2021/04/22

VẪN LÀ CÁI NHÌN CHỦ QUAN, THIẾU THIỆN CHÍ CỦA RSF VỀ TỰ DO BÁO CHÍ Ở VIỆT NAM

Đắc Chí

Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) vừa công bố báo cáo “chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2020”, trong đó tiếp tục có những luận điệu sai trái về tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Thêm một lần nữa, tổ chức này lại tiếp tục có các hành vi vu cáo và xuyên tạc về tự do báo chí ở Việt Nam.

So với các năm trước, tình hình về tự do báo chí của Việt Nam được phản ánh trong thông cáo được công bố ngày 20/4 của RSF không có nhiều sự khác biệt về thứ bậc xếp hạng. Với việc bị xếp thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia tên toàn thế giới về tự do báo chí. Theo RSF, “Chính phủ Việt Nam củng cố kiểm soát nội dung mạng xã hội trong khi tiến hành một làn sóng bắt bớ những nhà báo độc lập hàng đầu trước khi tiến tới Đại hội Đảng vào tháng giêng năm 2021. Trong số này có cô Phạm Đoan Trang, người được RSF trao giải Tác Động hồi năm 2019”. Điều đáng nói, mặc dù tự cho mình cái quyền xếp hạng chỉ số “tự do báo chí” của tất cả các nước trên thế giới song RSF lại chỉ dựa trên những suy đoán, phỏng đoán và cách tiếp cận sai lệch.

Bài viết trên VOA (Ảnh chụp màn hình)

Trong khi đó, diện mạo và thực tiễn đời sống báo chí, tự do báo chí tại Việt Nam đang phản ánh những bước tiến đáng ghi nhận. Đó không chỉ là việc Việt Nam đã, đang tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết của mình về vấn đề tự do ngôn luận, tự do báo chí theo Hiến chương Liên hợp quốc và các nghị định, hiệp ước quốc tế, khu vực liên quan mà trên nền tảng đó, Việt Nam đã chủ động, sáng tạo và đầy trách nhiệm trong việc cụ thể hoá quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng bằng văn bản pháp lý. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Tại Luật Báo chí hiện hành, chúng ta cũng đã có hẳn một chương với 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13, Chương II) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Về mặt thực tiễn, đời sống hoạt động báo chí đang phát triển một cách hết sức sôi nổi với sự đa dạng về loại hình báo chí, tư báo in, báo nói, báo truyền hình, báo điện tử; nhà nước quan tâm và đảm bảo bằng cơ chế pháp luật để mọi công dân đều có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách thuận lợi nhất. Cùng với các hãng thông tấn, báo chí trong nước, các hãng truyền thông, báo chí nước ngoài cũng đang hoạt động tích cực tại Việt Nam và được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Ngoài ra, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, các tiện ích trên mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và phổ biến tới người dân. Thông tin báo chí trở nên phổ thông, minh bạch, công khai…

Tuy nhiên, cũng như mọi quốc gia trên thế giới, luật pháp Việt Nam quy định hạn chế quyền tự do ngôn luận trong một số trường hợp, phù hợp với Công ước về các quyền dân sự và chính trị, nhằm tôn trọng các quyền hợp pháp và chính đáng, uy tín, danh dự của người khác; nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức của xã hội. Những trường hợp mà RSF gọi là “nhà báo độc lập” như Phạm Đoan Trang thực chất là những kẻ đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Lợi dụng đặc tính lan truyền nhanh, rộng và khó kiểm soát của thông tin trên mạng, những đối tượng đó đã xem internet là một trong những công cụ để tuyên truyền xuyên tạc các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời, truyền bá những luận điệu sai trái gây hoang mang trong xã hội... nhằm chống phá công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam. Các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam bắt giữ, xử lý họ là vì họ vi phạm pháp luật.

Như vậy, cái gọi là bố báo cáo “chỉ số tự do báo chí thế giới năm 2020” mà RSF đưa ra không có nội dung gì mới mẻ ngoài cách làm chủ quan, áp đặt, thiếu thiện chí với Việt Nam. Rõ ràng, đây là một sự xuyên tạc, bóp méo, bịa đặt, vu cáo, bôi đen thực tế xã hội và thực trạng tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam./.

No comments:

Post a Comment