Có quá lời không khi nói “nước trong không có cá, giữ thân trong sạch khó giàu?”.
LTS: Câu hỏi học để làm gì tưởng dễ trả lời mà vô cùng khó.
Hôm nay, thầy giáo Xuân Chiến, đến từ Quảng Nam đã có câu trả lời của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả để cùng chia sẻ!
Quý vị muốn con em “học để làm giàu” thì tốt nhất hướng các em “học làm giàu” từ sớm bằng con đường sản xuất, kinh doanh, buôn bán.
Còn không, các vị hãy chấp nhận cho con em ăn học để “giàu có” về tri thức và nhân cách.
Có quá lời không khi nói “nước trong không có cá, giữ thân trong sạch khó giàu?"
Chủ nghĩa lý lịch vẫn còn, nạn “con quan lại làm quan”, “đi tìm người nhà” không phải là ít, "có tài mà cậy chi tài”, con dân có giỏi chớ màng làm quan.
Học để làm quan
Tư tưởng học để làm quan không chỉ ở thời phong kiến mà còn tồn tại dai dẳng đến ngày nay.
Đa số phụ huynh muốn con em sau này được nhàn nhã mà có quyền, làm quan thiên hạ nên chọn con đường Đại học, xem Đại học là con đường duy nhất và “dấn thân” vào con đường này bằng mọi giá.
Tư tưởng học để làm giàu khiến nhiều người sẵn sàng vi phạm đạo đức "vinh thân, phì gia" (Ảnh: vietnamnet.vn).
Nhưng thời cuộc không còn phù hợp, tình trạng thừa thầy thiếu thợ ngày càng trầm trọng, cử nhân ra trường thất nghiệp tràn lan.
Nhiều em không đủ năng lực nhưng cố chen vào Đại học tốp dưới, cuối cùng cũng có tấm bằng Đại học, nhưng chỉ để cho... oai.
Gia đình đầu tư kinh phí không nhỏ cho con em học Đại học, rốt cuộc chỉ để lấy danh hão, chứ không kiếm được việc làm đúng ngành nghề đào tạo.
Giá như phụ huynh, học sinh “biết mình, biết người”, suy nghĩ thực tế, chọn ngành nghề phù hợp, thì gia đình, xã hội đâu có lãng phí vô ích như vậy.
Chế độ khoa cử xưa thi cử để tuyển chọn người tài kinh bang tế thế, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
Bản chất thi cử xưa, nay khác nhau; ai nuôi ý nghĩ học để “làm quan” sẽ có ngày thất vọng.Còn nay thi cử để đào tạo nguồn nhân lực, xã hội hóa học tập, đem cơ hội học tập cho tất cả mọi người.
Ai chẳng muốn thăng tiến nhưng không phải ai cũng có cơ hội để thăng tiến.
“Thăng quan tiến chức” phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực cá nhân, hoàn cảnh gia đình, môi trường làm việc, khả năng lãnh đạo, uy tín, tầm ảnh hưởng và nhiều yếu tố “phức tạp” khác chi phối.
Mỗi người là một cá thể không hoàn hảo, hãy phát huy sở trường, khai thác điểm mạnh của bản thân để đặt mình vào vị trí phù hợp theo sự phân công lao động của xã hội.
Hãy lao động hết mình, vô tư cống hiến, nếu có duyên, cơ hội thăng tiến sẽ đến, đó mới là thăng tiến thực sự.
Học để làm giàu
Hệ quả của quan niệm “học để làm quan” dẫn đến quan niệm “học để làm giàu”, không ít người đã hiểu như vậy.
Học trước hết để làm người, để lập thân lập nghiệp.
Học giỏi chưa hẳn sẽ giàu có, có chăng là nghề nghiệp ổn định thôi. Đó là chưa nói, học giỏi chưa hẳn đã làm giỏi.
Quý vị muốn con em “học để làm giàu” thì tốt nhất hướng các em “học làm giàu” từ sớm bằng con đường sản xuất, kinh doanh, buôn bán.Người xưa nói “phi thương bất phú”, ngày nay cũng vậy, chỉ con đường kinh doanh mới nhanh giàu, nhưng thương trường cũng là chiến trường, không phải dễ. Làm công chức, lao động chất xám lương thiện, tử tế không thể giàu được đâu.
Còn không, các vị hãy chấp nhận cho con em ăn học để “giàu có” về tri thức và nhân cách; có quá lời không khi nói “nước trong không có cá”, “giữ thân trong sạch khó giàu”.
Ngoại lệ
Cái gì cũng có ngoại lệ, học để làm quan, làm giàu cũng vậy.
Ngày nay trong quan chức có người giàu to, giàu nhanh, nhiều đất, nhiều nhà, tiền hàng tỷ gửi ngân hàng, con du học tự túc nước ngoài...
Một số người khi làm quan nổi tiếng “thanh liêm”, đến khi về hưu mới giàu lên trông thấy, đất đai, biệt thự mọc lên như nấm.
Ắt quý vị sẽ hỏi: Thế thì sao không học để làm quan, để được vinh thân phì gia,“ích nước lợi nhà”?
Than ôi! Muốn học để làm quan, làm giàu, con em quý vị cứ mạnh dạn đến gặp người ta để “tầm sư học đạo”, xin họ truyền “bí kíp” cho.
Nhưng tôi không chắc lắm, vì họ cũng đâu có “danh chính ngôn thuận”, tài sản của họ toàn người thân đứng tên kia mà!
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.
Xuân Chiến (Báo Giáo dục Việt Nam điện tử)
No comments:
Post a Comment