Loa Phường
Trong dịp kỷ niệm 40 năm Chiến tranh Biên giới phía Bắc, diễn ra vào ngày 17/02/2019 vừa qua, nhiều gương mặt chống đối đã lợi dụng cuộc thảo luận về lịch sử để đòi thay đổi chế độ chính trị, chính sách đối ngoại của Việt Nam, hoặc công kích Nhà nước.
Các cá nhân tham gia tuyên truyền đều viện dẫn một tiền đề chung, có phần đúng đắn. Đó là lịch sử cần được ghi nhận một cách khách quan, trung thực, khoa học; để phản ánh chính xác những gì đã diễn ra; nhằm lưu trữ ký ức của dân tộc và rút ra bài học từ quá khứ. Tuy vậy, khi khai triển tiền đề chung này theo các hướng khác nhau, họ đã tạo ra một số thông điệp tuyên truyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong thông điệp thứ nhất, nhiều gương mặt chống đối như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang Duy... đã "đòi nhìn lại tường tận nguyên nhân, diễn biến, hậu quả của cuộc chiến", để xác định trách nhiệm của các cán bộ, lãnh đạo vào thời điểm đó của Việt Nam. Cụ thể, về nguyên nhân, họ cho rằng các lãnh đạo khi đó đã không đa phương hóa quan hệ ngoại giao, từ chối quan hệ với phương Tây và ASEAN, khiến Việt Nam bị Liên Hiệp Quốc cô lập, hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô, và đơn thương độc mã trước Trung Quốc. Họ cũng công kích việc Việt Nam tấn công chế độ Khmer Đỏ, khiến Trung Quốc tấn công vùng biên giới phía Bắc của Việt Nam. Về diễn biến, họ công kích rằng Nhà nước đã không di tản thường dân ở vùng có chiến sự, làm gia tăng thiệt hại nhân mạng. Về hậu quả, họ công kích rằng cuộc chiến đã khiến người dân Việt Nam phải tiếp tục ra trận, đổ máu, dù 30 năm chiến tranh vừa kết thúc trước đó chưa lâu; và khiến Việt Nam bị mất một số phần lãnh thổ, như cao điểm 1509 thuộc núi Đất... Đi xa hơn, Nguyễn Văn Đài và nick "Nguyễn An Nam" trên BBC còn tuyên truyền rằng Chiến tranh Biên giới năm 1979 chỉ là chiến tranh giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, còn người dân và binh lính ở cả hai bên chỉ là nạn nhân. Nhìn chung nhóm thông điệp tuyên truyền này không mới, nó được họ dùng đi dùng lại hằng năm.
Trong thông điệp thứ hai, Nguyễn Quang Duy viết rằng để trường học của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc giảng dạy về Chiến tranh Biên giới một cách khách quan, không thù hằn, như mong muốn của giáo sư Phạm Hồng Tung; thì cả hai nước Việt - Trung đều phải theo mô hình dân chủ đa đảng; để giới nghiên cứu được tự do trao đổi học thuật với nhau, và công chúng, học sinh được tự do tiếp cận thông tin đa chiều qua sách vở, báo chí.
Trong thông điệp thứ ba, Nguyễn Văn Phước mượn chuyện chép sử về Chiến tranh Biên giới Việt - Trung để nhắc đến chuyện chép sử về trận Gạc Ma năm 1988. Ông Phước kêu gọi dư luận không quên ngày kỷ niệm 14/03 sắp tới, và không quên cuốn "Gạc Ma - Vòng tròn bất tử" mà công ty Trí Việt của ông tham gia ấn hành. Lời nhắc nhở này của Nguyễn Văn Phước có thể khiến dư luận về chuyện chép sử và chuyện "chống Trung Quốc" kéo dài từ ngày 17/02 đến ngày 14/03, nhất là khi các bên liên quan gia tăng lời qua tiếng lại.
