2016/08/29

Cửa ải "sự khác biệt" trong quan hệ Việt - Mỹ

Kính Chiếu Yêu



Sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ và sau đó là chuyến thăm đáp lại của Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam giới phân tích, bình luận chính trị coi như hai quốc gia cựu thù đã khai thông các huyệt đạo bị o bế làm ứ trệ mối quan hệ hợp tác Việt-Mỹ.

Người ta cứ tưởng quan hệ hợp tác Việt-Mỹ đã hết thời kỳ nói suông mà bước vào giai đoạn hành động nhằm thực thi những thỏa thuận cụ thể để xây dựng lòng tin, để phát triển. Tuy nhiên không dễ dàng như vậy, bên cạnh hoạt động kinh tế có phần nhộn nhịp hơn thì quan hệ chính trị vẫn chưa vượt qua "sự khác biệt" như các chính khách đôi bên đã nói. 

Xem ra, điều lo ngại lớn nhất mà nhiều người nghĩ đến là chuyện “gác lại quá khứ” đau buồn của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ để cởi mở trong các quan hệ hợp tác song phương là khó khăn nhất lại được hóa giải nhẹ nhàng hơn là chuyện bỏ qua sự khác biệt về chế độ chính trị.

Những bài test về chính trị mà người Mỹ đưa ra sau chuyến thăm của Tổng thống Obama hầu như chẳng có gì thay đổi và chẳng tinh tế chút nào. Trường ĐH Fullbright sẽ không đưa môn học lý luận Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào chương trình; Quốc hội Mỹ vẫn dung túng cho một số nghị sỹ giữ giọng điệu thổi phồng, kẻ cả qua các phiên điều trần về tôn giáo, nhân quyền Việt Nam; Công dân Mỹ gốc Việt vẫn thường xuyên công khai tổ chức các hoạt động tiếp tay, hỗ trợ cho những hoạt động chống đối chính trị từ bên trong Việt Nam nhưng không bị phía Mỹ xử lý.

Ai cũng có thể nhận thấy, thế giới này có nhiều quốc gia có sự “khác biệt” với Mỹ có quan hệ đối tác toàn diện, chiến lược, thậm chí là đồng minh với Mỹ mà nội tại các quốc gia đó còn rất nhiều những vấn đề khiếm khuyết về thể chế chính trị, tôn giáo, nhân quyền, nhưng trong khi mối quan hệ hợp tác của họ với Mỹ phát triển bình thường, thậm chí là nồng ấm thì Việt Nam lại luôn gặp trở ngại với Mỹ.

Có lẽ nguyên nhân chính là do Việt Nam và Mỹ đã từng xảy ra một cuộc chiến tranh khốc liệt mà cuối cùng Mỹ đã bị thất bại. Vì thế, với tư cách là một cường quốc đứng đầu thế giới thì hội chứng Việt Nam là một vấn đề không dễ dàng để quên với người Mỹ. Do đó, “Sự khác biệt” trong quan hệ Mỹ-Việt, không phải chỉ là khác về thể chế chính trị mà nó là vấn đề uy danh nước Mỹ, là điều khó chấp nhận của “nước lớn”. Nói cách khác “sự khác biệt” tồn tại trên động cơ thù hận của nước Mỹ với Việt Nam chưa thực sự nguôi ngoai hơn là sự khác biệt về thể chế.

Với tư tưởng hòa hiếu trong bang giao của Việt Nam thì “sự khác biệt” về chính trị trong mối quan hệ hợp tác Việt - Mỹ về phía Việt Nam là rất dễ dàng vượt qua, bởi lẽ đơn giản Việt Nam là nước nhỏ, muốn làm bạn với Mỹ trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi. Hơn nữa Việt Nam không phải là bên thất bại trong cuộc chiến trong lịch sử.

Như vậy, “vượt qua khác biệt” là vấn đề chủ yếu dành cho người Mỹ. Việt Nam không có ý tưởng và không có khả năng chống phá, bao vây, cấm vận, hay tiến hành cái gọi là “cách mạng màu” với nước Mỹ hoặc áp đặt dân chủ, nhân quyền kiểu Việt Nam vào Mỹ. Ngược lại, kể từ sau năm 1975 nước Mỹ luôn tìm cách để chống phá Việt Nam. Nay đã trong tình thế bang giao mới với những "tuyên ngôn" mới của chính khách hai nước, nhưng người Mỹ vẫn không hề thay đổi cách nghĩ và hành động để vượt qua "sự khác biệt".

Những động thái can thiệp thô bạo, vẫn theo những bài bản cũ, không thèm đếm xỉa đến những nỗ lực cải thiện, đáp ứng của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo trong điều kiện kinh tế, xã hội đang nhiều khó khăn từ phía Mỹ đã làm giảm sút, lung lay lòng tin người Việt về thiện chí "vượt qua khác biệt" của Mỹ.

Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố lòng tin là yếu tố quyết định thành bại mối quan hệ hợp tác đôi bên giữa các quốc gia. Lòng tin đó chỉ có được khi và chỉ khi cả Mỹ và Việt Nam thực sự “gác lại quá khứ”, “vượt qua khác biệt”. Và rõ ràng, trong ứng xử của mình Việt Nam đã, đang thực sự “vượt qua sự khác biệt” không chỉ bằng lời nói mà bằng cả hành động thì tại sao nước Mỹ không vượt qua nổi những chuyện vụn vặt về sự khác biệt trong quan niệm dân chủ, nhân quyền để mối bang giao được tốt hơn. 

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ đều mong muốn Mỹ và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, phát triển nhưng đáng tiếc chính giới phía Mỹ vẫn chưa vượt qua được cửa ải về "sự khác biệt".

No comments: