Chiềng Chạ
Theo thông tin từ báo chí trong nước thì trong phiên họp sáng ngày 15/7, trong khuôn khổ phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử quốc gia, cơ quan này đã xem xét, biểu quyết về tư cách đại biểu Quốc hội của 496 người trúng cử trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 vừa qua. 01/496 đại biểu đã không được công nhận đủ tư cách là đại biểu Quốc hội khóa 14 do có dấu hiệu sai phạm. Đó là ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng bầu cử quốc gia (Nguồn: VnEpress).
Ông Trịnh Xuân Thanh cũng là người đầu tiên bị huy tư cách Đại biểu Quốc hội sau khi đã trúng cử. Cách đây không lâu trường hợp Đại biểu Quốc hội khoá XIII đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến vì đã khai không trung thực, làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử và quá trình hoạt động của bản thân, vi phạm điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.
Động thái này được Hội đồng bầu cử Quốc gia thực hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo kỳ họp thứ 4 và 5 vào chiều ngày 11/7/2016. Theo thông báo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư về việc Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Uỷ ban kiểm tra Trung ương cũng đã yêu cầu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hậu Giang, Tổng Công ty PVC, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt liên quan các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, bao gồm:
"- Tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh.
- Tiếp tục kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xem xét việc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Tổng Công ty PVC.
- Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2010-2015.
- Đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành Công an rà soát, thu hồi biển số xe công (biển xanh) đã được cấp và sử dụng trái quy định.
- Yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm khắc đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm".
Việc Hội đồng bầu cử Quốc gia không công nhận, đồng thời huỷ tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV của ông Thanh vì thế mang ý nghĩa dọn đường cho các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Uỷ ban kiểm tra Trung ương, trong đó có việc xử lý kỷ luật đối với ông Thanh xung quanh 03 nội dung được báo giới đề cập trong thời gian gần đây: (1). Sai phạm trong việc sử dụng biển số công (ông Thanh được đưa đón bằng chiếc Lexus LX570 là xe tư, nhưng gắn biển xanh); (2) tình trạng thua lỗ nặng ở Tổng công ty PVC, nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013; (3) Dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng ông Thanh vẫn được xem xét, thực hiện quy trình bổ nhiệm Phó chủ tịch tỉnh.
Theo quy định tại điều 37 luật Tổ chức Quốc hội quy định về Quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội ghi rõ: "1. Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu Quốc hội, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp đại biểu Quốc hội bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
2. Đại biểu Quốc hội không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý".
Chiếu theo quy định này, việc xem xét kỷ luật, thậm chí xử lý bằng pháp luật đối với ông Trịnh Xuân Thanh sẽ không được tiến hành chừng nào ông Thanh còn là đại biểu Quốc hội. Cho nên, sau quyết định của Hội đồng bầu cử Quốc gia (Cơ quan lãnh đạo hiện tại trước khi Quốc hội khoá XIV chính thức bước vào phiên họp đầu tiên), việc ông Thanh bị xử lý kỷ luật như thế nào, ra sao Quốc hội hoàn toàn không điều chỉnh bởi khi đó ông này đã mất hết cái quyền miễn trừ của một đại biểu Quốc hội đương nhiệm.
Hiểu như thế để thấy rằng, trong sự việc liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã quyết liệt cũng như tạo điều kiện tốt nhất để các cơ quan chức năng liên quan thực thi nhiệm vụ. Điều này cũng báo hiệu một sự quyết liệt trong việc xử lý trách nhiệm, hành vi sai phạm của ông Thanh và các cá nhân, tổ chức liên quan trong thời gian tới!
Mõ sẽ tiếp tục thông tin về nội dung khi có thêm tình tiết mới!
No comments:
Post a Comment