2019/03/21

Những góc khuất trong phiên điều trần của Việt Nam về việc thực hiện Công ước ICCPR

Loa Phường

Trong hai ngày 11 và 12/03/2019, phái đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc dẫn đầu, đã đến Geneva để điều trần tại "Phiên họp xem xét Báo cáo Quốc gia lần thứ ba của Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" (ICCPR), do Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tổ chức. Tại phiên đối thoại, các thành viên Ủy ban đã đặt câu hỏi về nhiều vấn đề như đa nguyên chính trị; tù chính trị; tra tấn; tự do báo chí và Luật An ninh Mạng; quyền lao động; quyền và sự bình đẳng của các nhóm tôn giáo, sắc tộc thiểu số... Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã trả lời rằng "toàn bộ nội dung Công ước đã được chuyển hóa đến hệ thống pháp luật Việt Nam", đồng thời đưa ra các bằng chứng cụ thể để chứng minh. Sau sự kiện, báo chí chính thống tuyên truyền rằng phiên đối thoại cho thấy Việt Nam đang tuân thủ nghiêm túc Công ước ICCPR, và được quốc tế đánh giá cao về các thành tựu đạt được.


Do phiên họp này nằm trong cơ chế quốc tế liên quan đến vấn đề nhân quyền, giới NGO và giới chống đối ở Việt Nam đã bám sát để tận dụng nó cho mục đích của họ.

Cụ thể, trước cuộc họp, một số tổ chức của hai giới này - như HRS, Ân xá Quốc tế, BPSOS, COSUNAM, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người, Việt Tân, các tổ chức của VOICE - đã tham gia viết báo cáo về tình hình thực hiện Công ước ICCPR của Việt Nam, đồng thời cử đại diện đến dự hai phiên đối thoại.

Trong cuộc họp, một số trang Facebook - như GTV của nhóm Mai Phan Lợi và UPR Vietnam của HRS... - đã kêu gọi độc giả cùng xem, bình luận về đoạn phim tường thuật trực tiếp cuộc họp, do website của Liên Hiệp Quốc cung cấp. Hầu hết các comment bình luận của admin và độc giả 2 trang này nhằm công kích các câu trả lời của đoàn Việt Nam. Việc xem truyền hình trực tiếp và bình luận về phiên họp được họ quảng bá rầm rộ, để phục vụ mục đích tuyên truyền.

Sau cuộc họp, giới NGO và giới chống đối đồng loạt viết bài công kích phần trả lời của đoàn Việt Nam, chủ yếu theo ba hướng.

Thứ nhất, họ đồng loạt nói đoàn Việt Nam chỉ trả lời một cách chung chung, rằng Công ước ICCPR đã được đưa vào luật Việt Nam như thế nào, trong khi tránh bàn về các vụ việc cụ thể đã phát sinh trong quá trình thực hiện.

Thứ hai, họ nói rằng đoàn Việt Nam "xảo ngôn để né tránh vấn đề". Chẳng hạn, Phạm Lê Vương Các lưu ý rằng khi Ủy ban hỏi có hay không việc biệt giam tại Việt Nam, đoàn Việt Nam trả lời rằng Việt Nam không có biệt giam, nhưng có "hình thức giam riêng".

Thứ ba, họ nói rằng đoàn Việt Nam trả lời sai sự thật. Chẳng hạn, Võ Văn Ánh trả lời VOA rằng Nhà nước Việt Nam đã "chiếm đất đai" của Hội Thánh Tin Lành Miền Nam mà ông tham gia, cũng như của các tổ chức tôn giáo khác, chứ không tôn trọng quyền tự do tôn giáo như tuyên bố.

Trái với thái độ công kích chung nêu trên, cũng có một thiểu số trong giới NGO cho rằng dư luận phi chính thống đang quá khắt khe với phái đoàn Việt Nam. Chẳng hạn, Nguyễn Thu Hằng viết rằng dư luận cần thông cảm cho các câu trả lời của phái đoàn; vì một mặt, phái đoàn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và bảo vệ thể diện của quốc gia; mặt khác, đối thoại nhân quyền là "một cuộc tranh biện không có trọng tài", và thực tiễn đã chứng minh rằng các quan điểm của Ủy ban Nhân quyền không phải lúc nào cũng đúng:


Sau khi xem xét vụ việc, chúng tôi thấy giới NGO và giới "dân chửi" nên nhìn rõ những góc khuất mà Nguyễn Thu Hằng đã nêu. Trên tinh thần đó, họ nên xem Công ước ICCPR là một công cụ để đối thoại và thúc đẩy thay đổi, dựa trên thiện chí của các bên liên quan, thay vì như một thứ luật lệ toàn cầu mà họ vin vào để công kích Nhà nước Việt Nam và kêu oan với quan tòa Mỹ. Trong thực tế, những nước chưa ký công ước này bao gồm Myanmar - cường quốc "cách mạng đường phố", và Vatican - thành trì của "công lý và hòa bình". Và sau khi ghi nhận sự né tránh của đoàn Việt Nam khi bàn đến chủ đề "biệt giam", cần nhớ rằng "biệt giam" vẫn đang được áp dụng ở một số bang của nước Mỹ. Về ý kiến của Võ Văn Ánh, có thể thấy Ánh đang đánh đồng vấn đề tự do tôn giáo với vấn đề quyền tư hữu đất đai. Ngoài ra, cần lưu ý rằng khi Nhà nước xử lý một tổ chức nhân danh tôn giáo tiến hành hoạt động chính trị lật đổ, vì thế vi phạm pháp luật, đó không thể coi là vi phạm quyền tự do tôn giáo.

1 comment:

  1. Vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, ở nước nào cũng vậy

    ReplyDelete