Trong thông điệp thứ tư, Nguyễn Anh Tuấn viết rằng Chiến tranh Biên giới năm 1979 đã để lại một "bài học lịch sử". Đó là Việt Nam cần "dứt khoát" liên minh với Mỹ trong cuộc đối đầu chống Trung Quốc, để được Mỹ giúp hiện đại hóa quốc gia; giống như Trung Quốc từng hỗ trợ Mỹ trong cuộc đối đầu chống Liên Xô để được Mỹ giúp hiện đại hóa.
Sau khi xem xét vấn đề, chúng tôi xin đưa ra 3 nhận xét.
Thứ nhất, qua những bài viết mà giới "dân chửi" tung ra trong tuần qua, có thể thấy họ hoặc là dốt sử, hoặc đang bóp méo lịch sử để tuyên truyền. Chẳng hạn, nếu nhìn nhận lịch sử một cách trung thực, giới họ sẽ không kết luận rằng Nhà nước Việt Nam đã chủ động khiêu chiến với Khmer Đỏ, từ đó gây ra Chiến tranh Biên giới với Trung Quốc. Trong thực tế, Việt Nam đã tìm mọi giải pháp để tránh chiến tranh. Trước khi cuộc chiến nổ ra năm 1979, Khmer Đỏ đã đánh chiếm đảo Phú Quốc và Thổ Chu, đánh sâu vào lãnh thổ Việt Nam nhiều lần, và sát hại hơn 30.000 người Việt; trong khi phía Việt Nam chủ yếu phòng thủ và tìm cách đàm phán. Nếu chính phủ không phát động chiến tranh sau những hậu quả trên, thì thể nào với cái lưỡi không xương của mình, giới "dân chửi" cũng tuyên truyền rằng chính phủ Việt Nam "bán nước" cho Khmer Đỏ. Tương tự, nếu nhớ rằng 3 dân tộc láng giềng - là Việt, Hán và Khmer - đã thường xuyên giao chiến trong suốt hàng nghìn năm, họ sẽ không dám quy nguyên nhân của chiến tranh cho các đảng Cộng sản... Là những người dốt sử hoặc bóp méo lịch sử vì mục đích chính trị, giới "dân chửi" không có tư cách dạy đời về tính khoa học, khách quan trong lĩnh vực này.
Thứ hai, trong dịp kỷ niệm Chiến tranh Biên giới năm nay, báo chí chính thống đã cung cấp một lượng thông tin lớn và chân thực hơn nhiều so với số thông tin mà giới "dân chửi" cung cấp. Thay vì tường thuật cuộc chiến một cách khách quan, trung thực và không vụ lợi như phía chính thống đang làm, giới "dân chửi" đang lợi dụng chủ đề này để tổ chức biểu tình, biểu dương lực lượng, và để đòi lật đổ chế độ chính trị. Vậy họ có tư cách dạy dỗ báo chí chính thống về thái độ khách quan, khoa học khi tiếp cận lịch sử hay không? Ta phải đặt câu hỏi này một lần nữa.
Thứ ba, chế độ đa đảng không phải là liều thuốc tiên khiến các dân tộc ngừng nhìn lịch sử theo cách khác nhau, như mô tả của ông Nguyễn Quang Duy. Chẳng hạn, mỗi lần Nhật sửa sách giáo khoa lịch sử theo hướng phủ nhận tội ác của họ trong Thế Chiến II, họ lại rơi vào khủng hoảng ngoại giao với một nước đa đảng khác là Hàn Quốc.
Tóm lại, nếu giới "dân chửi" muốn một nền sử học có tính khoa học, khách quan và độc lập với chính trị, họ nên tự áp dụng các tiêu chuẩn đó cho việc học sử của mình. Nếu không, họ sẽ sớm tụt hậu so với báo chí và sách vở chính thống.
Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt phân tích và nhận rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền, lừa bịp của bọn phản động và các thế lực thù địch; đồng thời kiên quyết đấu tranh bác bỏ và vạch trần những luận điệu xuyên tạc của chúng
ReplyDelete