng, anh Thế và một số người không được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng vẫn cố tình tìm cách vào hiện trường, bị lực lượng chức năng yêu cầu rời hiện trường, là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Cũng theo thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, đơn tố giác của phóng viên Quang Thế về việc bị hành hung gây thương tích trên cầu Nhật Tân đã được Công an xã Vĩnh Ngọc và Công an huyện Đông Anh tiếp nhận giải quyết kịp thời, đúng thủ tục, trình tự. CQĐT cũng đã đề nghị trưng cầu giám định để đánh giá ảnh hưởng thương tích, sức khỏe đối với anh Thế, nhưng anh Thế từ chối. Anh Thế cũng không có yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với người gây thương tích. Vì vậy, căn cứ theo quy định của Bộ luật Hình sự, CQĐT xác định không đủ các yếu tố, chứng cứ để ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
Minh Đức (Báo Tiền phong điện tử)
No comments:
Post a Comment