2017/01/25

Khác biệt của thập giá và thánh giá

Kính Chiếu Yêu



Theo thần học, trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình thì cây gỗ (giá) treo ông lên chỉ được gọi là cây thập giá, thập tự hoặc thập tự giá, đó một hình thức xử tử của Đế quốc La Mã. Khi ấy, mọi người coi cây thập giá là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục. Sau khi Chúa Giêsu chịu chết trên cây thập giá để chuộc tội cho thiên hạ (theo thần học Kitô Giáo) thì mới xuất hiện khái niệm "Thánh Giá". "Thánh Giá" được xem như biểu tượng của "Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa" và "Công nghiệp Cứu Chuộc Nhân Loại của Chúa Giêsu" (theo quan niệm của Kitô Giáo).

Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP TỰ GIÁ, là một cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, là một cực hình của thế giới phương Tây.

Biểu tượng của cây thập tự giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn. Thập tự giá cũng là biểu tượng của việc hy sinh hãm mình của Kitô hữu: “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo !”.

Thánh Giá được xem như là hình ảnh tiêu biểu nhất liên hệ đến cuộc đóng đinh của Chúa Giêsu Kitô, là biểu tượng đặc trưng của các giáo hội Kitô giáo. Hình tượng Thánh Giá thường gồm hai thanh thẳng đan chéo vuông góc nhau với hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên đó. Thánh Giá có nghĩa khác với "thập giá" hay "thập ác" vì "thập giá" và "thập ác" chỉ mang nghĩa đơn giản là giá có hình chữ thập và trên nó không có những chi tiết liên quan đến tôn giáo.

Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP TỰ GIÁ trở thành một báu vật của tín hữu và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.

Kitô hữu luôn kính mến cây giá đóng đinh Chúa Giêsu là Thánh giá, bất kể vật chất hay phi vật chất. Chẳng hạn, tín đồ thường nói và làm dấu Thánh giá, hay khi chúc lành giáo sĩ cũng dùng tay làm dấu Thánh giá. 

Kinh Tin Kính nói là Chúa Giêsu “chịu đóng đinh trên cây Thánh giá”, và các kinh xưa của Giáo Hội tại Việt Nam khi nhắc đến cái thập giá đều dùng thuật ngữ Thánh giá. Chẳng hạn, khi ngắm Năm sự thương “Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá ”. Hay chặng đường Thánh giá, thì chặng thứ hai: “Đức Chúa Giêsu xê vai mà vác lấy Thánh giá” ; Chặng thứ năm: “Quân dữ bắt ép ông Ximông vác đỡ Thánh giá với Chúa”. 

Chẳng những tín đồ Công giáo mà chúng ta, những người ngoại đạo cũng cần phân biệt cái giá trước và sau khi đóng đinh Chúa, tức là Thập giá và Thánh giá. Điều đó cũng quan trọng để phân biệt đâu là lợi dụng tôn giáo, đâu là hoạt động tôn giáo đơn thuần.

Chúng ta chỉ phản đối những hoạt động lợi dụng tôn giáo để kích động sự chia rẻ, vi phạm pháp luật chứ không phản đối tôn giáo và tự do tôn giáo, tín ngưỡng.

No comments:

Post a Comment