2017/01/25

NÊN HAY KHÔNG TRIỂN KHAI DỰ ÁN THÉP HOA SEN - CÀ NÁ

Lê Quang

Liên quan đến khẳng định của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Trương Thanh Hoài “Ngay cả khi tỉnh Ninh Thuận không đề xuất nhà đầu tư là tập đoàn Hoa Sen làm, thì Bộ cũng đưa dự án thép tại Cà Ná trở lại quy hoạch ngành và tìm nhà đầu tư sau, vì đây là thời điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép”. Thì đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Nhiều người cho rằng việc triển khai dự án thép trên là cần thiết để giảm tình trạng nhập khẩu thép số lượng lớn từ nước ngoài, nhưng cần quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường. Bên cạnh đó một số ý kiến lại cho rằng không nên triển khai dự án thép Cà Ná để bảo vệ môi trường, và họ ra sức kêu gọi mọi người ủng hộ quan điểm này của mình "Đừng để nghèo đi vì dự án mà lợi ích đâu chưa thấy, ảnh hưởng môi trường biển thì nhỡn tiền, thiệt hại kinh tế biển không thể tính được bằng tiền" và chúng ta có thể đoán được "nhỡn tiền" mà họ nhắc đến ở đây chính là sự việc Formosa xảy ra vào đầu tháng 6/2016.
Quy hoạch dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận
Như nhiều chúng ta đã biết, dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tiền thân là dự án tổ hợp thép Vinashin - Lion từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm, đã có giấy chứng nhận đầu tư và đã trong quy hoạch ngành thép được duyệt. Tuy nhiên, sau đó liên doanh này không thể triển khai do tập đoàn Vinashin đổ vỡ, đối tác Lion cũng gặp khó khăn về tài chính, vì thế Bộ Công Thương khi đó quyết định tạm rút ra khỏi quy hoạch. Sau đó, trong quá trình rà soát tình hình thực hiện quy hoạch từ cuối năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã nghiên cứu những địa điểm khả thi có thể đặt được nhà máy thép, trong đó đã tính tới việc đưa trở lại dự án thép ở Cà Ná. “Việc bổ sung dự án thép Hoa Sen - Cà Ná tại Ninh Thuận không đốt cháy giai đoạn, không vội vàng. Đồng thời cũng không vượt cấp hay không tuân thủ quy trình bổ sung quy hoạch”. 7/2016 tỉnh Ninh Thuận có văn bản gửi Bộ đề xuất và vị trí Cà Ná cũng phù hợp với nghiên cứu trước đó của Bộ, vì thế Bộ đã bổ sung vào quy hoạch.
Trên thực tế, Việt Nam hiện nay đang phải nhập khẩu một lượng thép lớn, nhập siêu thép mỗi năm khoảng 6-7 tỷ USD. Riêng 8 tháng đầu năm 2016, Việt Nam nhập 14 triệu tấn thép và dự kiến cả năm là 22 triệu tấn thép thô quy đổi trong khi trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay có hơn 300 mỏ và điểm quặng sắt, Mỏ sắt lớn nhất Việt Nam là Thạch Khê ở tỉnh Hà Tĩnh với trữ lượng đạt 544 triệu tấn; Mỏ sắt Quý Sa có trữ lượng trên 120 triệu tấn, mỏ quặng sắt tại Tây Nguyên khoảng 2,2 tỷ tấn. Và trong tổng công suất lắp đặt khoảng 20-25 triệu tấn hiện nay ở Việt Nam, có một tỷ trọng lớn là từ các nhà máy sản xuất quy mô nhỏ và rất nhỏ (dưới 500 nghìn tấn). Bên cạnh đó, hàng loạt dự án thép dù đã được cấp phép nhưng đến nay vẫn triển khai chậm hoặc chưa thể đi vào hoạt động vì vậy nếu không có dự án thép lớn như Cà Ná thì trong một vài năm tới nước số lượng thép nhập sẽ tăng cao hơn nữa, đồng thời với đó là việc ra đời dự án thép trên sẽ giúp tái cơ cấu lại ngành sản xuất thép ở Việt Nam theo hướng hiệu quả hơn, tương tự như xu thế chung trên thế giới, đặc biệt ở những nước như Trung Quốc, vốn đang diễn ra làn sóng sát nhập, hợp nhất và đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất thép nhỏ, không hiệu quả, ngành thép Việt Nam sẽ có thêm đáng kể công suất gia tăng, đồng thời bổ sung đáng kể công suất mất đi từ những nhà máy đang tồn tại, và cuối cùng tình trạng dư thừa cung chắc sẽ được hạn chế đáng kể.
Và chúng ta cũng cần thấy rằng, không phải dự án thép nào cũng gây ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung có hàng trăm, hàng nghìn dự án thép đang tồn tại và hoạt động có hiệu quả. Thậm chí nước Mỹ, đất nước mà theo nhiều người là công nghệ khoa học hiện đại, môi trường sống luôn được đảm bảo thì hàng năm vẫn có những dự án thép lớn mọc lên để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Như vậy việc xây dựng nhà máy thép không phải là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, mà xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường của nhà sản xuất. Và vụ việc ô nhiễm môi trường biển 04 tỉnh miền trung trong thời gian gần đây cũng xuất phát từ nguyên nhân - từ sự tắc trách trong kiểm soát chất lượng nước xả thải, không tuân thủ các quy định về môi trường của công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. 
Lo ngại về vấn đề môi trường của người dân sau vụ việc Formosa là điều có thể hiểu được. Nhưng không vì thế mà chúng ta tẩy chay, ngăn cản việc xây dựng, triển khai các dự án thép để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên của đất nước. Mà điều chúng ta cần quan tâm ở đây, là các phương tiện kĩ thuật, cơ chế quản lý của cơ quan ban ngành chức năng để có thể đảm bảo môi trường khi dự án này được đưa vào hoạt động. Làm thế nào để dự án vẫn đi vào hoạt động góp phần vào phát triển kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, nhưng môi trường vẫn được đảm bảo, để không xuất hiện một Formosa tiếp theo.

No comments:

Post a Comment