2017/01/15

TẾT HỘI NHẬP HAY TẾT HÒA TAN

SV VN


Cứ đến mỗi dịp tết đến xuân về, bên cạnh những chuyện để bàn của năm cũ, những dự định cho năm mới sắp tới, người ta lại bàn nhau, kháo nhau về cái gọi là “gộp Tết” – tức là gộp tết dương và tết âm của ta lại làm một, cả nước ăn tết dương thôi không ăn tết âm nữa. Sở dĩ có ý kiến này vì 11 năm trước, giáo sư Võ Tòng Xuân đã có ý kiến cho rằng nên chuyển tập quán ăn tết âm lịch sang các ngày dương lịch và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê qua bài báo “Tết “hội nhập,” tại sao không?”. Mới đây, nhà kinh tế học Phạm Chi Lan cũng đưa ra ý kiến đồng quan điểm với giáo sư này. Dư luận cũng từ những ý kiến của những chuyên gia như thế mà đưa ra những quan điểm khác nhau, mỗi người một ý, nhưng chung quy lại chúng ta vẫn đang ăn tết âm và chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy phong tục này sẽ bị mai một hoặc có nguy cơ mai một.

Tuy nhiên, cũng phải thông cảm cho các giáo sư, các nhà kinh tế học như hai vị chuyên gia trên, bởi xét trên một khía cạnh nào đó, những nước Á Châu như Việt Nam, Trung Quốc,… và một số quốc gia khác trên thế giới đúng là gặp những bất tiện trong giao dịch thương mại, kinh tế quốc tế khi chúng ta ăn tết âm lịch. Trong thời kỳ hội nhập, cũng phải công nhận với nhau rằng, chỉ một phút, một giây chứ đừng nói là một giờ hay thậm chí là vài ngày, cũng có thể gây ra sai số lớn và ảnh hưởng đến cả thị trường. Các nhà kinh tế học như bà Phạm Chi Lan và giáo sư Võ Tòng Xuân suy cho cùng cũng vì muốn nền kinh tế của chúng ta phát triển kịp với nền kinh tế thế giới, đó là một điều tốt, đáng được hoan nghênh.
TẾT HỘI NHẬP HAY TẾT HÒA TAN
Văn hóa Tết không thể bị mai một
Thế nhưng, quan điểm hội nhập của Đảng và Nhà nước ta đã được thể hiện rõ ràng từ nhiều năm qua: “hòa nhập chứ không hòa tan”, tức là chúng ta hội nhập, tiếp thu những nét đẹp của văn hóa quốc tế, văn hóa nhân loại nhưng không làm mất đi những giá trị văn hóa bản sắc của dân tộc. Có người nói văn hóa Tết của Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc, tuy nhiên Tết của Việt Nam có những nét vô cùng độc đáo và riêng biệt. Việt Nam xuất phát từ nền văn minh lúa nước, một năm bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đều có ảnh hưởng to lớn đến mùa màng. Trong đó, mùa xuân là mùa ấm áp nhất, là mùa đâm chồi nảy lộc của hoa cỏ, đó là điều mà ai cũng hướng tới. Người Việt có câu: “Đầu xuôi thì đuôi lọt”. Mùa xuân không phải là mùa khởi đầu của một năm thì mùa gì sẽ thuận lợi hơn nữa? Mùa xuân là mùa thích hợp để con người ta nghĩ về năm cũ đã qua, chào đón năm mới với những ước vọng mới, đồng thời cũng là thời điểm người nông dân nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Văn hóa Tết của ta nổi tiếng với câu thơ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đó chẳng phải là một sự mong ước về sự sung túc cả về vật chất và tinh thần? Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng đã là những thứ đều được ví với đất, với cây, với muông thú sống hòa hợp, thuận lợi cho con người. Còn câu đối đỏ, tràng pháo, cây nêu cũng là ước muốn tinh thần của nhân dân ta về sự may mắn, sự hạnh phúc. Chẳng phải, gộp tết âm ta với tết dương sẽ làm mất đi những ước muốn thiêng liêng và cao cả ấy sao? Đấy là chúng ta còn chưa nói đến, đó là mùa sum họp của gia đình, là mùa đoàn viên. Ngày Tết là ngày chúng ta tưởng nhớ tổ tiên, nghĩ về đấng sinh thành, gặp gỡ anh em bạn bè sau cả một năm trời xa cách. Văn hóa Việt Nam là văn hóa cộng đồng, nếu không có những yếu tố như ngày tết thì chúng ta rồi cũng sẽ trở thành những con người tuy hiện đại mà sống cá nhân và mất gốc. Chúng ta ai cũng rồi sẽ trở thành bố mẹ, ông bà, và liệu rằng có mấy ai muốn con cháu mình không đoàn tụ trong những ngày như thế này?

Tết âm của chúng ta rõ ràng không thể hòa tan với tết dương, hay ngày tết, lễ của bất kỳ nền văn hóa nào khác. Bởi họ cũng có những bản sắc riêng biệt. Người phương Tây theo tôn giáo nào họ sẽ có những đặc điểm văn hóa của tôn giáo đó. Có những nước đi theo Thiên Chúa giáo, họ sẽ có những ngày lễ Giáng Sinh, lễ Tặng Quà, lễ Tạ Ơn, … Những ngày lễ đó họ cũng ăn uống, cũng nghỉ ngơi, trong khi chúng ta vẫn phải làm việc. Chúng ta không trách họ bởi đó là văn hóa của họ, cũng không trách chúng ta vì đó là cái nôi tinh thần của chúng ta. Nếu như nền văn hóa nào cũng giống nền văn hóa nào, ai ai cũng có cái nôi tinh thần như ai, thì thế giới này sẽ không còn sự đa dạng, không còn sự kỳ thú mà nó vốn có như trước nữa. Và cũng sẽ đau lòng nếu như có những người muốn vứt bỏ những giá trị tinh hoa của mình để chạy theo những thứ chỉ mang tính thời cuộc và tạm thời. Rõ ràng, nước Nhật không giàu lên vì họ đã bỏ tết âm và ăn tết dương, đó chỉ là một phần rất nhỏ của sự phát triển. Suy cho cùng, nếu con người ta giữ được những giá trị tinh thần tích cực thì sự phát triển vẫn xảy ra và xảy ra một cách bền vững. Chỉ có những thứ hòa tan mới mất đi và sớm trở thành mối nguy hại cho một quốc gia, một dân tộc, một nền văn hóa.

No comments:

Post a Comment