2016/08/20

Giáo hội Công giáo hoàn vũ tiến tới thông qua việc phong chức cho những người đàn ông đã lập gia đình, đâu là điểm mấu chốt?

Chiềng Chạ


Như đã thông tin ở Entry trước đó, trước những sức ép của chức sắc tại một số nước, trong đó điển hình là của 200 Linh mục đã lập gia đình ở Kenya về việc đề nghị Giáo hoàng thông qua đạo luật cho phép các Linh mục được lập gia đình, hủy bỏ luật độc thân đối với những người được ơn gọi của Thiên chúa. Mới đây nhất (2-8-2016), để xoa dịu dư luận và cũng là một động thái có ý nghĩa đáp trả lại những kiến nghị hủy bỏ luật độc thân trong hàng giáo phẩm đạo Công giáo, Giáo hoàng Phanxico đã thành lập Ủy ban nghiên cứu về chức phó tế phụ nữ và bổ nhiệm 1 vị chủ tịch và 12 thành viên.

Mục đích của động thái này từ Giáo hoàng không ngoài tạo ra một sự cân bằng cần thiết trong hàng giáo phẩm đạo Công giáo hoàn vũ sau những vụ tai tiếng liên tiếp vừa qua như nạn ấu dâm hay những tệ nạn mà một bộ phận chức sắc là nam giới gây ra ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội và chính bản thân Giáo hoàng. 

Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là những động thái có tính trì hoãn đó từ Giáo hoàng đã không thể ngăn cản việc Thượng hội đồng tiến tới việc bàn việc phong chức cho những người đàn ông đã có gia đình. 

Hay nói cách khác, nếu "dự luật" này được thông qua, các Linh mục sẽ là những người có gia đình và đương nhiên, khi đó đời sống của họ sẽ không còn là Kito thứ hai sau Thiên chúa, đại diện cho Thiên chúa chăn dắt đàn chiên nơi trần thế! Sức ép từ hàng giáo phẩm, nhất là các giáo hội đã thông qua việc chức sắc có quyền lấy vợ dù điều này gặp phải sự phản đối của Giáo hoàng và các bộ trực thuộc Tòa thánh và những vấn đề tiêu cực đang tồn tại ở một số giáo phận đang có nguy cơ làm suy giảm đức tin của một bộ phận tín hữu của tôn giáo này!

Và đến đây, một câu hỏi được đặt ra là đời sống của họ (Linh mục) sẽ như thế nào nếu họ được phép lập gia đình? Liệu sự linh thiêng, những quyền năng mà họ đã từng được đại diện cho Thiên chúa, thay Thiên chúa ban phát, thánh hóa nơi trần thế có còn nguyên gia trị hay sự hiệu nghiệm thường thấy? Xa hơn, điều này có ảnh hưởng tới những trật tự đã được Tòa thánh cũng như các giáo phận trên toàn thế giới thiết lập bấy lâu nay? 

Cũng xin nói thêm rằng, cho tới nay, nhân tố góp phần thiết lập nên sự trật tự, thống nhất, chặt chẽ của giáo hội Công giáo các cấp chính là đức tin. Chính đức tin đã khiến cho những tín hữu của tôn giáo này tin hơn, trân trọng hơn vào chính tôn giáo của chính mình. Nền tảng để đức tin hình thành một cách bền vững đó được góp công rất lớn từ đời sống tu học khổ hạnh và chính khiết của những vị chức sắc này. Vì thế, khi đã lập gia đình thì đồng nghĩa với việc sự tin tưởng của các tín hữu giành cho họ sẽ bị suy giảm. Cái sự lo lắng của Thánh Phaolô tông đồ đã từng nói ra sẽ thành hiện thực: "Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa. Họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời. Họ tìm cách làm đẹp lòng vợ. Thế là lòng họ bị chia đôi." (1 Cr 7,32-34)

