2017/12/05

“QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ XUỐNG CẤP Ở VIỆT NAM”?

Đắc Chí

“Liên minh châu Âu nói với Việt Nam rằng họ lo ngại về sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị trong lúc các vụ bắt giữ, giam cầm gia tăng mạnh mẽ”. Đây là nội dung trong thông cáo của EU sau Đối thoại Nhân quyền tăng cường lần thứ 7 tại Hà Nội ngày 1/12/2017. Thông cáo này được dịch sang tiếng Việt, đăng trên trang Facebook chính thức của phái đoàn EU ở Việt Nam.

Thông cáo báo chí của phái đoàn EU được công bố ngày 1/12/2017
Theo nội dung thông cáo ghi cuộc “Đối thoại đã đánh giá những phát triển gần đây trong lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam và Châu Âu, và trước đó là các cuộc họp với các tổ chức phi chính phủ từ châu Âu và Việt Nam.
Liên minh châu Âu đã nhấn mạnh về sự xuống cấp của quyền dân sự và chính trị và đã thảo luận về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền liên kết, tự do tôn giáo và quyền tiếp cận thông tin.
Liên minh châu Âu đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc về việc áp dụng rộng rãi các điều khoản an ninh quốc gia trong Luật Hình sự của Việt Nam và ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của việc bắt giữ, giam cầm và kết án các công dân Việt Nam liên quan đến việc bày tỏ ý kiến của họ.”
Về hùa với những thông tin được đưa ra trong bản thông cáo, BBC, VOA, RFA cùng một số trang mạng khác lập tức thi nhau đưa tin, cố tình nhập nhằng, bình luận xuyên tạc vấn đề để lấy cớ vu cáo Việt Nam.
Thực tế cho thấy, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa. Hệ thống pháp luật của Việt Nam đều phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Tiêu biểu như, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin của người dân theo Hiến pháp và pháp luật. Những năm gần đây, hoạt động của các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng cởi mở, sôi động. Sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung và các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam là một minh chứng về tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do thông tin ở Việt Nam. Báo chí ở Việt Nam đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân.
Các quyền của người dân về tự do hội họp và lập hội được bảo đảm và quy định cụ thể trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và nhiều văn bản pháp luật. Ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Việt Nam còn có Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 5 đoàn thể bao gồm: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và hàng trăm tổ chức nhân dân bao gồm các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp với hàng chục triệu hội viên. Cùng với các tổ chức công đoàn cấp quốc gia, ở Việt Nam còn có hơn 6.000 tổ chức công đoàn cơ sở. Ngoài ra ở Việt Nam còn có hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ... hoạt động trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Các tổ chức và hiệp hội hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, độc lập và tuân thủ pháp luật... Sự tăng nhanh của các tổ chức, hiệp hội, câu lạc bộ, chứng tỏ quyền tự do hội họp và lập hội của người dân được tôn trọng và bảo đảm.
Trong khi đó, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo được Nhà nước Việt Nam nhìn là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam; được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Số chức sắc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng qua từng năm nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tâm linh của nhân dân. Các tôn giáo có quyền và được Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện mở trường, cơ sở đào tạo chức sắc, xuất bản kinh sách, tham gia các hoạt động xã hội...  Đặc biệt, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để bảo đảm người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016 (có hiệu lực vào tháng 1/2018). 
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ được nêu trong các công ước mà mình đã tham gia, tuân thủ nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về cách tiếp cận, ủng hộ đối thoại và hợp tác trong vấn đề quyền con người.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng các quyền tự do, dân chủ của công dân. Tuy nhiên, cũng như ở mọi nước khác trên thế giới, Nhà nước Việt Nam không chấp nhận việc lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để có các hành vi vi phạm pháp luật. Điều 25 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Cần khẳng định, những “nhà đấu tranh dân chủ đang bị đàn áp” theo cách gọi của phái đoàn EU thực chất chỉ là những phần tử hoạt động chống đối chế độ và Nhà nước, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vi phạm pháp luật nhà nước và hiện đang chịu sự trừng trị thích đáng của pháp luật.
Sự thật tình hình Việt Nam là như vậy, nhưng một số cá nhân trong phái đoàn ngoại giao EU tham gia Đối thoại Nhân quyền lần thứ 7 EU - Việt Nam vẫn cố tình đổi trắng thay đen, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình đất nước ta. Rõ ràng đây là hành động sai lệch, cần phải bị lên án và kiên quyết loại bỏ./.

No comments: