2016/08/21

Án mạng và thước đo nhân tâm

Kính Chiếu Yêu


Như một quy luật, cứ mỗi lần có án mạng đặc biệt nghiêm trọng là cư dân mạng và cũng đồng thời là tâm trạng xã hội lại như một cơn bão nhiệt đới. Nó đến và đi cũng rất nhanh nhưng dấu ấn của nó thì lại rất rõ rệt và đặc biệt là khá khách quan. 


Liên tiếp những vụ kiểu như Bình Dương, miền tây Nghệ An, Xín Mần Hà Giang… rất man rợ, mất nhân tính. Khi nó mới diễn ra, dư luận đã sôi lên với tiếng nói chung căm phẫn kẻ phạm tội, thương xót người bị hại. 
Hung thủ và 02 nạn nhân trong vụ án rúng động tại Văn phòng Tỉnh ủy và ban Tổ chức tỉnh ủy Yên Bái (Nguồn: Internet). 

Còn lần này, cũng là án mạng, ba người đã ra đi song tâm trạng xã hội lại rất khác, không căm gét kẻ phạm tội và cũng không thương xót người bị hại! Thậm chí có chút tâm trạng hã hê trước việc mạng sống chính đáng của con người bị tước đoạt. Vì sao vậy? 

Chẳng thể lạm bàn gì về nguyên nhân, động cơ vụ việc, vì rằng tất cả còn chưa rõ ràng và chỉ có cơ quan chuyên môn mới đưa ra được nhận định, kết luận về vụ việc, đánh giá hậu quả. Song trước mỗi sinh linh phải chết một cách tức tưởi thì đồng loại (con người) có thể bộc lộ thái độ yêu - ghét. Vì sao trong vụ này họ không có thái độ bênh vực người đã khuất? 

Đứng trước tình trạng đó, một số ý kiến có vẻ từng trải thì cho rằng, không nên vui mừng, đùa cợt trước cái chết của đồng loại. Biết đâu họ là những người tốt, người đáng được bảo vệ. Cũng có thể như vậy thật vì theo chiều suy đoán thì đây là mâu thuẫn không thể dung hòa giữa một bên là người quản lý và bên kia là người bị quản lý.Tuy nhiên, ý kiến đó cũng chỉ đủ để xoa dịu chút dư luận chứ không thể lấn át được thực tế dư luận dửng dưng với cái chết của các quan chức Yên Bái. 

Một vài ý kiến cực đoan quá khi nói rằng dân không thương xót quan là do quan cộng sản là như vậy, quan cộng sản triệt hạ nhau thôi mà, cộng sản thì chiếm quyền bằng bạo lực nên chuyện dung bạo lực để triệt hạ nhau là chuyện của họ, chẳng có gì đáng quan tâm. Nói vậy là sai, vì rằng bản chất cộng sản không phải như vậy, thực tế là chính quyền cộng sãn đã giải phóng cho nhân dân, được dân ủng hộ. Quan cộng sản nhiều người còn được dân phong thánh, tôn thờ như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, yêu kính như Nguyễn Bá Thanh. Thực ra, như là một chứng bệnh xã hội, lâu nay, dù ở hình thái xã hội nào thì khoảng cách giữa quan và dân luôn tồn tại. Ngắn hay dài, rộng hay hẹp, sâu hay nông là do quan niệm về mối quan hệ và cách thức hành xử trong mối quan hệ tương tác giữa dân và quan. Nếu cho rằng quan là để cai trị, quản lý dân thì khoảng cách quan - dân sẽ khác với quan niệm quan là để phục vụ dân. Trong ứng xử, trọng dân, yêu dân thì được dân thờ còn xa dân, nhiễu dân thì dân ghét. Thời nào cái sự trọng dân, yêu dân trở nên phổ biến thì xã hội thịnh trị, còn ngược lại thì suy tàn. Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói về xây dựng một chính quyền kiến tạo, chính quyền phục vụ nhân dân là vậy. 

Thước đo tâm trạng xã hội của nhân dân trong biểu thị thái độ với quan là rất quan trọng để chế độ chính trị chon lựa chính sách quan lý sao cho được lòng dân. Có vậy mới giữ được chế độ. Biểu hiện hiện nay, kiểm chứng qua vụ việc này cho thấy tâm trạng xã hội ngày nay là không trọng quan, không tin quan. Vậy nên họ thờ ơ với sự mất mát của quan, thậm chí có chút hả hê. 

Nói điều này có thể là bất nhã nhưng sự thật là lâu nay chưa có vụ nào thảm sát quan như vụ này nên chưa có phép thử lòng dân. Nay đã có rồi đó nên đừng lãng tránh sự thật là quan hệ quan- dân thì dân đang có thái độ mặc cảm, xa lánh, coi thường, thậm chí là khinh rẻ quan. Với chỉ số lòng dân như vậy liệu có “tát cạn được biển đông”, liệu khi có biến thì xã hội sẽ rối ren đến mức nào. 

Chống quan liêu, tiêu cực, tham nhũng là phương thuốc đặc trị để tăng cường chỉ số lòng dân ủng hộ chế độ, điều đó ai cũng biết, Đảng thì càng biết. Song, xem ra công cuộc chống quan liêu, tiêu cực tham nhũng còn dè dặt lắm nên lòng dân chưa thuận. Mấy vụ được xem là “đã hổ diệt ruồi” vừa qua vẫn chìm trong im lặng. Câu chuyện kê khai tài sản vẫn cứ như gà mắc tóc với một chủ trương phản cảm, công khai hay không và công khai đến đâu. Chớ coi thường tâm trạng xã hội vì đấy là ý dân.

Khổng Tử từng nói: "Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi"... Có nghĩa là: Có thể ép buộc dân theo đường lối của mình, nhưng không thể cấm đoán suy nghĩ của con người...".... Vậy nên, làm quan chăn dân, trị nước hãy ráng làm cho chỉ số lòng DÂN trên cái THƯỚC NHÂN TÂM ngày càng cao hơn thì mới yên và bền được..., thì mới mong dân thương, dân mến, dân xót được đau trước mất mát của quan.

No comments: