2015/11/14

Hướng Đạo

Tầm Nhìn

https://hoanghuuphuocvietnam.wordpress.com/2015/11/05/huong-dao/

Hoàng Hữu Phước, MIB
huongdao

Cách nay đúng 20 năm, tôi có gởi đến Báo Tuổi Trẻ bài viết Hướng Đạo: Anh Là Ai? Bài viết được đánh máy bằng máy đánh chữ Underword Ba tôi mua năm 1962 mà tôi sau này dùng đánh máy stencil tất cả các giáo trình tiếng Anh của trường Cao Đẳng Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Do là máy không có chữ Việt và dấu Việt nên tôi đánh máy xong là phải cặm cụi viết tay thêm dấu vào.

Bài viết được thực hiện ngay khi tôi thấy có sự sinh hoạt tại công viên trước Dinh Độc Lập của các nhóm Hướng Đạo với trang phục Hướng Đạo trước 1975 và do vài người tóc bạc cũng mặc đồng phục Hướng Đạo đứng ra hướng dẫn gì đó cho mấy chục học sinh. Bài viết như một cảnh báo vơi cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh về sự trỗi dậy của cái sinh hoạt đoàn thể mà tôi cho rằng chưa có sự cho phép của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, và rằng phụ huynh đã quá dễ dãi cho con em tham gia sinh hoạt Hướng Đạo ngoài luồng rất tai hại nếu trẻ bị gieo rắc những tư tưởng chống Cộng (do sinh hoạt này tất nhiên là sự giằng tách học sinh ra khỏi Đội Thiếu Niên Tiền Phong và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh ở các trường học) hoặc bị lạm dụng tình dục bởi những kẻ mà phụ huynh chẳng rõ nhân thân như thường xảy ra ở các nước tư bản.

Bài viết nói về lịch sử hình thành tổ chức Hướng Đạo, tên gọi tiếng Anh của Hướng Đạo Nam, Hướng Đạo Nữ, cùng tôn chỉ và nội dung sinh hoạt hướng đạo ở các trường trung học Công Giáo hay Phật Giáo ở Sài Gòn trước 1975 dưới hình thức tổ chức các “tráng”, các “kha”, cũng như những điều hay của sinh hoạt Hướng Đạo.

Bài viết cũng nêu những ý kiến nhận xét về sinh hoạt sai lầm của Đội Thiếu Niên Tiền Phong và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh do đã không màng đến nội dung rèn luyện sự khéo léo cá nhân, bản lĩnh cá nhân, trách nhiệm cá nhân với tập thể, qua đó với cộng đồng, và đất nước; chưa kể đến sự phát triển tâm-sinh lý của lứa tuổi thiếu niên-thanh niên luôn muốn chứng tỏ cái tôi hào hùng. Tôi phê phán các chương trình “kế hoạch nhỏ” vì chúng sẽ không bao giờ tồn tại lâu, hiệu quả, và thực sự hai mươi năm sau chúng chẳng còn có vị trí có giá trị thực tế nào. Tôi phê phán việc tầm thường hóa lao động do chỉ ca ngợi lao động giản đơn chân tay: bắt học sinh từ tiểu học đã phải đem theo chổi, nùi giẻ, xô nước, để quét sân lớp và lau bàn ghế, cửa, bảng lớp học, tức là tiếp cận các ô nhiễm nguy hại khi những việc này lẽ ra phải do người lớn chuyên trách vệ sinh của trường như luôn như thế ở các trường học tại Sài Gòn trước 1975. Trên thực tế, tôi đã không cho phép con tôi tham gia lao động ở trường tiểu học và trung học vì đối với tôi: học tập chăm chỉ và giỏi giang chính là thứ lao động tổ quốc này cần, nhân dân này cần. Đương nhiên, con tôi chưa bao giờ là học sinh giỏi vì có điểm tệ hại về sinh hoạt Đội, nhưng con tôi ngay từ năm lớp 12 đã đứng ra dạy phụ đạo cho cả lớp để luyện thi tú tài cho cả lớp.

Tôi đề nghị đưa nội dung sinh hoạt và huấn luyện của Hướng Đạo vào nội dung sinh hoạt của Đội và Đoàn, biến Đội và Đoàn thành hình thái Hướng Đạo đặc thù của Việt Nam, hòa chung vào phong trào Hướng Đạo thế giới, mở rộng giao lưu, với sự khác biệt duy nhất là Hướng Đạo Việt Nam còn nhằm đến xây dựng lòng yêu đất nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa trong khi Hướng Đạo các nước Âu Mỹ thiên về lòng yêu tôn giáo chứ không phải lòng ái quốc.

Tất nhiên, Báo Tuổi Trẻ chưa từng đăng bài viết ấy. Và nếu Báo Tuổi Trẻ có chuyển bài viết ấy cho các lãnh đạo Nhà Nước (như Báo Sài Gòn Giải Phóng đã làm đối với bài viết của tôi liên quan đến chủ đề nhạy cảm: yêu cầu đối xử công bằng với các giáo viên Anh Văn có đạo Công Giáo – Tin Lành) thì ắt vị lãnh đạo ấy đã không có tầm nhìn giống tôi.

Khi thấy mấy năm nay Thành phố Hồ Chí Minh rầm rộ mở các Học Kỳ Quân Đội thu hút nhiều học sinh và sự quan tâm của phụ huynh học sinh, tôi tiếc là ngày xưa ấy ý kiến của tôi đã không thuyết phục được lãnh đạo khiến 20 năm sau học sinh là Đội Viên và Đoàn Viên vẫn không có bản lĩnh cá nhân trong xử lý, tương tác, đối phó, hóa giải trên góc độ tập thể những điều cơ bản của đời sống, của thiên nhiên, của môi trường, của xã hội, tức cái mang tên thời thượng là kỹ năng sống, còn tên học thuật là kỹ năng quản trị công việc, đến độ phải bỏ ra thời gian Hè và số tiền cao cho các trung tâm dịch vụ sang trọng tổ chức Học Kỳ Quân Đội chỉ để trải nghiệm sơ qua những điều quan trọng trong hình thành nhân cách và bản lĩnh cá nhân mà Đội và Đoàn đã chưa bao giờ quan tâm đến.

Ở cấp đại học, chương trình Mùa Hè Xanh chẳng có giá trị thực tiễn nào tác động tích cực vào việc hình thành bản lĩnh của sinh viên, qua thực tế suy nghĩ trưởng thành với tinh thần trách nhiệm cao của họ cùng thực tế thực hành bản lĩnh cao của họ trong cung cách học tập, tư cách công dân, và bản lĩnh khi bắt đầu cuộc mưu sinh sau tốt nghiệp. Được trui rèn trong môi trường sinh hoạt Hướng Đạo, một sinh viên tốt nghiệp sẽ có lòng tự trọng rất cao, lòng tự hào rất cao, ý thức về bản thân rất cao, nên không bao giờ than vãn khi làm nhà giáo có thu nhập không cao, không bao giờ để bản thân trách móc ai đó phải chịu trách nhiệm về việc bản thân tốt nghiệp nhưng không có việc làm, và không bao giờ để bản thân sáp gần tiêu cực.

Giá như Đội và Đoàn khoan hãy đưa lên hàng đầu các giáo dục về tư tưởng Hồ Chí Minh và Cộng Sản vì tât cả những điều cao trọng cao siêu mang tính ý thức hệ chỉ nên được truyền bá và giáo dục khi học sinh tiến gần đến tuổi trưởng thành, có đủ sức mạnh tâm thức và trình độ tư duy để tiếp thu, phát huy, và áp dụng. Hãy đến các trường đại học ngày nay ở Thành phố Hồ Chí Minh để nghiệm ra một điều là đa số sinh viên Việt Nam dường như là học sinh lớp 13, 14, 15, và 16, và bằng cấp cử nhân chẳng khác nào giấy chứng nhận học xong trung học lớp 16, với bằng chứng là báo chí hay nói nhiều về sự việc họ luôn bị các nhà tuyển dụng chê bai hoặc họ cần phải được đào tạo lại.

Giá như lãnh đạo Đội và Đoàn 20 năm trước đã chịu tin vào góp ý của tôi để ngày nay Đội vẫn còn là thực thể có giá trị thực chất, còn Đoàn thì không chỉ biết sang Tàu họp giao lưu thanh niên hai nước hàng năm để rồi khi trở về lại tích cực tham gia bày tỏ thái độ hừng hực khí thế về Hoàng Sa và Trường Sa để chống Tàu.

Những lời dạy của Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên, nhi đồng, là những điều lý tưởng mang tính chân lý thuần khiết. Nhưng ngành giáo dục đã không hiểu rằng còn cần đến những điều cụ thể hơn cho giáo dục nhân cách học sinh, bản lĩnh học sinh, vì chỉ dạy yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, sẽ không bao giờ đủ bảo đảm những công dân tương lai của đất nước ấy biết lánh xa tiêu cực cụ thể, khinh bỉ tham nhũng cụ thể, căm ghét suy đồi cụ thể, phỉ nhổ thối nát cụ thể, vì tất cả những hành vi cao thượng thực tế cụ thể này chỉ có thể có được từ sự giáo dục tính hào hùng cao thượng thực tế cụ thể chứ không bao giờ từ sự giáo dục nhũn mềm, phi cá tính, thiếu hừng hực, thuần chữ nghĩa, của yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Tiểu học không là tiểu học; tiểu học là bước tiếp theo lên trung học. Trung học không là trung học; trung học là bước tiếp theo vào đời cho một nghề nghiệp sinh nhai. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt, khiêm tốn, thật thà, dũng cảm là lời dạy dành cho học sinh tiểu học ở tiểu học, không dành cho học sinh tiểu học để bước tiếp lên trung học; vì vậy, hoặc lời dạy ấy biến học sinh tiểu học mãi nhỏ bé thơ ngây luôn ở cấp tiểu học, hoặc biến mất khỏi tâm trí khi học sinh tiểu học bước lên trung học, tức xem thường cho rằng lời dạy của bậc thánh nhân đại trí ấy chỉ dành cho cấp dưới và chẳng còn liên quan hay có tính chuyển tiếp gì đến nội dung được dạy ở cấp cao hơn cả. Trong khi đó, việc huấn luyện giáo dục tính hướng thượng, hào hùng, tự trọng, lại có thể theo suốt một đời người, làm tiền đề cho đất nước có cơ may có được những công dân tốt lành, hướng thiện, bản lĩnh, tự trọng, và can đảm.

Giá như những quan chức có trách nhiệm của ngành giáo dục Việt Nam đừng xem thường tư tưởng Hồ Chí Minh khi đem tư tưởng vĩ đại ấy ra dạy ở các cấp lớp học trò còn thơ dại.

Giá như những quan chức có trách nhiệm của ngành giáo dục Việt Nam 20 năm trước đừng xem việc góp ý xây dựng khác lạ kiến nghị Đội và Đoàn học tập Hướng Đạo là sự xúc phạm đến tư tưởng Hồ Chí Minh hay xúc phạm Đội, Đoàn.

Và giá như những quan chức có trách nhiệm của ngành giáo dục Việt Nam 20 năm trước đừng xem các sinh hoạt từ khu vực tư bản là ngoại lai, xấu xa, không đáng noi theo.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến. Đó mới chính là tư tưởng Hồ Chí Minh. Luôn vì đất nước Việt Nam độc lập xã hội chủ nghĩa; và vận dụng tất cả những gì tốt đẹp bất kể chúng đến từ đâu để phục vụ cho tôn chỉ duy nhất, bất di bất dịch, vì đất nước ấy.

Nổi niềm này chỉ còn biết tỏ với trăng sao.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế.
Kính mời tham khảo:
Hoàng Hữu Phước.21-7-2013. Báo Sài Gòn Giải Phóng.

No comments: