Loa Phường
Trong tuần qua, dư luận chống đối đã tuyên truyền rằng Nhà nước Việt Nam đang "bỏ rơi công dân" Đoàn Thị Hương, nhân việc Hương tiếp tục bị Malaysia truy tố vì liên quan đến cái chết của ông Kim Jong Nam, trong nghi phạm người Indonesia đã được chính phủ nước này vận động thả.
Ngày 13/02/2017, tại một sân bay ở Malaysia, hai phụ nữ trẻ đã dùng khăn tay để quệt "chất độc thần kinh XV" vào mắt ông Kim Jong Nam, anh trai của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, khiến ông này tử vong vì ngộ độc sau vài phút. Hai nữ nghi phạm, gồm Đoàn Thị Hương (quốc tịch Việt Nam) và Siti Aisyah (quốc tịch Indonesia), bị Malaysia truy tố vì tội "ám sát" ông Kim Jong Nam. Trong quá trình điều tra, các nghi phạm khai rằng họ tưởng mình được 4 người Triều Tiên thuê đóng một show truyền hình thực tế, trong đó họ phải thực hiện hành vi trêu trọc người khác, chứ không biết đến âm mưu ám sát ông Kim. Luật sư của Đoàn Thị Hương đã đưa ra một số bằng chứng ủng hộ lời khai của thân chủ - bao gồm việc cô Hương từng thực hiện một số vụ "trêu chọc" tương tự ở Việt Nam trước khi đến Malaysia; việc Hương không rửa hết chất độc nguy hiểm dính trên tay; và việc Hương đã mặc nguyên quần áo cũ để trở lại hiện trường, thay vì thay đổi nhân dạng và bỏ trốn.
Trong quá trình xét xử, phía Indonesia đã tiến hành một loạt "hoạt động ngoại giao cấp cao" để thuyết phục Malaysia thả nghi phạm Siti Aisyah. Chẳng hạn, trong năm 2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến gặp Thủ tướng, Tổng Trưởng lý và cảnh sát trưởng Malaysia để vận động. Nhờ quá trình này, phía Malaysia đã thả Siti Aisyah trong phiên tòa ngày 11/03/2019, trong khi giữ lại Đoàn Thị Hương, dù hai nghi phạm bị truy tố với những bằng chứng và cáo buộc giống nhau. Sau khi về nước, Siti Aisyah "được chào đón như một nữ anh hùng, được những viên chức cao cấp nhất đất nước, bắt tay chúc mừng", "được mời đến phủ tổng thống, để bắt tay, 'cảm ơn' Tổng thống Widodo"; trong khi chính phủ Widodo tuyên bố ồn ào rằng cô này được thả nhờ "những nổ lực giải cứu công dân" của họ. Báo chí nước ngoài cho rằng ông Widodo nỗ lực trong vụ "giải cứu" này để làm truyền thông, nhằm giành lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Tư. BBC tiếng Việt bình luận về diễn biến này bằng cách đặt tựa đề "Từ vật tế thần thành con bài chính trị".
Trước khi Siti Aisyah được thả, dư luận phi chính thống Việt Nam không quan tâm nhiều đến số phận của Đoàn Thị Hương. Tuy nhiên, sau khi sự việc diễn ra, họ đồng loạt tuyên truyền rằng Nhà nước Việt Nam đang "bỏ rơi công dân của mình", rằng họ muốn làm người Indonesia thay vì người Việt Nam... Trần Vũ Hải viết rằng "nếu Nhà nước Việt không cứu được công dân Việt" trước ngày 01/04/2019, thì "Nhà nước từ bỏ phương châm ‘đã có Nhà nước lo’, và khuyến khích phong trào ‘đừng đợi Nhà nước, chúng ta tự lo’, tức ‘xã hội dân sự’".
Đáp lại phản ứng của dư luận, ngày 12/03/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gọi điện cho Ngoại trưởng Malaysia, đề nghị Malaysia trả tự do cho công dân Đoàn Thị Hương, song không được chấp thuận. Trước diễn biến này, một số gương mặt trong giới chống đối, như Nguyễn Trường Sơn, tiếp tục chê trách Nhà nước Việt Nam can thiệp muộn, và "thiếu tôn trọng Malaysia, phản ngoại giao" khi chọn một hình thức vận động công khai và khiếm nhã.
Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi xin đưa ra 3 ý kiến.
Thứ nhất, tòa án Malaysia đã vi phạm các nguyên tắc của nền pháp quyền, khi để bản án được quyết định bởi các tác động ngoại giao, thay vì bởi quá trình điều tra và tố tụng. Không có công lý trong phiên xử Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah. Cùng lúc đó, nghi phạm người Indonesia đã bị biến thành công cụ trong các hoạt động truyền thông dân túy để giành phiếu bầu của Tổng thống nước này. Nền tư pháp bất công của Malaysia, và nền chính trị dân túy của Indonesia không phải là thứ mà dư luận Việt Nam nên ca ngợi và đồng lõa.
Thứ hai, trước khi nghi phạm người Indonesia được thả, tạo cớ cho giới "dân chửi" công kích Nhà nước Việt Nam, các nhà "dân chửi" hầu như không quan tâm đến số phận của Đoàn Thị Hương. Qua biểu hiện này, có thể thấy họ chỉ muốn lợi dụng vụ việc để công kích Nhà nước Việt Nam, chứ chẳng yêu mến gì các "công dân Việt".
Thứ ba, trong vụ việc này, 2 nghi phạm đã bị biến thành con tốt trong 2 "TV show" chính trị - một của 4 nghi phạm người Triều Tiên, một của Tổng thống Indonesia Widodo. Dư luận Việt Nam nên suy ngẫm để tránh những màn kịch này, thay vì đòi Nhà nước Việt Nam đưa họ vào một "TV show" tương tự như cái mà ông Widodo đang dàn dựng.
Hương gây ra tội thì hãy tự lo lấy, Việt Nam còn có rất nhiều việc phải làm cho dân, không thể lo chạy tội cho Hương được
ReplyDelete