“Chúng ta chủ trương đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Chúng ta sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình, kể cả đấu tranh pháp lý” - ông cho biết.
Không ai chọn được láng giềng
Trước sự quan tâm của cử tri về tình hình biển Đông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là vấn đề hệ trọng, nhạy cảm, được toàn dân ta và thế giới quan tâm. Nó liên quan đến ổn định, phát triển của chúng ta trong thời gian tới; liên quan đến độc lập, chủ quyền của đất nước; liên quan đến việc giải quyết quan hệ giữa ta với Trung Quốc.
“Trung Quốc là một nước láng giềng lớn, muốn hay không vẫn phải sống cạnh nhau, không ai chọn được láng giềng. Vậy thì phải xử lý thế nào cho đúng. Việc này không phải bây giờ mới xảy ra, mà trong lịch sử chúng ta đã biết rồi, đã xảy ra nhiều lần rồi, từ xa xưa cho đến nay, chúng ta luôn phải tìm cách làm sao để chung sống với nhau hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển nhưng đồng thời phải giữ vững độc lập, chủ quyền. Cái khó là ở đó” - Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, trước việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã lên tiếng thể hiện rõ lập trường của Việt Nam tại các diễn đàn khác nhau. “Chúng ta đã tuyên bố rất rõ rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta là vi phạm pháp luật quốc tế, vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa hai đảng, hai nhà nước…” - Tổng Bí thư khẳng định.
Ông nói thêm: “Chúng ta nói thẳng thắn, công khai giữa diễn đàn Quốc hội, cả thế giới đều biết. Chúng ta có nhân nhượng gì đâu. Chúng ta phản đối, kịch liệt lên án, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng tàu bè hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam, đi vào đàm phán, đối thoại”.
Đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa
Cảm ơn sự tin tưởng của cử tri vào chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện các giải pháp bảo vệ chủ quyền, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Chúng ta phải xác định đây là việc còn lâu dài, phức tạp, phải rất bình tĩnh, tỉnh táo, kiên quyết, kiên trì, bằng nhiều biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp. Vì đây là vấn đề cơ bản đụng chạm đến chủ quyền quốc gia.
“Trung Quốc có ý đồ muốn hiện thực hóa đường “lưỡi bò”, độc chiếm biển Đông, muốn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc. Ta nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa thì trên thực tế Trung Quốc đang chiếm giữ, họ đã hai lần đánh chiếm Hoàng Sa và lần gần nhất là năm 1974 khi chúng ta chưa giải phóng miền Nam. Chúng ta tiếp tục khẳng định chủ quyền, đấu tranh để lấy lại Hoàng Sa” - Tổng Bí thư khẳng định.
Cạnh đó, Tổng Bí thư cũng lưu ý cử tri cần phân biệt rõ nhân dân Trung Quốc và lãnh đạo Trung Quốc, các thế lực có mưu đồ bành trướng, lấn chiếm biển Đông. “Chúng ta quan hệ hữu nghị với 1,3 tỷ nhân dân Trung Quốc với mong muốn chung sống hòa bình, hợp tác, hữu nghị” - Tổng Bí thư nói.
Trước đó, cử tri Phạm Văn Tá (phường Yên Phụ) cho rằng với thái độ hung bạo, phi nhân tính của Trung Quốc trên biển Đông, chúng ta “cần ôn lại ý chí dân tộc bốn nghìn năm lịch sử, với chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa…"
Ông Tá nhắc lại lời Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong” và nhắn nhủ Tổng Bí thư rằng “biết dựa vào sức dân thì chúng ta sẽ thắng. Các đảo, cụm đảo ngoài biển Đông phải trở thành các pháo đài chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”.
Cử tri Bùi Đức Thập bày tỏ: Chúng ta đã thấy được âm mưu lâu dài của bọn bá quyền Trung Quốc hòng thôn tính nước ta. Trung Quốc đã biến ta từ bạn thành thù, ta phải có thái độ kiên quyết hơn. Chúng ta cần tuyên truyền để nhân dân không mắc mưu Trung Quốc. Tôi thấy rất khó chịu trước hành động của Trung Quốc.
“Chúng ta cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn, bằng nhiều kênh khác nhau, phải gửi công hàm đi toàn thế giới để các nước và nhân dân toàn thế giới biết. Về mặt pháp lý thì phải kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Trong nước thì tiết kiệm, chống lãng phí để có tiền đóng nhiều tàu to hơn, lớn hơn cho hải quân ta bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa” - ông Thập nỏi.
========================
“Tình huống xấu nhất là có thể chấm dứt quan hệ giữa hai nước”
(Dân trí) - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tình huống xấu có thể xảy ra sau vụ giàn khoan Hải Dương 981 là có sự hạn chế giao thương giữa biên giới Việt - Trung, đóng cửa biên giới và cao nhất là chấm dứt quan hệ giữa 2 nước…
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên tới cuộc họp báo Chính phủ chiều 1/7 ngay khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa kết luận phiên họp thường kỳ tháng 6.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên.
Phát biểu về tình hình Biển Đông tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nên nói: qua 2 tháng sau thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan, Chính phủ đưa ra kết luận về việc thống nhất, đồng thuận thực hiện các mục tiêu xác định. Việt Nam khẳng định hành động ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam là trái với đạo lý, trái pháp lý và quan hệ hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc. Việc này tạo nên hệ quả không tốt không chỉ đối với Việt Nam mà đe doạ cả tình hình an ninh trong khu vực và thế giới.
Việt Nam khẳng định sự kiên trì có mặt trên vùng biển của mình để khẳng định chủ quyền đối với 2 quẩn đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam cũng tiếp tục đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, kiên trì giải pháp hoà bình, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về Luật Biển. Dư luận quốc tế đến nay cơ bản ủng hộ và đánh giá rất cao sự kiên trì của Việt Nam, kiên nhẫn chấp nhận đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hoà bình. Bạn bè cũng nhắc nhở Việt Nam cố gắng không để dẫn đến xung đột vì bất cứ xung đột nào cũng là lọt vào “bẫy”, âm mưu của Trung Quốc. Chưa có gì xảy ra mà Trung Quốc đã vu cáo trắng trợn rằng Việt Nam có hành vi quấy phá trên biển.
“Việt Nam đã hành động trên tinh thần rất thiện chí với bạn. Đến nay Việt Nam đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc lần thứ 3 đồng thời có những đề nghị hoà bình với Trung Quốc nhưng bạn vẫn không đáp lại” – Bộ trưởng Nên khái quát.
Trả lời câu hỏi về những tình huống xấu mà Chính phủ dự kiến xảy ra trên Biển Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Thực ra các “kịch bản” này đã được đề ra từ lâu. Với đường lối độc lập tự chủ của Việt Nam, các cấp lãnh đạo nhà nước đã nêu yêu cầu làm sao để nền kinh tế Việt Nam không quá phụ thuộc vào thị trường nào”.
Tình huống xấu đề ra, theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, là có thể có sự hạn chế giao thương giữa biên giới 2 nước Việt – Trung, tình huống khác là đóng cửa biên giới và cao nhất có thể là chấm dứt quan hệ giữa 2 nước.
Bộ trưởng Nên xác nhận, tình huống nào thì cũng gây khó khăn nhất định cho Việt Nam nhưng không phải quá khó đến mức Việt Nam không thể vượt qua được. Mức độ ảnh hưởng được xác định là không quá lớn.
Có một số tỉnh có nêu sự khó khăn trong giao thương là do tăng cường kiểm soát hoạt động qua đường tiểu ngạch của Trung Quốc, còn lại các hoạt động đều diễn ra bình thường. Việc này, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên có lợi cho nền sản xuất, hoạt động thương mại chính ngạch của Việt Nam.
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin thêm việc Chính phủ giao cơ quan chức năng củng cố hồ sơ pháp lý để khi cân nhắc để khi thấy thực sự cần thiết, ở thời điểm có lợi nhất thì tiến hành khởi kiện Trung Quốc. Theo đó, Chính phủ đang tiếp tục tập hợp ý kiến nhân dân làm cơ sở bổ sung cho suy nghĩ, hành động của mình một cách chín chắn hơn.
Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương, định hướng của Trung ương Đảng, Chính phủ, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, kiên định, kiên trì các giải pháp, biện pháp, đối sách đấu tranh bằng biện pháp hoà bình trên thực địa, bằng chính trị - ngoại giao, bằng thông tin, truyền thông trong nước và nước ngoài, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương trong thời gian tới tập trung theo dõi sát, nắm chắc tình hình, chủ động xử lý và báo cáo kịp thời những tình huống mới, phức tạp.
Thủ tướng cũng giao các cơ quan chức năng tiếp tục củng cố, chuẩn bị hồ sơ để TƯ Đảng xem xét, cân nhắc thực hiện việc đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Các Bộ, ngành, địa phương nhận lệnh tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị thiệt hại; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. "Dứt khoát không để tái diễn sự việc như vừa qua tại một số địa phương", Thủ tướng nêu rõ. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền về môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc triển khai các giải pháp chủ động, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước, cả trước mắt và lâu dài.
Văn phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp, ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội đều đánh giá cao các giải pháp, biện pháp, đối sách của TƯ Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện đồng bộ các biện pháp đấu tranh hòa bình để bảo vệ chủ quyền, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Đánh giá cao các chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài sau vụ việc một số người kích động và lợi dụng biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan để phá hoại, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho một số doanh nghiệp ở một số địa phương vừa qua. Các ý kiến cũng bày tỏ đồng thuận với các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp của Chính phủ về đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam trong thời gian tới.