2016/07/01

BỒI THƯỜNG 500 TRIỆU USD: NHIỀU HAY ÍT?

Cùng với việc (1) Công khai xin lỗi Chính phủ, người dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng; (2) Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của xử lý nước thải, chất thải, cam kết xử lý triệt để các chất thải độc trước khi đưa ra môi trường theo quy định, không để tái diễn sự cố như đã xảy ra; (3) Phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung xây dựng, bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm, nhằm tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế và (4) Thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu vi phạm sẽ chịu xử lý của pháp luật Việt Nam thì việc cam kết đền bù 500 triệu USD tương đương với 11 nghìn tỷ là số tiền mà công ty Formosa Hà Tĩnh cam kết sẽ bồi thường cho thảm hoạ cá chết tại một số tỉnh miền Trung vừa qua.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà (Nguồn: Internet). 

Tuy nhiên, ngay lập tức con số bối thường này đã bị dư luận đặt ra những dấu hỏi có tính hoài nghi. Cụ thể một số người đã cho rằng nó quá ít so với những gì mà môi trường biển Miền Trung và những con người dựa vào biển để mưu sinh đã phải chịu đựng suốt 3 tháng qua. Chưa hết, người ta còn nghĩ ra đủ thứ từ điều này, kiểu như có hay không chuyện đi đêm giữa Chính phủ và Formosa trong việc đưa ra con số về đền bù thiệt hại đã xảy ra.... 

Thông tin thêm đây cũng là nội dung câu hỏi được phóng viên Hãng tin Nikkei Nhật Bản đặt ra với đại diện của Chính phủ trong buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết vào chiều ngày 30/06/2016 tại Hà Nội. 

Để nhìn nhận rõ hơn về điều này, trước hết xin được trích toàn văn nội dung trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà đối với câu hỏi của Phóng viên Hãng tin Nikkei Nhật Bản: 

“Con số 500 triệu USD với chúng tôi không phải là lớn. Con số này được thống nhất vì mới tính toán tới thiệt hại kinh tế, môi trường biển còn những thiệt hại lớn hơn rất nhiều đó là tổn thương tâm lý, những hệ lụy khác chưa thể tính được. Điều chúng tôi muốn không phải là tiền, chúng tôi muốn Formosa và cổ đông hiểu rằng họ phải có trách nhiệm với những gì đã ra gây ra tại Việt Nam”.

Đúng như Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, con số mà Formosa cam kết sẽ bồi thường cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam sau vụ cá chết vừa qua là không lớn; nó cũng không thể so sánh với những thiệt hại mà môi trường biển cũng như những người dân sống bằng nghề đánh bắt, du lịch từ biển phải gánh chịu suốt 3 tháng qua và nó càng không thể bù đắp được tổn thương tâm lý, những hệ lụy khác chưa thể tính được. Nhưng sở dĩ chúng ta chấp nhận và đồng ý với con số đó bởi suy cho cùng, đó cũng chỉ là một trong 05 nội dung mà công ty này cam kết trước Chính phủ và người dân các tỉnh miền Trung. Tính chịu trách nhiệm của Formosa với những gì đã ra gây ra tại Việt Nam vì thế không phải được cân đo, đong đếm từ số lượng tiền mà họ sẽ bồi thường cho chúng ta. 

Ở đây, xin chỉ ra một khía cạnh để những ai quan tâm sự việc hiểu được lí do tại sao Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương chấp nhận con số bồi thường 500 triệu USD mà không phải lớn hơn như thế và việc bồi thường phải được tiến hành sau khi đã giám định thiệt hại, chưa tính toán mức bồi thường cho dân (?) Theo đó, ở một góc độ nào đó, chúng ta đồng ý với ý kiến cho rằng, tiền bồi thường là một nhân tố cần thiết để phía Nhà nước, các cơ quan chức năng sử dung trong việc khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường biển, trả lại một phần nào đó sự trong sạch ho biển và hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ việc vừa qua. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Formosa chấp nhận bồi thường ở con số cao hơn rất nhiều, thậm chí sẽ gấp 3, gấp 4 lần con số 500 triệu USD ở thời điểm hiện tại và xin lỗi nhưng đổi lại họ không thực hiện 03 nội dung cam kết còn lại (1- Khắc phục triệt để tồn tại, hạn chế của xử lý nước thải, chất thải, cam kết xử lý triệt để các chất thải độc trước khi đưa ra môi trường theo quy định, không để tái diễn sự cố như đã xảy ra; 2 - Phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh miền Trung xây dựng, bảo đảm không để xảy ra ô nhiễm, nhằm tạo niềm tin với người dân Việt Nam và quốc tế và 3- Thực hiện nghiêm túc các cam kết, nếu vi phạm sẽ chịu xử lý của pháp luật Việt Nam)? Tin chắc rằng, cái điệp khúc làm sai thì chịu bồi thường sẽ lặp đi, lặp lại nhiều lần mà cái đáng, cần giải quyết thì vẫn không có thêm bất cứ động thái tích cực gì? Biển Đông khi đấy chắc chắn sẽ là biển Chết chứ không ở trong tình trạng hiện tại! Cái thiệt hơn trong câu chuyện đang nói là ví thế. 

Chính vì vậy, chúng ta có thể chấp nhận một con số vừa phải (500 triệu USD) nhưng đổi lại chúng ta có một sự đảm bảo ở tương lai. Và xin thưa với những ai đang xem "Tiền là tất cả" hiểu được rằng, tương lai mới là điều mà chúng ta sẽ phải nghĩ đến trong hành động ở thời điểm hiện tại nếu không muốn môi trường sống của các thế hệ tương lai sẽ xấu đi, cái chết sẽ hiện hữu thay vì sự sống.... 

Mặt khác, theo dõi vụ việc ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung từ đầu, tôi hiểu rằng, điều mà đa số những người dân, nhất là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp mong mỏi không phải là được bồi thường bao nhiêu, bởi số tiền đó dù lớn đến mấy rồi cũng sẽ hết và cuộc sống phía trước của họ sẽ ra sao khi họ không thể mưu sinh trên Biển? Một môi trường biển thực sự trong sạch trở lại và không xảy ra những thảm hoạ tương tự mới là sự mong mỏi đó; trong khi đó 03 nội dung được Formosa nói đến trong bản cam kết cùng với việc bồi thường tiền và xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam có thể hiện thực hoá sự kỳ vọng đó. Vậy nên, tiền có thể rất quan trọng cho cuộc sống của bất cứ ai, là điều kiện cần để khắc phục những thảm hoạ đã gây nên cho môi trường tự nhiên  nhưng xin khẳng định lại, nó không phải là tất cả. Hãy đừng loá mắt bởi đồng tiền bởi không phải lúc nào, ở đâu tiền cũng là vật có thể cứu cánh nhân sinh! 

An Chiến

No comments: