Những ngày qua, trên mạng xã hội đã xảy ra cuộc tấn công như vũ bão không thương tiếc vào hai nhân vật đáng chú ý là GS Hồ Ngọc Đại và cô hoa hậu Thư Dung. Điều đáng bàn ở đây là chúng ta có được phép nhục mạ người khác không khi mà sự thấu hiểu chưa rõ ràng?
Gs Hồ Ngọc Đại là một nhân vật khả kính, ông chủ biên cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục gây xôn xao dư luận khi đưa ra phương pháp giáo dục mới - phương pháp đó đã được giảng dạy từ lâu và rất thành công với nhiều thế hệ học sinh.
GS Hồ Ngọc Đại đang bị cộng đồng tấn công theo kiểu mù quáng
Bỗng dưng, một bộ phận của cộng đồng mạng nổi giận khi xem clip đứa trẻ đọc thơ bằng các ký hiệu hình tam giác, vuông, tròn…Cộng đồng sợ hãi, giận dữ, lên án một cách khủng khiếp khi cho rằng “ngôn ngữ tiếng Việt đã chết”.
Họ không cần tìm hiểu sâu xa câu chuyện về phương pháp dạy học, kết quả qua thực nghiệm. Họ chỉ thấy vậy là quá đủ cho một cuộc “đấu tố” mà không cần phân tích, lắng nghe.
Giáo sư Đại đã mỉm cười, ông cho rằng phương pháp sư phạm của mình là đổi mới, tiến bộ, lấy học sinh làm trung tâm và không cần phải noi gương, học tập ai.
“Từ thế kỷ thứ 20 trở về trước, tất cả thế hệ đều thay nhau nối tiếp, ông có gì bố có nấy, bố có gì con có nấy, cứ thể noi gương nhau, học tập kinh nghiệm. Nhưng từ thế kỷ 21, trẻ em có những thứ mà cha mẹ chúng không hề có và không hề hiểu được.” – GS. Hồ Ngọc Đại cho biết.
“Do đó, điều mà tôi mong muốn là tạo nên nền giáo dục hiện đại phải là những thứ nền giáo dục cũ chưa hề có. Nền giáo dục hiện đại của tôi sẽ không theo gương ai hết, để mỗi người trở thành chính nó, xứng đáng với chính nó, không phỏng theo ai được. Nền giáo dục đầy ảo tưởng sẽ làm khổ rất nhiều người” - GS. Hồ Ngọc Đại.
Những tư tưởng của ông như vậy là đáng ghi nhận. Từ lâu người Việt dạy con học bao bọc, lo lắng quá, ít tin tưởng con cái và áp đặt quan điểm của mình lên việc học. Rồi thích con học giỏi theo kiểu thành tích,nếu con học tụt môn gi thì trách móc, thậm chí chửi mắng.
Họ áp đặt con phải học ngành này, thi trường này mà bỏ qua, tìm hiểu năng khiếu của con giỏi ngành gì để vun đắp.
Những người của 'cộng đồng nổi giận' họ không quan tâm ý tưởng đó của ông, họ chỉ biết rằng ông đang sáng tạo ra 'cách đọc bằng hình học', như vậy làm hỏng ngôn ngữ Việt truyền thống. Từ đó, họ ra sức chửi bới, nhục mạ, lên án, thậm chí họ còn cho rằng ông đã thu bộn tiền khi tạo ra sản phẩm giáo dục này.
Trở lại câu chuyện hoa hậu, MC bán dâm. Khi bắt đầu có thông tin cô hoa hậu, MC bán dâm hàng ngàn đô, là bắt đầu cuộc tấn công đỉnh điểm. Những ngôn ngữ như đĩ điếm, mạt hạng… được tung lên Facebook như một cách xả strees của cộng đồng.
Cũng có thể những cô gái đó làm nghề bán dâm thật và đó cái nghề chả vẻ vang gì, nhưng về mặt luật pháp thì họ chỉ bị xử phạt hành chính chứ không phải tội phạm hay là những kẻ xấu xa mà chúng ta thỏa sức nhục mạ họ.
Nếu ở những đất nước mại dâm hợp pháp thì họ chỉ làm công việc “thuận mua vừa bán”. Nhưng ở chúng ta khi luật pháp chưa công nhận, những khắt khe của đạo đức truyền thống khiến cho cộng đồng coi nghề mại dâm như tội phạm, một thứ đáng phỉ nhổ, lên án
Sự tấn công đấu tố sản sinh từ nếp nghĩ “phép vua thua lệ làng”. Lệ làng ở đây được quy ước chặt chẽ và một ai vượt qua ranh giới sẽ bị coi là 'tội phạm' và dân làng tha hồ lên án điều đó mà họ ít quan tâm tới phân tích hay chứng cứ.
Sự mù quáng đó nó xuất phát từ ẩn ức, ghen tỵ, ít tôn trọng sự khác biệt, không thích người nào giàu hơn mình, đẹp hơn, thích mọi người phải giống mình. Nên dân gian hay có câu: "Giàu thì nó ghét, đói rét thì nó khinh, thông minh thì nó tìm cách tiêu diệt!”.
Đó là một điểm yếu về cảm xúc của người Việt khiến cho chúng ta luôn sợ hãi đổi mới, thích sự an toàn, đồng đều, không chấp nhận ý tưởng mới lạ. Điều đó nó kéo theo nhiều hệ lụy cho tới tận bây giờ, hạn chế sự phát triển của tư duy khoa học.
Tấn công giáo sư Hồ Ngọc Đại, khiến chúng ta quẩn quanh với cái cũ, suy nghĩ cũ. Đáng ra sự đổi mới hay một hướng đi mới là điều chúng ta nên khuyến khích thì cộng đồng lại chà đạp nó không thương tiếc, để những con người tìm tòi cái mới phải cô độc, mất chỗ dựa tinh thần.
Chấp nhận sự khác biệt, chấp nhận cả cái xấu tồn tại trong một xã hội phát triển, đó chính là cách xây dựng sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau và tạo nên sự đua tranh.
Trong sự đua tranh đó, những cái xấu tự nhiên nó sẽ bị đào thải mà không cần chúng ta phải chửi rủa theo đám đông cuồng nộ./.
Tuấn Ngọc
No comments:
Post a Comment