TP - Để cải thiện hình ảnh Thủ đô, trong đó có môi trường đầu tư, giao thông và thủ tục hành chính, nhiều năm qua, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội đã mạnh tay đưa ra nhiều chương trình mục tiêu xóa rào cản trong những lĩnh vực trên. Tuy nhiên, sự chuyển mình chưa được nhiều khi người dân, doanh nghiệp đi lại, giao dịch tại nhiều cơ quan, đơn vị ở Thủ đô vẫn thấy “tắc” ở nhiều cửa, nhiều hướng và nhiều lĩnh vực.
Ngột
ngạt, tắc đường, hậu quả của sự quá tải hạ tầng là những nỗi bức xúc
của người dân (Ảnh tắc đường thường xảy ra trên đường Trần Duy Hưng - Hà
Nội vào giờ tan tầm). Ảnh: Như Ý
Bài 1: Mỗi ngày mất hơn 40 tỷ đồng vì ùn tắc
Ùn
tắc giao thông tại Hà Nội đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh
doanh của nhiều ngành nghề. Theo tính toán của các chuyên gia giao
thông, mỗi ngày, ùn tắc làm người dân và ngân sách Thủ đô mất hơn 40 tỷ
đồng.
Mỗi người bị ùn tắc 15-20 phút/ngày
Nhiều
chuyên gia giao thông cho rằng, theo logic học, giao thông không sinh
ra của cải vật chất, nhưng giao thông lại không thể thiếu đối với bất kỳ
hình thức kinh doanh, sản xuất nào trong xã hội. Từ cái kim cho đến
những sản phẩm được làm ra như ô tô, máy bay, nếu không có giao thông
thì những sản phẩm này vô giá trị.
“Tuy
không trực tiếp làm ra của cải, vật chất nhưng giao thông lại đang đóng
vai trò quyết định đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của tất cả sản
phẩm được làm ra”, TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia đã có nhiều nghiên
cứu, khảo sát về giao thông Hà Nội, nhấn mạnh.
Ông
Thủy cho biết, không chỉ nghiên cứu của ông, mà qua khảo sát về tình
hình giao thông tại Hà Nội, Ban ATGT của Liên Hợp Quốc, chỉ ra rằng, với
dân số trên 7 triệu người, ít nhất mỗi ngày thành phố Hà Nội có 70% số
người đi ra đường. Nếu tính cả đi và về, mỗi ngày sẽ có 14 triệu lượt
người tham gia giao thông. Với tình hình giao thông như hiện nay, theo
tính toán ít nhất mỗi người sẽ bị ùn tắc 15 - 20 phút/ngày.
Nếu
lấy thời gian bị ùn tắc nhân với chi phí người dân, xã hội phải bỏ ra
do muộn giờ làm, giờ sản xuất kinh doanh, buôn bán, hao phí nhiên liệu
phương tiện, ô nhiễm môi trường… mỗi năm người dân và ngân sách Hà Nội
mất khoảng 15.000 tỷ đồng, trung bình trên 41 tỷ đồng/ngày. Nếu so với
mức đầu tư cho cầu vượt thép tại hai nút giao thông Tây Sơn - Chùa Bộc
và Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng thì số tiền trên đủ để xây được hàng chục
cầu.
Ngoài
các con số trên, theo khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội,
ùn tắc còn khiến môi trường thành phố bị ô nhiễm nặng. Theo Sở này, hiện
thành phố Hà Nội có hơn 5 triệu phương tiện tham gia giao thông, riêng
mô tô, xe máy có 4,9 triệu.
Tuy
nhiên có đến 70% xe máy đang lưu hành trên đường không đạt tiêu chuẩn
khí thải. Khi bị ùn tắc, các xe dừng lại quá lâu trên đường đã gây lãng
phí nhiên liệu, đồng thời thải ra lượng khí bụi quá lớn. Đây là một
trong những nguyên nhân làm nồng độ bụi trong không khí tại Hà Nội đang
vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,3 - 2,3 lần.
Quy hoạch yếu, dự án thi công “rùa bò”
Trước
việc đường luôn ùn tắc, ô nhiễm, dẫn đến hoạt động không hiệu quả, thời
gian gần đây nhiều cửa hàng, trụ sở kinh doanh tại khu đô thị mới Linh
Đàm (Hoàng Mai) đã phải rời đi. Anh Nguyễn Đình Hải, Giám đốc doanh
nghiệp (DN) Vận tải và Du lịch Hương Linh, vừa di dời trụ sở khỏi khu
Linh Đàm cho biết, trước đây đi lại trên các tuyến đường ra vào khu Linh
Đàm như Nguyễn Hữu Thọ, Nghiêm Xuân Yêm rất thuận lợi. “Vậy nhưng 2 năm
trở lại đây do có quá nhiều nhà cao tầng đưa vào hoạt động, dẫn đến dân
cư tại đây tăng đột biến khiến ùn tắc thường xảy ra triền miên”, anh
Hải nói.
Khoảng
5 năm trước, trên các tuyến đường Trường Chinh, Nguyễn Trãi - Trần Phú
(Hà Đông), Cầu Giấy - Xuân Thủy… được đánh giá là những tuyến phố kinh
doanh sầm uất nhất Hà Nội. Tuy nhiên, từ khi có dự án đường sắt đô thị
và nâng cấp, mở rộng lòng đường ở đây, ùn tắc giao thông thường xuyên
xảy ra. Trước tình trạng trên, nhiều cửa hàng kinh doanh, trụ sở giao
dịch của các DN lớn đã phải di dời đi.
“Khoảng
3 năm trước đây, nếu muốn mua hoặc nhập các sản phẩm cơ khí tên tuổi
chúng tôi ra đường Trường Chinh, mặt hàng nội thất ra đường Nguyễn Trãi,
thời trang ra đường Cầu Giấy - Xuân Thủy… Nhưng nay đường bị lô cốt thi
công phủ kín, ùn tắc xảy ra liên miên, nên hầu hết các cửa hàng, cửa
hiệu cung cấp sản phẩm tên tuổi tại các tuyến phố này đã dời đi”, anh
Hoàng Đình Thủy, chủ siêu thị Hoàng Anh tại khu đô thị mới Nam Trung Yên
(Cầu Giấy) chia sẻ.
“Nếu
giao thông trên đường thông suốt, một DN, cửa hàng kinh doanh trong một
giờ có thể xuất được hàng chục chuyến hàng, diễn ra nhiều cuộc tiếp
xúc, gặp gỡ… Nhưng đường tắc từ sáng đến trưa, chiều lại lập lại thì DN
không bỏ đi mới là chuyện lạ”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô
thị Hà Nội nhấn mạnh.
Chỉ
rõ những yếu kém trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch về giao thông
tại Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy dẫn chứng: Hầu hết các tuyến đường tại
các quận nội thành được xây dựng từ thời Pháp thuộc và chỉ dành chủ yếu
cho xe đạp lưu thông. Từ 1990 đến 1995 là thời kỳ của xe máy; từ 1996
đến nay là thời kỳ của ô tô…
Tuy
nhiên, trừ một số đường vành đai, còn các tuyến đường nội đô hầu như
không được thay đổi, mở rộng. Trong khi đó, nếu không thể thay đổi được
hạ tầng thì lẽ ra phải có biện pháp hạn chế xe cá nhân, nhưng đến hôm
nay thì xe cá nhân vẫn được tự do gia tăng. Cùng với đó, nhiều dự án
giao thông được triển khai theo hình thức “cấp bách”, như đường sắt đô
thị, xe buýt nhanh, đường vành đai… lại liên tục bị vỡ tiến độ; công
trường thi công chình ình trên đường nhiều năm trời.
Với
tình hình giao thông như hiện nay, theo tính toán, ít nhất mỗi người sẽ
bị ùn tắc 15 - 20 phút/ ngày. Nếu lấy thời gian bị ùn tắc nhân với chi
phí người dân, xã hội phải bỏ ra do muộn giờ làm, giờ sản xuất kinh
doanh, buôn bán, hao phí nhiên liệu phương tiện, ô nhiễm môi trường… mỗi
năm người dân và ngân sách Hà Nội mất khoảng 15.000 tỷ đồng, trung bình
trên 41 tỷ đồng/ngày.
No comments:
Post a Comment