NGUYỄN DUY XUÂN
Tuần
trước, dư luận ấn tượng với lời phát biểu chia tay của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng trong phiên họp Chính phủ sáng 26-3: “Kỳ này nghỉ chính sách
ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng được vào
chương trình “sống tử tế”, làm người tử tế".
Không
phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng lại nói như vậy. Bởi dường như "chuyện tử
tế", "người tử tế" đang ngày càng trở nên hiếm hoi trong xã hội hiện
nay?
Phát
biểu tại nghị trường hôm 28/3, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng: "Đạo đức
giả ngày càng lấn át đạo đức thật, chủ nghĩa thực dụng ngày càng phổ
biến trong một bộ phận xã hội và tính tham lam, tính ích kỷ, tệ dối trá,
lừa đảo, cướp giật, giết người, mất an toàn trong vệ sinh an toàn thực
phẩm và một số tệ nạn xã hội khác đang tạo sự bất an cho nhân dân".
Điều
mà đại biểu Dung nói không mới bởi tham lam, ích kỷ, dối trá, lừa đảo,
cướp giật, giết người… đang diễn ra ngày một phổ biến trong xã hội hiện
nay.
Mỗi
ngày lật trang báo ra hay lên mạng, đập vào mắt mọi người đầy rẫy những
thông tin chua chát về tham nhũng, lừa đảo, cướp, giết, hiếp…
Thì
mới đây thôi, dư luận giật mình kinh hãi trước những hình ảnh ngư dân
trộn phẩm màu nhuộm đỏ con ruốc để bán được giá cao, chuyện 6 triệu con
heo xơi chất cấm "chui" vô bụng người Việt. Dân mình đang vô tư đầu độc
chính bản thân mình. Câu nói của một vị đại biểu Quốc hội nghe thật xót
xa: "Con đường từ dạ dạy đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn hơn thế".
Sẽ
chẳng có gì là khó hiểu khi nói rằng người Việt ngày càng vô cảm, hung
hãn, độc ác. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều báo cùng chạy những cái tít
từa tựa nhau: Vì sao người Việt đang ngày càng hung hãn? Người Việt ác
với nhau từ bao giờ? Vì sao người Việt ngày càng tàn ác? Có phải con
người ngày càng ác độc hơn? Con người ngày càng sống độc ác với nhau
hơn!
Sẽ
chẳng có gì là khó hiểu khi đại biểu Đỗ Văn Đương nói những lời gan
ruột: "Mua bán chức quyền xong rồi, thì đi vơ vét..." thế cho nên mới có
chuyện "Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo” và "Quốc gia mà có
nhiều "Hòa đại nhân”, thì dân còn gì để ăn".
Thử
hỏi trong một môi trường như thế, làm sao còn chỗ cho chuyện tử tế và
người tử tế? Ông Đương tiếp tục chia sẻ: "Cuộc đời này còn nhiều người
trong sạch. Nhưng có phải nước trong thì không có cá, người trong sạch
không ai chơi".
Vâng!
Cuộc đời này người tốt nhiều lắm! Mỗi ngày lại xuất hiện thêm những tấm
lòng nhân ái như chương trình việc tử tế trên VTV. Nhưng buồn thay,
dường như người tử tế bị khuất lấp, thậm chí bị cuốn đi giữa dòng đời
trong đục mà phần đục ngày càng lấn lướt phần trong. Sự thật là người
trung thực thẳng thắn đang bị loại ra khỏi "cuộc chơi". Không ít trong
số họ đành phải chấp nhận điều mà bản thân không bao giờ muốn để có thể
tồn tại: Dối trá với cả chính mình!
Hàng
vạn công chức đang khoác chung một tấm áo, đắp chung một chiếc chăn
sạch sẽ thơm tho nhưng nhân dân thì nhìn thấu ruột gan. Đại biểu Lê Nam
nói: "Nhân dân chán lắm rồi các cán bộ chỉn chu và trau chuốt với những
ngôn từ tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao". Không những chán mà còn "ngấy
lên tận cổ" như tựa đề một bài bình luận trên Dân trí của nhà báo Bùi
Hoàng Tám.
Thế đấy, chuyện tử tế, người tử tế còn không? Thật xót xa khi phải đặt ngược câu hỏi: Ai cho ta được làm người tử tế?
Nguồn: Văn Hóa Nghệ An
No comments:
Post a Comment