2016/07/21

CAVE 2

Nguyễn Việt Hà

Đạo diễn Lê Hoàng khi trả lời phỏng vấn báo chí ao ước cái tít phim mình đang làm sẽ có tên là Cave. Ông đạo diễn không giải thích gì thêm nhưng nhiều người yêu điện ảnh tin chắc là phim sẽ hay vì nội hàm của khái niệm cave luôn gần gũi với những gì cảm động.

Cave là 1 từ tiếng Tây đã và đang được Việt hóa như chữ xà phòng, chữ ti vi. Ở TQ đại loại gọi cave là kỹ nữ, ở Nhật gọi cave là geisha còn ở ta trên một số văn bản hành chính gọi là nữ tiếp viên. (Có học giả uyên bác cặn kẽ giải thích xuất xứ của nó là từ tiếng Pháp, cavalière, đọc trại ra).

Kỹ nữ khi tiếp khách thì thường gảy đàn ề à hát, geisha thì tính tiền giờ bằng cách thắp một nén hương. Còn nữ tiếp viên quy thời gian lao động bằng bài. Ở karaoke là những đoản ca, ở discotheque là những đoản khúc. Nếu nhìn bằng con mắt toàn tri thì tổng thể là đại đồng vài nét lẻ tẻ khác chỉ coi là tiểu dị.

“Hồng ơi, Tuyết ơi, Mơ ơi. Những thằng đạo đức giả có còn sỉ vả các em không”. Đây là 1 câu thơ của 1 cố thi sĩ ở miền Nam, người đã có rất nhiều thơ được đưa vào các tuyển tập thơ phía Bắc thời gian gần đây. Các em gái bán bar trước bảy nhăm, những thôn nữ làm nghề gái nhảy ở vũ trường sau đó đều chính danh là cave, có thẻ đóng dấu và được phép hành nghề. Ối chao ơi, nghề nào chẳng là nghề, thế nhưng không hiểu sao biết bao người thông minh mạo nhận mình là giám đốc mà hiếm có ai ngu ngơ tự nhận là cave.

Đời thực thì là vậy, may thay, trong “tấm gương phản ánh hiện thực” thì có khác, cave luôn là đề tài ruột của đông đảo văn nhân mặc khách. Cùng một lứa bên trời lận đận, nên ở Paris, con trai của Alexandre Dumas viết Trà hoa nữ, xuống Giang Nam Bạch Cư Dị nức nở sáng tác Tỳ bà hành, tại đất Việt đại thi hào Nguyễn Du khóc với Tiếng kêu mới đứt ruột (Đoạn trường Tân thanh). Văn học là tình. Tình động thì tâm động. Tâm động thì chữ sinh. Chữ sinh thì tác phẩm thành.

Ở 1 sự phân loại xã hội học không chính thức, nghề cave luôn được xếp ở nhóm nghề “dưới đáy” (chữ của văn hào vô sản Nga Gorky). Có phải thế chăng mà rất nhiều người tử tế coi cave là 1 trong những nguồn dẫn đến các tệ nạn xã hội. Số lượng cave “hư” là 1 biến số rất khó đong định, đại loại giống như số lượng người tài. Nó trồi sụt bất thường, hoặc phụ thuộc vào buổi nông nhàn hoặc vĩ mô biến động theo giá đô la và vàng bốn số chín. Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thì mọi số liệu về gái mại dâm đều là số tạm tính. Tại sao cave lại ra đứng đường. Liệu có phải bần cùng sinh đạo tặc, liệu có phải giấy rách rồi bục luôn cả lề. Đã nhiều diễn đàn nhiều hội thảo được mở về vấn đề này, nhưng câu trả lời là bỏ ngỏ.

Cave có tuổi mệt mỏi chán nghề thì thường hiền lành quy cố hương hoặc nương nhờ vào từ bi cửa Phật. Thao tác này tuy không hào hùng bằng người có chức treo ấn từ quan hay cao thủ rửa tay gác kiếm nhưng hơn hẳn ở những nét chua chát đầm đầy sám hối. Ông Việt gian Tôn Thọ Tường cũng biết vậy nên giả vờ ngây thơ nhập nhằng làm bài tám câu thể thất ngôn Lão kỵ quy y (dịch nôm na là ca ve về hưu) để thanh minh cho việc mình đã từng a dua bán nước.

Cave chẳng hẳn là hay nhưng cũng chẳng hẳn là dở, nghề của họ theo tôi tương tự nghề viết văn, có vẻ khác thường. Giống như nhiều người viết đa phần cave đều có xuất xứ ở những nơi ẩm ướt nước mắt hoặc từ các chung cư nghèo ngoại ô hoặc từ những xơ xác đồng chua chiêm trũng. Thật hiếm thấy ca ve là những thiếu nữ khuê các đã từng êm đềm ở nơi màn che trướng rủ.

Xuất xứ là vậy nên cave hình như rất biết thương mình và thương người. Thương ở đây là thương yêu chứ cave không cần đểu giả thương hại. Trong kiệt tác Bút ký dưới nhà hầm, Đốt đã mô tả một tội ác khi để gã nhân vật chính dung tục chế nhạo sự mong manh trong trắng cuối cùng của 1 cô gái điếm. Cô bé bị gã làm nhục khi trót khoe mấy lá thư tình của 1 sinh viên nào đó lúc qua đêm đã viết ngỏ lời thương cô. Cô bé bình thường ao ước mọi người hiểu là mình đã yêu và được yêu. Gã nhân vật chính khe khắt dùng kiến thức chữ nghĩa sắc sảo cố chứng minh những lá thư đó chỉ là phù phiếm và lừa dối.

Từa tựa như Đốt, văn học VN hãnh diện vì có thi hào Nguyễn Du. Hầu như trong túi xắc da xịn nào của các cô bé ca ve đều cũng có một quyển Kiều để những lúc vắng khách âm thầm bâng khuâng mang ra mà an ủi tự bói. 1 nhà thơ hậu sinh đã làm 2 câu thơ có vẻ sến buồn bực đến nghẹn cười.

Tố Như vẫn khóc đêm trường
Khi Kiều còn đứng bên đường Nguyễn Du.

No comments: