2015/11/18

Hội chứng hành vi bầy đàn

http://molang0205.blogspot.com/2015/11/hoi-chung-hanh-vi-bay-an.html?m=1


Mõ Làng

Trong văn học cổ điển Pháp có tiểu phẩm nổi tiếng của nhà văn Rabelais "Những con cừu của Panurge". Do có hiềm khích với người lái buôn cừu trước đó nên khi cùng đi trên một chiếc thuyền, Panurge đã lập mưu trả thù. Y giả vờ năn nỉ người chủ đàn cừu bán cho y một con, sau đó ném xuống sông. Thế là cả đàn cừu bắt chước hùa nhau nhảy xuống nước và bị dòng nước cuốn trôi. 

Nội dung tiểu phẩm ngụ ý cảnh giác người đời về thói a dua mù quáng, nặng tính bản năng, nhẹ trí xét đoán, để rồi chuốc lấy hậu quả khôn lường cho cá thể lẫn cộng đồng. Các nhà tâm lý xã hội học ngày nay gọi đó là "hành vi bầy đàn", dấu tích còn sót lại trong đời sống vô thức của con người dù đã thoát ly thời kỳ ăn lông ở lỗ từ lâu.

Tâm lý bầy đàn là từ ghép giữa từ "bầy đàn" có nghĩa là một "nhóm động vật" và từ"tâm lý" ngụ ý một hoàn cảnh nhất định của suy nghĩ. Tâm lý bầy đàn khác với hành vi bầy đàn, vì hành vi bầy đàn chỉ dùng cho những nhóm động vật, trong khi đó "tâm lý" là một thứ đặc trưng riêng của loài người. Tâm lý bầy đàn là một phản ứng tâm lý gây ra bởi phản ứng sợ hãi áp lực lên tâm lý cá nhân làm xuất phát ra hành động để tránh cảm giác "bị loại ra khỏi nhóm". Tâm lý bầy đàn đôi khi cũng được gọi là tâm lý đám đông.

Biểu hiện của hành vi bầy đàn có thể nhận thấy khá phổ biến và đa dạng trong sinh hoạt cộng đồng mỗi ngày: Trên giao lộ, chỉ cần một kẻ vô ý thức vượt đèn đỏ là cả một dòng xe cộ vượt theo; chỉ cần một kẻ “rắn mắt” dừng lại trên cầu đưa tay chỉ trỏ nọ kia là có thể tạo nên một đám đông tụ họp nhìn theo ngớ ngẩn. 

Mấy tháng trước, người ta râm ran chuyện bác chuyên khoa cấp I - Trưởng khoa Chẩn đoán Hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Lâm Thao (Phú Thọ) bị kỷ luật và phải từ chức sau vài ngày hứng chịu búa rìu dư luận trên facebook. Khiến ông bác sỹ thân bại danh liệt.

Cái thời Hà Nội cắt cây, thay thế cây xanh trên một số tuyến phố vì nó không phù hợp, không an toàn hoặc để phục vụ cải tạo giao thông. Một số người la ó phản đối, rồi nhiều người lên tiếng, rồi tuần hành "yêu cây xanh", tạo áp lực lớn lên những người quản lý. Một số cán bộ bị kỷ luật để làm dịu cơn phẩn nộ. Song, khi thời gian nguôi ngoai người ta lại thấy tuyến đường Nguyễn Trãi được mở rộng ra gấp đôi, mưa bão làm đổ cây chết người, có tỉnh phải chặt bỏ hàng ngàn cây hoa sữa trong phố... thì chẳng ai nhắc đến nó nữa.  

Mấy hôm trước, có 2 luật sư bị đánh khi họ đang tham gia giao thông. Vài cái ảnh cùng sts được đưa lên mạng xã hội, chẳng cần biết mô tê gì, vì sao bị đánh, ai đánh, đám đông đã bu vào cùng với giọng điệu "công an giả dạng côn đồ đánh luật sư". Phong trào đòi khởi tố vụ hành hung luật sư, kêu gọi tuần hành của 200 luật sư đưa kiến nghị như lửa cháy, nước sôi trên mạng. Đến khi tìm ra kẻ đánh người, lý do gây gổ, chỉ ra trò tháu cáy mượn danh luật sư gây bão dư luận... chẳng ai quan tâm đến nó nữa.

Mấy hôm nay, chuyện nước Pháp bị IS tấn công với trào lưu đổi avata cờ nước Pháp để chia sẻ nỗi đau cứ như đám cháy gặp cỏ khô. Có kẻ cực đoan hơn còn làm giả vài trang mạng của IS để đám đông tràn vào ném đá, chửi bới, thách thức... chẳng cần biết nguồn cơn ra làm sao. Đến khi người ta đặt câu hỏi, sao lại chỉ có nước Pháp? vậy máu của dân lành Iraq, Lebane, Syria là nước lã à? Đến khi lộ ra khối nước trong nhóm G20 đã tài trợ cho IS thì mới ngớ ra!

Có thể nói, hội chứng bầy đàn đã thắng thế tuyệt đối trong nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội... dựa trên tin đồn. Có phải biển người trên là số đông nên hành động đúng? Câu trả lời là HOÀN TOÀN KHÔNG, thể hiện rất rõ trong nhưng trường hợp nói trên. Tư duy của những người tham gia triệt hạ ông bác sỹ, biểu tình vì cây xanh, a dua với vu cáo công an, thương cảm nước Pháp là bị chi phối hoàn toàn bởi “hội chứng đám đông”, “hội chứng bầy đàn”. Chẳng ai ngăn cản được nó, chỉ có truyền thông mới dập được đám cháy truyền thông, mới làm mất hội chứng bầy đàn.

Đặc biệt cần cảnh báo thêm rằng, khả năng có những "gã Panurge" đứng đằng sau dựng nên vở kịch những chú cừu thời Internet. Những gã đó rất nguy hiểm vì nó không giết cừu mà tạo cảnh nồi da xáo thịt, lật đổ một chế độ.

Về mặt Nhà nước, tăng cường giáo dục ý thức làm chủ bản thân, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiện toàn các định chế kiểm tra giám sát, thực thi các biện pháp xử phạt nghiêm minh như luật định... là những yêu cầu bức bách nhằm duy trì sự phát triển lành mạnh, bền vững trong khuôn khổ kỷ cương phép nước, vốn là tiền đề của sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

No comments: