2016/07/01

SAO GẦN 03 THÁNG MỚI CÔNG BỐ NGUYÊN NHÂN CÁ CHẾT?

"Bộ trưởng nói cá chết do độc tố cực mạnh thải ra môi trường. Vậy sao gần 3 tháng mới công bố nguyên nhân cá chết?". Đây là nội dung câu hỏi được Phóng viên Báo Vietnamnet gửi đến các đại diện Chính phủ trong cuộc họp báo công bố nguyên nhân hiện tượng cá chết tại một số tỉnh Miền Trung vào chiều ngày 30/06/2016 vừa qua. 
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà (Nguồn: Internet). 

Tuy nhiên, ngược lại với quan điểm của Phóng viên báo Vietnamnet, một đại diện của Chính phủ có mặt tại buổi họp báo, Bộ trưởng bộ KH& CN Chu Ngọc Anh đã phủ nhận ý kiến cho rằng, việc công bố nguyên nhân cá chết sau 03 tháng là chậm. Lí giải cho ý kiến này, vị Bộ trưởng này đã đưa ra những bằng cớ có tính chất so sánh về việc công bố nguyên nhân của các thảm họa với quy mô tương tự; theo đó đối với sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra tại Chiba Nhật Bản vào tháng 12/2004, nhà chức trách nước này đã phải mất hơn 1 năm sau (tức ngày 27/12/2005) mới có thể công bố nguyên nhân chính thức. 
03 tháng mà đã tìm ra nguyên nhân, thủ phạm gây nên thảm họa ô nhiễm môi trường biển tại một số tỉnh Miền Trung vì thế cần được hiểu là nhanh chứ không phải là chậm như đồn đoán! 
Chưa hết, sau khi Chính phủ chính thức công bố về nguyên nhân cá chết, trong bài trả lời phóng vấn các báo đài, với tư cách là một chuyên gia và cũng từng đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường trong thời gian dài, GS Đặng Hùng Võ đã "chấm điểm 10" cho nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đối với sự cố ô nhiễm môi trường Biển vừa qua. Được biết đến là một người tương đối khắt khe trong đánh giá các vấn đề khoa học nên người viết hiểu rằng, chắc chắn nếu vì chuyện Chính phủ sớm công bố ra nguyên nhân thì vị GS này sẽ không đánh giá cao đến thế. 

Qua theo dõi của cá nhân người viết, nguyên nhân khiến ông GS Võ đánh giá cao Chính phủ và các bộ ngành chức năng chính là tổng hòa của nhiều yếu tố đi kèm. Cụ thể, đó là việc nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và tiến hành các công đoạn trong đó một cách khoa học, khách quan, bài bản, chính xác.

Ở đây, chúng ta phải thực thà công nhận rằng, việc sớm công bố nguyên nhân cá chết là một điều kiện tiên quyết và cần thiết nhất để tiến hành các công đoạn sau đó; Tuy nhiên, nếu chúng ta vội vàng công bố ngay sau khi các chuyên gia, nhà khoa học tìm thấy nguyên nhân hiện tượng cá chết thì e rằng, chúng ta mới chỉ giải quyết được 1 nửa yêu cầu đặt ra trong việc giải quyết thảm họa vừa qua. Phía thủ phạm gây ra thảm họa (Formosa) sẽ không bao giờ tính đến chuyện bồi thường, xin lỗi hay có những cam kết lâu dài trong tương lai với Chính phủ và người dân. Bởi, việc sớm công bố nguyên nhân ngoài việc không tạo thời gian, không gian cho hai bên đàm phán, đối thoại với nhau để tìm ra tiếng nói chung thì việc bị dồn đến bước đường cùng sẽ vì thế khiến cho Formosa hành động theo kiểu "không có gì để mất". Thành ngữ "Chó cùng rứt giậu" mà chúng ta hay nói đến là vì thế! 

Vậy nên, nếu đề cập đến việc chậm trễ thì đó là sự chậm trễ trong công bố nguyên nhân chứ không phải là sự chậm trễ trong nghiên cứu nguyên nhân cá chết. Còn vì sao mà chậm trễ trong công bố nguyên nhân cá chết thì như đã nói ở trên, chúng ta cần một khoảng thời gian để tiến hành đàm phán, ép thủ phạm gây nên hiện tượng cá chết phải chấp thuận với các điều kiện phù hợp, căn cơ nhất. Bản cam kết 05 điểm phía Formosa đưa ra trong công văn ngày 28/06/2016 của công ty này gửi Chính phủ chính vì thế là kết quả của một cuộc đấu trí quyết liệt sau khi đã tìm ra nguyên nhân hiện tượng cá chết! Vì vậy, xin khẳng định lại rằng, 03 tháng để tìm ra nguyên nhân cá chết và buộc thủ phạm phải cúi đầu thừa nhận là một kỳ tích của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Điều đó xứng đáng với thang điểm 10 như đánh giá của GS Đặng Hùng Võ! 

An Chiến

No comments:

Post a Comment