Chính những thứ mà tôi xin tạm gọi là tiêu cực hay những hệ lụy này đã là nguyên nhân khiến đạo Công giáo phải thay đổi theo hướng quy định đời sống độc thân của hàng giáo phẩm dù cho thời kỳ đầu của giáo hội, linh mục được lập gia đình. Nhấn mạnh về điều này, Công đồng Vatican 2 (1962-1965) số 16 của Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục (Presbyterorum Ordinis) đã tái xác định và quyết định như sau: 
"Bậc độc thân có rất nhiều thuận tiện cho chức linh mục… các linh mục được thánh hiến cho Chúa Kitô với một lý do mới mẻ và tuyệt hảo được kết hợp cách dễ dàng với Người bằng một trái tim không chia sẻ, tận hiến cách tự do hơn trong Người và nhờ Người để phục vụ Thiên Chúa và loài người, sẵn sàng hơn trong việc phục vụ Nước Chúa và việc tái sinh siêu nhiên... Thánh Công Đồng này phê chuẩn và xác định luật độc thân này một lần nữa đối với những ai muốn chịu chức linh mục…Chúa Cha rộng tay ban phát ơn này, miễn là những người tham dự chức linh mục của Chúa Kitô qua bí tích truyền chức khẩn khoản nài xin..." (PO 16)
Còn một vấn đề nữa mà những ai hiểu về đạo Công giáo, về hàn giáo phẩm của tôn giáo lớn nhất thế giới này cần hiểu. Đó là cho đến nay, cùng với việc thiết lập cùng lúc 02 hệ thống trong mô hình của giáo hội: Triều (hay gọi là các giáo xứ, giáo họ) và Dòng (hệ thống các dòng từ đó các chức sắc lập nên). Chính điều này đã tạo nên 2 dạng Linh mục: Linh mục Triều và Linh mục Dòng. Điều kiện xuất thân cũng như đời sống sau khi đã trở thành thừa tác viên của chúa đã làm cho tâm lý, tính cách và cách thức mục vụ của 02 dạng Linh mục có phần khác biệt nhau. Đây cũng là nguyên nhân khiến nảy sinh ít nhiều những mâu thuẫn, bất đồng khi họ cùng ra coi sóc tín hữu. Hệ thống song hành của 02 dạng Linh mục này tại địa phận Vinh cho thấy rất rõ điều này. Và thử hỏi rằng, điều gì sẽ xảy ra khi có thêm một dạng Linh mục nữa, đó là Linh mục nhưng lại có gia đình? 

Ở đây, những ai quan tâm đều hiểu rằng, sở dĩ Giáo hoàng phải đi đến triệu tập Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sắp tới bàn về thừa tác vụ, trong đó có việc liệu có nên phong chức cho những người đàn ông đã lập gia đình để họ cử hành các bí tích hay không xuất phát từ việc ngày càng ít những người chịu dấn thân để trở thành Linh mục do chính sự khắt khe, khổ hạnh của công việc đặc thù này (trong đó có việc không được lấy vợ). Điều này kéo theo một thực tế là "Hơn một nửa các cộng đồng của Giáo Hội Công Giáo trên thế giới không có linh mục trú sở. Giáo phận Xingú ở vùng Pará, Ba Tây, chẳng hạn, có 800 giáo xứ trong một khu vực truyền giáo xét về lãnh thổ lớn bằng nước Đức, nhưng chỉ có 27 linh mục, điều này có nghĩa hơn 2 phần 3 tín hữu chỉ được tham dự thánh lễ Chúa Nhật 2 hoặc 3 lần trong một năm". Nghĩa là chính quy định đời sống độc thân của Linh mục đang khiến cho đạo Công giáo hoàn vũ đối diện với việc thiếu chức sắc thay Thiên chúa thực hiện các thừa tác vụ và kéo theo niềm tin, đức tin của tín đồ đối với Thiên chúa đang trở nên khô, nhạt tại một số giáo phận trên thế giới. 

Như vậy, dù chưa ai có thể đoán định được 100% viễn cảnh đời sống của các Linh mục sau khi được phép lập gia đình. Song nếu như việc cho phép Linh mục lập gia đình để cứu vãn sự suy giảm về mặt đức tin do thiếu Linh mục tại một số giáo phận thay vì duy trì môt trật tự đang làm cho đa số các giáo phận thuộc giáo hội Công giáo hoàn vũ ổn định, khuôn phép và thăng tiến hơn thì liệu rằng nó có nên diễn ra. Hay nói cách khác, có nên hay không khi Giáo hội Công giáo hoàn vũ chấp nhận hi sinh cái sự đa số tiến bộ chỉ để cứu vãn cái sự thiểu số tiêu cực đang tồn tại? 

Đây có lẽ là một câu hỏi không quá khó để có được một câu trả lời thích hợp nhất và với những gì đã thể hiện thời gian qua thì tin chắc rằng Giáo hoàng Phanxico sẽ không bao giờ chịu hi sinh cái đa số để cứu cái thiểu số. Nhất là trong bối cảnh Giáo hội Công giáo hoàn vũ đang đối diện với những nguy cơ khác ngoài vấn đề suy giảm đức tin. Khả năng Giáo hội Công giáo hoàn vũ tiến tới thông qua việc phong chức cho những người đàn ông đã lập gia đình trong hội nghị Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới sắp tới vì thế đang bị nghi ngờ. Và có chăng, đó là điều mà Giáo hoàng Phanxico muốn thực hiện để đảm bảo rằng, những điều được đề nghị không bị âm ỉ và biến thành một nguyên nhân khác dẫn tới những vấn nạn tiếp theo trong giáo hội. 

No comments: